Hạn chế tình trạng học sinh bỏ học hàng loạt:

Tâm huyết nhà giáo là biện pháp tốt nhất?

Tâm huyết nhà giáo là biện pháp tốt nhất?
TP - Trong lúc chờ đợi giải pháp vĩ mô cho vấn nạn học sinh bỏ học hàng loạt, mỗi địa phương đều nỗ lực theo cách của mình. Theo các nhà quản lý giáo dục, biện pháp tốt nhất để giải quyết tình trạng bỏ học hàng loạt hiện nay là tâm huyết của mỗi nhà giáo.

Dưới đây là trao đổi giữa Tiền phong với một số cán bộ quản lý ngành GD&ĐT ở một số địa phương có số HS bỏ học nhiều.

Ông La Công Tâm (Phó Giám đốc Sở GD&ĐTAn Giang):

Nhiệm vụ quan trọng nhất của người thầy là không được dạy dở

Từ thực tế trên, đầu năm học 2006 – 2007, UBND tỉnh An Giang đã ban hành chỉ thị 06 để phân công trách nhiệm cụ thể của 3 bên trong nhiệm vụ huy động HS đến trường, hạn chế tình trạng HS bỏ học: ngành GD&ĐT; chính quyền; các tổ chức đoàn thể.

Nếu như trước đây, việc đến nhà HS vận động các em quay trở lại lớp là việc riêng nhà trường thì nay được giao cho chính quyền (cùng phối hợp với các đoàn thể và nhà trường).

Còn nhiệm vụ của nhà trường là phải dạy tốt. Dạy dở sẽ là nguyên nhân khiến HS không thích đi học. Nhà trường cũng thông báo kịp thời với chính quyền khi có HS bỏ học.

Trong chỉ thị 06, tôi tâm đắc nhất là giải pháp ngăn HS bỏ học từ giai đoạn có nguy cơ. Các em đã bỏ rồi rất khó vận động quay trở lại lớp.

Do đó  GV chủ nhiệm phải nắm rõ hoàn cảnh của từng HS để nhận biết nguy cơ bỏ học của các em và chia ra các nhóm: học kém; hoàn cảnh khó khăn...

Nguyên nhân nào liên quan nhiều tới nhà trường thì trường chủ động ngăn chặn. HS học yếu quá thì phải tổ chức phụ đạo, dạy kèm cho các em. HS nào quá nghèo thì báo cho địa phương để địa phương có biện pháp hỗ trợ.

Như vậy, ít em bỏ học hơn. Chẳng hạn trong 10 em “nguy cơ” thì chỉ 3 – 4 em bỏ học.

Hạn chế bỏ học đương nhiên là trách nhiệm của từng địa phương. Tuy nhiên, ở cấp vĩ mô cũng có thể có những tác động gián tiếp khắc phục tình trạng này.

Chẳng hạn chính sách đối với GV vùng sâu, vùng xa. Hoặc có thể có những nghiên cứu để áp dụng chương trình học hợp lý với HS ở những vùng kinh tế xã hội kém phát triển bởi các em không chỉ thiếu thốn về điều kiện học tập mà khả năng tiếp thu cũng hạn chế.

Ông Đoàn Văn Ninh (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang)

Học sinh cần được khôi phục ý chí, niềm tin

Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã yêu cầu ngành GD&ĐT phải có những giải pháp hữu hiệu. Biện pháp then chốt là đội ngũ GV phải tận tâm tận lực giúp HS chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng học tập.

Những em này thường nhiều mặc cảm nên các thầy các cô phải vừa dạy vừa dỗ. Ngay cả trong việc thông báo cho các em đi học phụ đạo cũng phải rất khéo léo kẻo các em xấu hổ hoặc nản lòng không muốn đi.

Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đã có kế hoạch chỉ đạo từ đầu năm học để các trường tổ chức kiểm tra đánh giá, có biện pháp giúp đỡ HS, phân công những GV tốt nhất để giúp HS chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đưa vào chương trình công tác năm 2008 tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục duy trì mô hình “một hội đồng 2 nhiệm vụ” (vừa làm phổ thông, vừa làm bổ túc).

Đây là một cách làm đảm bảo tỉ lệ huy động HS đến trường cao mà Tuyên Quang đã từng thực hiện rất tốt.

Về phía xã hội có những động thái tích cực, cha mẹ HS đã vào cuộc. Trong các cuộc họp ở cấp cơ sở về xã hội hóa GD người ta không chỉ bàn về đóng góp kinh phí, cơ sở vật chất cho nhà trường như trước đây mà còn thảo luận về nội dung bức xúc nhất hiện nay là giúp HS học tốt.

Thậm chí có nơi người ta còn đưa cả hội cha mẹ HS vào ban vận động HS bỏ học quay trở lại trường; ban vận động các cháu có hoàn cảnh khó khăn cố gắng đi học...

Theo tôi, không thể đổ lỗi cho HS khi các em bỏ học. Lúc này các em cần được khôi phục ý chí, niềm tin và quyết tâm vươn lên.

Các em cần được học với những người thầy có tâm huyết, cần được xã hội quan tâm bằng những việc làm cụ thể hàng ngày.

Quý Hiên
Thực hiện

MỚI - NÓNG