SV chuyên ngữ: "Câm" 50% và "điếc" 40%

SV chuyên ngữ: "Câm" 50% và "điếc" 40%
Tại hội thảo về chất lượng giáo dục (5/2006), tổng giám đốc Saigontourist, ông Nguyễn Hữu Thọ, nhận xét: “SV tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ khi tới phỏng vấn tại công ty chúng tôi, hầu hết các bạn bị “câm” 50% và “điếc” 40%”...
SV chuyên ngữ: "Câm" 50% và "điếc" 40% ảnh 1
Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ tiếng Anh ở Hội đồng Anh. Những sinh hoạt như thế này rất cần để SV rèn luyện thêm ngoại ngữ - Ảnh: BC

Học tiếng Anh theo kiểu Việt!

Khi khảo sát trên 100 sinh viên (SV) khoa Anh từ nhiều trường đại học (ĐH) khác nhau ở TP.HCM với câu hỏi: “Bạn có đủ tự tin về khả năng giao tiếp ngoại ngữ của mình hay không?”, có tới 59 bạn nói “không”. Còn khi hỏi về khả năng giao tiếp với người dân bản xứ thì câu trả lời “không” nhảy vọt lên con số... 79!

SV khoa Anh ở hầu hết các trường ĐH luôn phải “chịu trận” trong những tiết học đàm thoại ngoại ngữ với giáo viên (GV) hoàn toàn là người Việt! Đây là một thông tin hoàn toàn dễ chứng minh khi đến bất kỳ giờ đàm thoại nào ở các trường.

Tất nhiên việc GV người Việt tham gia giảng dạy kỹ năng nghe nói không phải là điều đáng phê phán, tuy nhiên khi được hỏi về sự chọn lựa giữa GV bản xứ hay trong nước thì 100% SV đều chọn GV bản xứ.

Một bạn SV giảng giải: “Giao tiếp nhiều với giảng viên bản xứ sẽ giúp mình quen dần với chất giọng đặc trưng của địa phương người đó và sẽ có phản xạ, tự tin hơn trong những lần giao tiếp sau với người nước ngoài.

Chưa kể GV VN thường rất chú trọng về lỗi ngữ pháp hơn là cách phát âm khiến tụi mình vô cùng lo lắng và thiếu tự tin trong các lần kiểm tra”.

Đó là chưa kể giảng viên Việt dạy tiếng Anh thường rất ít dùng tiếng Anh hay còn vướng khá nhiều lỗi trong phát âm, cách nhấn câu chưa chuẩn và không được thoải mái, tự tin về kỹ năng nói như người nước ngoài... khiến tiết học phần nào trở nên ngột ngạt.

Bạn M.U. (SV năm 2 một trường được đánh giá là SV có khả năng tiếng Anh thuộc vào hàng đầu của cả nước) không giấu vẻ thất vọng mỗi khi nhắc về một cô giáo dạy tiếng Anh ở năm đầu.

Bạn cho biết: “Cô đọc sai rất nhiều và thường không nắm được ý những câu hỏi bằng tiếng Anh của các bạn trong lớp, khả năng truyền đạt kiến thức và giao tiếp bằng tiếng Anh của cô không được chuẩn khiến SV ngao ngán, không còn hứng thú với bài giảng”.

Chưa hết, tại các trường cũng đang tồn tại một thực trạng khá “ngộ nghĩnh” là: Luyện nghe theo phương pháp... học thuộc lòng! Người viết đã từng chứng kiến nhiều bạn SV ngành tiếng Anh ngồi đọc ê a những cọc tài liệu dài khủng khiếp chỉ để “đối phó” với môn nghe.

Bạn T.S. (SV một trường ĐH dân lập) thở dài: “Mình đâu còn giải pháp nào khác! Băng thầy cho nghe thì dài và khó với rất nhiều nội dung phức tạp.

Nếu không học thuộc từ trước thì chẳng thể nào đoán ra nổi nghĩa của từ cần điền, chưa kể GV chấm so đo từng lỗi một... Nếu nghe mà không biết trước từ để điền vào thì chắc chắn chỉ có điệp khúc... thi lại!".

T.S. cho biết thêm: có thể thầy đứng lớp cũng nhận ra điều đó nên cứ đến cuối học kỳ là cả lớp lại được chính thầy phát những bản photo về các bài nghe từng được dạy trong lớp.

Thế mới xuất hiện một điều khá buồn cười là SV đi thi môn nghe mà vẫn có “phao” giấu trong bụng!

Nghe và... ghi!

Nhiều bạn SV năm cuối khoa Anh một trường ĐH dân lập vui mừng ra mặt khi thấy thời khóa biểu các học kỳ cuối có môn “Interpretation” (dịch nói), vì theo các bạn thì ở hầu hết các trường bạn đã chấm dứt dạy kỹ năng nghe nói từ cuối năm 2.

Thế nhưng chưa vui được bao lâu thì các bạn đã “té ngửa” khi được "nếm mùi" các tiết học và bài kiểm tra chính thức. Mang tiếng là môn dịch nói nhưng công việc của các bạn trong tiết học này là... nghe và ghi!

“Thầy vào lớp và bật băng lên cho tụi mình nghe, sau đó tụi mình ghi lại và đứng lên đọc lại cho thầy!”, bạn H.A. (SV năm 4) cho biết.

Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất hỗ trợ giảng dạy lại bị xem nhẹ tới mức nhiều trường hầu như không chút màng tới.

Bạn T.A. (SV năm 4 ĐH dân lập V) chán nản: “Học cả bốn năm ở trường mình chưa từng được “diện kiến” dung nhan phòng lab của khoa, còn cơ hội được học với giảng viên nước ngoài là điều không tưởng...

Khoa mình thậm chí còn không tổ chức nổi một câu lạc bộ tiếng Anh nhỏ hay một cuộc thi hùng biện tiếng Anh đơn giản cho SV luyện tập chuyên ngành. Mang tiếng là dân chuyên ngữ nhưng mỗi lần tiếp xúc với người nước ngoài, tim tụi mình cứ đua nhau đập loạn xạ nói không ra lời”.

Một bạn SV khoa Anh Trường N hài hước nói: “Đôi khi lớp mình rủ nhau cúp học giờ nghe nói để kéo nhau đi xem phim phụ đề tiếng Anh. Nói thật chứ đi coi phim như vậy mà lại đạt hiệu quả hơn nhiều so với việc ngồi nghe những cuốn băng khô khan trên lớp.

Giáo trình của tụi mình học xuất bản từ năm... 1992, băng cassette thì nhão nhoẹt...! Chưa đề cập tới việc tiếng Anh là một sinh ngữ và luôn thay đổi theo thời gian, việc áp dụng sách và phương pháp cũ để giảng dạy khiến chúng mình cảm thấy tiết học trở nên nhạt nhẽo, vô vị!”.

Như thế, chừng nào SV khoa Anh mới đủ tự tin và bản lĩnh để giao tiếp ngoại ngữ?

Theo Công Nhật
Tuổi trẻ

Anh Phạm Long (tổ trưởng tổ Anh, ban chương trình nước ngoài, Đài truyền hình TP.HCM) cho biết: “SV khoa Anh từ các trường đại học trong TP.HCM nói riêng hiện nay có kỹ năng nghe và nói rất kém.

Trong khoảng 1.000 hồ sơ SV khoa Anh hằng năm nộp vào chỗ chúng tôi chỉ có khoảng 30-40% là có khả năng giao tiếp được. “Được” ở đây có nghĩa là các bạn nói đủ để hiểu chứ chưa đạt đến trình độ nói đúng và chuẩn. Còn về kỹ năng nghe thì số bạn đạt loại tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay".

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.