Tạm dừng chấm dứt hợp đồng với 200 giáo viên 'dôi dư' tại Đắk Lắk

TPO - Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắk đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với khoảng 200 giáo viên hệ THCS, tiểu học và mẫu giáo trên địa bàn huyện.

Chiều 11/3, ông Nguyễn Hải Ninh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Tại cuộc họp sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND tỉnh và Thường vụ Huyện uỷ Krông Pắk đã đi đến thống nhất, tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với hàng trăm giáo viên trên địa bàn huyện.

Cuộc họp khẩn sáng cùng ngày giữa hai cơ quan nói trên, đúng vào ngày cuối tuần nhằm tìm giải pháp cho hơn 500 giáo viên có nguy cơ bị thôi việc. Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắk đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với khoảng 200 giáo viên hệ THCS, tiểu học và mẫu giáo trên địa bàn huyện.

Tạm dừng chấm dứt hợp đồng với 200 giáo viên 'dôi dư' tại Đắk Lắk ảnh 1 Hàng trăm giáo viên sắp mất việc kéo lên huyện phản ứng. Ảnh Vũ Long

Trước đó, UBND huyện Krông Pắk (trong cả ba nhiệm kỳ từ 2005 - 2020) đã ồ ạt ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao, dẫn đến dư thừa trầm trọng. Đến nay, toàn huyện có 605 giáo viên và nhân viên hợp đồng, trong khi biên chế chưa sử dụng chỉ còn 84, nên sắp tới sau khi thi tuyển biên chế sẽ dư thừa hàng trăm người.

Để giải quyết hậu quả này, vào ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk đã mời 200 giáo viên hợp đồng không đủ điều kiện dự tuyển biên chế hoặc không có vị trí việc làm phù hợp lên thông báo chấm dứt hợp đồng. Hơn 400 giáo viên, nhân viên hợp đồng còn lại, sau khi thi tuyển lấy 84 người vào biên chế, huyện cũng sẽ chấm dứt hợp đồng đối với những người không trúng tuyển. Do vậy hàng trăm giáo viên đã bức xúc phản đối.

Vào ngày 10/3, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT, LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc theo hướng sắp xếp, bố trí việc làm cho những giáo viên này.

Liên quan đến sai phạm này, trước đó UBKT Tỉnh ủy đã thi hành kỷ luật: Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011 - 2015). Mới đây, qua kiểm tra tại nhiều địa phương, trong đó có Đắk Lắk, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện sai phạm này và đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm đối với Chủ tịch UBND huyện Y Suôl Byă và Giám đốc Sở Nội vụ Miêng K’Lơng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đang tiến hành kiểm tra, làm rõ các sai phạm đối với ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.