Tấm bằng

Tấm bằng
TP - Không chỉ bác sĩ bằng giả mà chắc chắn còn nhiều người đang “nhởn nhơ” ở các lĩnh vực khác. Bằng giả đang làm cả hệ thống yếu đi - GS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia phát biểu nhân vụ phát hiện 20 cán bộ y tế Thanh Hóa dùng bằng giả mới đây, trong đó có nhiều cán bộ công chức tại bệnh viện tuyến tỉnh và trực tiếp khám bệnh.

Ông chua chát nhận xét: Kiểu học nào cũng có bằng giả để phục vụ cho người không thực học. Do chúng ta coi bằng cấp có vị trí ngang nhau, và việc học các hình thức không chính quy có phần dễ dãi nên mới có tình trạng này.

Chỉ gõ vài từ “bằng đại học giả” lên mạng đã thấy hàng loạt đầu mối làm bằng giả “đảm bảo uy tín”.

Ai cũng biết bằng giả trong lĩnh vực y tế rất nguy hiểm vì liên quan đến sinh mạng con người. Vậy mà có người trong vụ này sử dụng bằng giả hàng chục năm, nhưng đến nay mới bị phát hiện. Có lẽ, sự chậm trễ này là kết quả của nền công vụ giao việc chung chung, thiếu quan tâm đến hiệu quả làm việc cá nhân. 

Có vẻ Việt Nam đang lẫn lộn xã hội học tập và bằng cấp của học tập. Xã hội học tập là quan điểm tiến bộ, tạo điều kiện cho ai cũng được học hành và ai muốn học thì có thể học suốt đời, bằng mọi hình thức.?Nhưng thực tế bằng cấp mỗi dạng được đào tạo có quy trình khác nhau dẫn đến chất lượng khác nhau. Vì thế, trong tuyển dụng, không thể chỉ xem điều kiện rất hình thức là có bằng cấp mà không lưu ý đến thực lực con người trên cơ sở thực hiện một công việc cụ thể. 

Nhiều ý kiến đáng chú ý, trong đó có cả ý kiến của Bộ trưởng GD – ĐT Phạm Vũ Luận trong một phiên họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục: “Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. Với doanh nghiệp tư nhân, việc tuyển dụng nhân viên gắn với lợi ích của người chủ và doanh nghiệp, nên khi tuyển người ta chỉ tuyển người vào chỗ họ đang thiếu và có thể đảm nhiệm được. Họ không chê người có bằng cấp thấp mà có khả năng làm việc, hiệu quả. 

Trong khi đó, tại các cơ quan Nhà nước, người đứng đầu không có quyền cắt lương vì chất lượng công việc không đảm bảo, nhất là với những trường hợp “đụng chạm”. Như vậy, hiện nay quyền và trách nhiệm không tương thích ở vị trí người đứng đầu. Trong một khía cạnh khác, ở môi trường nhà nước thì – như dư luận xã hội lâu nay - cái bằng cần nhất là “bằng lòng”. Đã được sếp “bằng lòng” rồi thì chuyện năng lực, bằng cấp thế nào cũng không cần xét đến.

Trở lại chuyện phát hiện bằng giả. Cần phải có chế tài hồi tố trách nhiệm cả về kinh tế và chính trị ngay từ khi được tuyển dụng (với tấm bằng giả). Như cách ứng xử của pháp luật với hành vi sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả. Tại sao không?

MỚI - NÓNG