"Tạm chấp nhận, tự tìm hiểu"

"Tạm chấp nhận, tự tìm hiểu"
 Nhiều SV khi gặp thầy cô chậm đổi mới hoặc bảo thủ cho rằng, cách tốt nhất là chọn thuyết trình những điều đã được nhiều người nói đến. Bởi, nếu làm khác, sẽ... nắm vé thi lại.

Thầy: "Tôi chưa từng nghe, chưa thấy ai làm thế cả"

"Tạm chấp nhận, tự tìm hiểu" ảnh 1
Nếu SV được tự do tranh luận thì đỡ!

"Sinh viên luôn báo bệnh, tìm cách để trốn tiết thuyết trình, bởi không sớm thì muộn sẽ có một cuộc tranh luận nảy lửa với giảng viên" - SV tên D của một trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học thành thật cho biết.

Sở dĩ luôn có những giờ học "không hoà đồng", D nhận xét, bởi giảng viên chưa vững chuyên môn lại còn tự ái nghề nghiệp. Kết quả là cả lớp không ai tin tưởng vào vốn kiến thức của cô giáo. Luôn tìm cách để nghỉ học môn này.

Một lần, lên thuyết trình về Tết Đoan ngọ. D đọc sách, tìm hiểu về phong tục tập quán của dân gian, khám phá ra ở một số vùng quê, vào ngày Tết này, người con rể tương lai phải biếu bố mẹ vợ 1 thúng bún và 1 con ngỗng.

Một số vùng khác thì xem Tết Đoan ngọ là ngày diệt sâu bọ. Người dân quan niệm, ăn cơm rượu vào sáng sớm sẽ diệt trừ được sâu bọ. Cây nào chậm ra quả, thì đúng vào ngày Tết Đoan ngọ, quất vào thân, cây sẽ sớm cho quả.

Những phong tục này sách vở đã nói đến. D đã đến nhiều nơi để tìm bằng chứng. Nhưng khi đứng lên thuyết trình, giảng viên lại bác đi với một câu ngắn gọn: "Tôi chưa từng nghe, và ở thành phố này cũng chưa thấy ai làm thế cả". Kết quả là D bị điểm kém bài thuyết trình và bị ghi tên vào... "sổ đỏ".

Cậu thắc mắc: "Sao không có trường áp dụng kiểu trả lại bài kiểm tra, bài thi cho SV nhỉ? Vừa để SV rút kinh nghiệm về bài làm của mình vừa không có hiện tượng chèn ép S".

Cũng là "đụng độ" với giáo viên về những kiến thức xã hội, nhưng Dũng - SV một lớp du lịch - đã phải mất 3 tháng mới chứng minh được mình đúng.

Vốn đi nhiều, nghiên cứu nhiều về các chùa chiền ở Huế, một lần, giảng viên nói không đúng về lịch sử của một ngôi chùa không còn nhiều người biết ở Huế, Dũng đứng lên hỏi lại, nhưng cô giáo bảo: "Em không học, đọc, nghiên cứu nhiều bằng tôi đâu. SV không được vô lễ như thế".

Đến giờ, Dũng cũng không biết tại sao mình bị ghép cho tội vô lễ; nhưng bạn biết rằng mình đã đúng. Nhưng chỉ là sự công nhận bất đắc dĩ của giảng viên.

Chỉ vì một câu thắc mắc: "Tại sao lại chọn màu sắc để làm trắc nghiệm tâm lý mà không chọn những dữ liệu khác?" mà N.T.T, SV khoa Tâm lý của một trường ĐH bị giảng viên mắng: "Tôi phải học tập nhiều năm, nghiên cứu nhiều sách vở thì mới được như hôm nay. Các bạn chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà thôi, không biết gì đâu". Kết quả: 2 lần "xơi" điểm 4.

Mỗi người gặp một hoàn cảnh. Nhưng các bạn SV đều có chung sự thiếu tin tưởng nơi thầy cô. Tiết học trở thành nỗi ám ảnh với SV. Và rồi, SV tìm mọi cách để học đối phó để không phải đến lớp. Cũng có những nơi, SV kiến nghị lên BGH để được thay đổi giảng viên. 

Trò: Chỉ nói những gì người khác đã nói

"Tạm chấp nhận, tự tìm hiểu" ảnh 2
Trao đổi với bạn bè cũng là cách bổ sung kiến thức

Cách mà D dùng để... ra được trường là chọn thuyết trình những điều đã được nhiều người nói đến. Chỉ cần lên mạng, tìm kiếm thông tin và sửa đổi văn phong để biến thành của mình.

D lý giải: "Tìm tòi chi cho mất công, có khi lại nằm trong danh mục những điều chưa biết của giảng viên".

Với D, thời đại công nghệ thông tin, sẽ có những điều giảng viên chưa từng biết đến, chưa nghiên cứu qua. Nhưng nếu giáo viên khéo léo, hẹn SV một dịp khác để tìm hiểu thêm thì chẳng có chuyện gì xảy ra.

Cũng như thế, N.T.T phân vân: "Tại sao cô không giải thích giùm em nhỉ? Có thể, câu hỏi của em ngớ ngẩn, nhưng sẽ có những cách giải thích khác hợp tình, hợp lý hơn".

Để an toàn, anh bạn tìm cho mình tư thế ổn - không bao giờ mở miệng hỏi điều gì nữa. Nếu còn thắc mắc thì mang đi trình bày với thầy cô khác. Vô lớp vẫn khoanh tay ngoan ngoãn, nhưng không muốn tiếp thu bài.

Thanh Thảo (ĐH Bách khoa) chọn cho mình một kiểu dung hoà: "Kiến thức thầy cô truyền đạt cho như thế là tương đối, với em thì chấp nhận được. Đương nhiên, cũng phải tự tìm tòi, học hỏi thêm thì kiến thức mới rộng được".

"Có bao giờ chị được thầy giáo ra quy định là chỉ được thảo luận những điều trong giáo trình chưa?" - Một SV trường Văn Hiến hỏi như thế. Chưa kịp trả lời, bạn đã nói tiếp: "Lớp em có một thầy như thế".

Một tuần lớp có 5 tiết học, thầy để ra 2 tiết để SV đọc giáo trình, sửa lỗi chính tả cho giáo trình, 3 tiết còn lại để thảo luận. Thầy cũng buộc SV chỉ bàn về những vấn đề mà giáo trình có, theo cái kiểu phần 1 nói gì, phần 2 có nội dung gì... buộc SV chỉ được suy nghĩ trong một khuôn khổ, không được mở rộng.

Bắt SV phải suy nghĩ theo thầy, bắt bẻ từng từ ngữ của SV. Cách dạy của thầy quá cổ điển, suốt ngày phải đọc chép, đọc chép.

Cả lớp đối phó bằng cách quy tụ từng nhóm nhỏ để thảo luận tiếp. Còn đến tiết học, vì phải điểm danh nên các bạn chia nhau nghỉ, hoặc chỉ có mặt vào đúng giờ điểm danh. Một buổi học, có hàng chục SV xin đi toilet, lên phòng y tế...

Đoan Trúc
VietNamNet

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.