Tại sao môn sử có điểm thấp?

Tại sao môn sử có điểm thấp?
Các số liệu thống kê cho thấy một lần nữa số bài thi môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH có điểm thấp đến mức đáng báo động. Có nơi như ĐH Sư phạm Hà Nội có đến 15% bài thi điểm 0! 
Tại sao môn sử có điểm thấp? ảnh 1
Biểu đồ thi môn sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Điều này có liên quan gì đến nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và cả sách giáo khoa?

Chương trình quá ôm đồm
(Đây là ý kiến của giáo viên VƯƠNG KIM TRANG - Trường THPTchuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM).

Tôi vừa đi chấm thi tuyển sinh ở hai trường ĐH về - buồn và đau đầu vô cùng. HS học lơ mơ, không nắm được kiến thức cơ bản nên lấy "râu ông nọ cắm cằm bà kia", có em còn viết rất linh tinh, bậy bạ (câu hỏi về hiệp định Geneva mà tưởng tượng thành hai đội VN và Pháp đá bóng với nhau), có em thì để giấy trắng... Vì thế, điểm 0 rất nhiều.

Thật ra, tình trạng trên đã hình thành từ rất lâu rồi nhưng mới từ hai năm nay đề thi tuyển sinh môn sử có phần đổi mới theo hướng suy luận, yêu cầu thí sinh phải hiểu vấn đề, phải biết phân tích, suy luận... nên mới cho ra kết quả "thấp không thể thấp hơn" như thế.

Cần phải thay đổi ngay phương pháp dạy và học, không thể tiếp tục thực hiện như cách cũ. Ở đây tôi không phủ nhận vai trò của người đứng lớp - rằng một số GV không tạo ra được sự hấp dẫn trong bài giảng của mình.

Nhưng kinh nghiệm hơn 30 năm đứng lớp cho tôi kết luận: nội dung chương trình lịch sử bậc phổ thông quá ôm đồm đã trói buộc GV vào "vòng xoáy" chạy theo chương trình để khỏi cháy giáo án.

Bởi vậy GV rất khó sáng tạo, các sự kiện lịch sử vốn dĩ đã khô khan, ngoài nội dung trong sách giáo khoa - GV có muốn liên hệ với thực tế để tạo sự thu hút HS cũng phải tính toán thời gian thật kỹ.

Phải viết lại sách sử cho hấp dẫn!
(GV HÀ VĂN THỊNH  - khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế)

Sử là môn thi tốt nghiệp nhưng tại sao thi vào ĐH lại có điểm 0, 1, 2 nhiều như vậy? Theo tôi, phải thay đổi lại toàn bộ cách dạy từ cơ sở. Cách dạy và cách trình bày trong sách giáo khoa môn sử không có hồn, chỉ là những mảng rời rạc, khô khan.

Quan điểm của tôi, từ cách dạy và kể cả đáp án làm môn sử đang giống như là đống đá và gạch vụn lổn nhổn, không gắn kết gì với nhau cả. HS tốt nghiệp phổ thông vào ĐH mà trình độ lịch sử kém như vậy nhất định sẽ ảnh hưởng đến tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của cả một thế hệ, thậm chí nhiều thế hệ.

Điều này cần phải có một chính sách đặc biệt, chẳng hạn như tăng số lượng tiết dạy lên, có những chương trình bổ trợ như tổ chức tham quan... Ví dụ HS phổ thông ở Đông Hà (Quảng Trị) tổ chức đi thăm địa đạo Vịnh Mốc mà cũng bắt mua vé như những người khác... Đúng ra phải khuyến khích các em đi mới phải.

Ngoài ra, theo tôi, cần phải viết lại lịch sử, làm sao để lịch sử đọc cho hay. Lịch sử Trung Quốc đọc vào thấy cái hồn trong đó, có sự đan xen giữa văn hóa và lịch sử, giữa truyền thống và lòng tự hào rất rõ ràng.

Còn mình thì chỉ một chiều, lúc nào cũng chỉ địch thua ta thắng, địch bao giờ cũng hèn nhát, ta bao giờ cũng cao thượng, dũng cảm. Một chiều như vậy mãi thì HS cũng không thích, thậm chí tạo mặc cảm lừa dối.

Một điểm nữa là cứ lặp đi lặp lại: tiểu học học lịch sử đó, THCS học lại lịch sử đó, THPT cũng học lại lần thứ ba nữa. Kiến thức mà cứ lặp đi lặp lại như vậy thì chán lắm, không sáng tạo được, nó bị mài mòn.

Thiếu trách nhiệm với tương lai
(TS sử học PHẠM NGỌC TUNG - giảng viên ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Điểm thi thấp, theo tôi, đã là bằng chứng quá rõ để thể hiện triết lý giáo dục thiếu trách nhiệm với tương lai, đặc biệt ở một môn học mà trước nay người ta cứ quan niệm rằng chỉ học thuộc lòng là chính. Nguyên do cho kết quả này, tôi có thể chỉ ra ở ba điểm.

- Quan niệm giáo dục và thực hành sư phạm phổ biến hiện nay vẫn là truyền thụ, “nhồi” một chiều chứ không phải trao đổi kiến thức. HS hiếm khi phải tư duy, khi đến lớp chủ yếu là... chép bài. Đến lúc gặp phải đề thi có chút tổng hợp, liên kết là lúng túng, không biết lắp ráp thế nào.

- Quan niệm chung của toàn xã hội về lịch sử dân tộc cũng không tạo ra môi trường bền vững cho nhận thức lịch sử đầy đủ trong lớp trẻ hôm nay. Chúng ta không có những bộ phim, không có truyện thật hay về lịch sử.

Lịch sử dân tộc không thiếu những thời kỳ kế sách lẫy lừng, kinh tế nổi trội..., nhưng đến giờ vẫn chưa có bộ phim lịch sử nào thật sự đi vào lòng người. Người ta vẫn cứ thích xem phim dã sử Trung Quốc hơn và không có hứng thú với lịch sử dân tộc mình.

- Thêm điều này nữa, tôi cho đây thuộc về trách nhiệm của những nhà lịch sử chuyên nghiệp - trong đó có những giảng viên lịch sử như chúng tôi, những người viết sách lịch sử. Chúng ta đang nhìn lịch sử dân tộc một cách phiến diện, chỉ có chiến tranh cách mạng, không đưa vào lịch sử văn hiến, lịch sử dựng nước nên không hấp dẫn được người học.

Cần thay đổi cách ra đề
( GV ĐẶNG QUANG MINH - Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội)

Theo tôi, cả gia đình và xã hội đều nên thông cảm cho các em HS. Chương trình học nói chung hiện nay là quá nặng, quá rộng, buộc cả thầy và trò phải ôm đồm quá nhiều vấn đề. Thậm chí trong nhà trường phổ thông, tôi biết, nhiều nơi thầy cô không đủ thời gian để dạy một số bài cuối sách, dồn trọng tâm cho hạn chế chương trình thi tốt nghiệp.

Do đó, nếu thay đổi cách ra đề sẽ thay đổi được cách học của thí sinh và tương lai sẽ cải thiện được điểm số khủng hoảng như hiện nay. Ngoài ra, tôi thấy bộ cũng nên có chủ trương hạn chế phần nào những kiến thức râu ria, không cần thiết để HS có thời gian ngẫm nghĩ, suy luận và hiểu thấu đáo những kiến thức lịch sử trọng tâm.

Dạy sử mà như chép sử!
(LÊ THU HƯƠNG - SV K46, khoa lịch sử ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội)

Tôi thấy thi khối C, ngoài những người chuyên tâm ngay từ đầu theo văn - sử - địa, còn có rất nhiều bạn học kém toàn diện cũng chọn khối thi này vì nghĩ đơn giản khối C chỉ toàn môn học thuộc, may mắn gặp được giám thị dễ tính thì chép tài liệu là đỗ.

Ngoài ra, từ thời còn đi ôn ĐH ở quê, cũng như lên học cấp tốc ở Hà Nội, chúng tôi toàn được các thầy dạy sử cho chép sử như một bài văn hoàn chỉnh. Học thuộc thì phải học theo hệ thống, nên có khi chỉ quên một chi tiết giữa chừng là học sinh quên hết, chẳng nhớ được gì!

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG