Tân Bộ trưởng đến nơi “Thi thật, chấm điểm thật”

Tân Bộ trưởng đến nơi “Thi thật, chấm điểm thật”
TPCN - Ngay sau khi báo chí đưa tin An Giang rất thành công với mô hình “Thi thật, chấm điểm thật”, từ 4 giờ sáng 15/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã về An Giang để tìm hiểu về mô hình này.
Tân Bộ trưởng đến nơi “Thi thật, chấm điểm thật” ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói chuyện với thầy cô giáo là hiệu trưởng các trường THPT, THCS và tiểu học trong tỉnh An Giang tại buổi làm việc sáng 15-7 - Ảnh: Tuổi trẻ.

Trong mùa thi tốt nghiệp cấp 3 vừa qua, An Giang đạt 2 cái nhất và 1 cái nhì ngược: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học bổ túc thấp nhất nước: 22,27%; Số thí sinh thi tốt nghiệp trung học bị đình chỉ thi cao nhất nước: 116 em và tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp thứ nhì cả nước (sau Sóc Trăng): 77,7%.

Ông Lê Minh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói: Để có  “2 cái nhất và 1 cái nhì” như vừa nêu, tỉnh đã phải loay hoay vất vả trong gần 10 năm trời.

Ông Tùng nói thật rằng: Không phải bây giờ tỉnh mới tuyên chiến với bệnh thành tích trong giáo dục.

Tuy nhiên, cuộc chiến này đôi khi không cân sức. Năm 1998,  tỉnh đã triển khai mô hình “Thi thật, chấm thật”.

Kết quả: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học chỉ đạt 30%. Cả tỉnh choáng váng. Nhiều áp lực từ xã hội, lãnh đạo địa phương đè xuống ngành giáo dục tỉnh nhà. Thế là, năm sau, mô hình “Thi  thật, chấm điểm thật” bị gãy một nửa.

 Có nghĩa là thi vẫn nghiêm túc nhưng khi chấm xong, chưa vội công bố kết quả mà nghe ngóng tình hình các địa phương khác. Nếu tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp của tỉnh quá thấp so với các tỉnh bạn thì, cán bộ chấm thi phải “mở” đáp án nâng điểm cho thí sinh.

Có những năm chỉ “mở he hé” nhưng có những năm phải tìm cách cộng thêm điểm cho thí sinh để đạt được tỷ lệ đẹp.

TS Hồ Văn Hiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang khẳng định: Từ năm 2005 đến nay, đặc biệt là năm 2006, mô hình “Thi thật, chấm điểm  thật” đã được phục hồi.

Hai cái nhất và 1 cái nhì ngược mà tỉnh đã đạt được trong mùa thi vừa rồi là “một minh chứng hùng hồn nhất”. Trước đây, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp thấp thì cái ghế Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ bị lung lay vì “tỷ lệ”  là một yếu tố cực kỳ quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo của cán bộ.

Bây giờ, An Giang đã thoáng hơn rất nhiều, chấp nhận những con số thật. TS Hồ Văn Hiệp nêu ra một số kinh nghiệm trong việc thực hiện thành công mô hình “Thi thật, chấm điểm thật”:

UBND tỉnh không đặt áp lực chỉ tiêu tốt nghiệp cho ngành vì tỷ lệ tốt nghiệp thấp phản ánh đúng thực chất (tỉnh nghèo, thiếu thốn cơ sở vật chất, giáo viên).

Chấn chỉnh thi cử là một quá trình, từ tổ chức dạy, học đến đánh giá thi cử. Từ đó, đã hình thành ý thức chấp hành nghiêm túc thi cử trong học sinh. Hội đồng thi, cán bộ coi thi  được tổ chức khoa học để ngăn ngừa những tiêu cực có thể xảy ra...

Theo TS Hiệp, việc tổ chức thi cử nghiêm túc (mặc dù kết quả là  những con số buồn)  đã giúp giáo viên rút kinh nghiệm và đánh giá đúng kết quả giảng dạy, học sinh biết được khả năng của mình để phấn đấu học tập nhiều hơn, cuối cùng xã hội có những “sản phẩm sạch”, những con người trung thực.

Theo thầy Thái Văn Tình, Hiệu trưởng trường THPT Thủ Khoa Nghĩa thì khởi nguồn của tiêu cực trong giáo dục là do bệnh “thành tích”. Thầy Tình nêu ra một số điều vô lý trong phong trào thi đua và đánh giá giáo viên. Đây cũng chính là khởi nguồn cho tiêu cực phát sinh.

Ví dụ: Để được bình chọn là lao động tiên tiến, giáo viên chủ nhiệm không được để quá 1% học sinh trong lớp bị lưu ban. Có nghĩa là, mỗi lớp có 50 học sinh thì chỉ được phép nửa em bị lưu ban mà thôi.Và như vậy, để đạt lao động tiên tiến, giáo viên phải sửa điểm, nâng điểm cho học sinh yếu kém...

Sau khi khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân kết luận: Vì tương lai của đất nước, đã đến lúc phải xây dựng ngay một chương trình hành động “Nói không với tiêu cực trong thi cử”.

Việc làm này rất khó bởi lẽ: Khi chống tiêu cực, kết quả thi sẽ thấp, học sinh buồn, phụ huynh buồn, ảnh hưởng đến phong trào thi đua. Do vậy, ngành giáo dục đang rất cần sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, sự đồng tình của thầy cô giáo và xã hội.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.