Tân Bộ trưởng Giáo dục sẽ gặp thầy giáo Khoa

Tân Bộ trưởng Giáo dục sẽ gặp thầy giáo Khoa
"Quốc hội giao thì mình phải “chiến đấu” thôi, mình ngày xưa vốn là một người lính mà. Mình sẽ là người lính ra trận với một hậu phương vững chắc!” - tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ chiều qua, 30/6.
Tân Bộ trưởng Giáo dục sẽ gặp thầy giáo Khoa ảnh 1
Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân

Vị trí Bộ trưởng Bộ GD-ĐT được coi là một “ghế nóng”. Xin Bộ trưởng cho biết tâm trạng của mình khi “ngồi” ở vị trí đứng đầu ngành giáo dục này?

Người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Giáo dục-đào tạo luôn có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Trước đặc điểm đó, một mặt, tôi thấy rất vinh dự khi được Đảng, Quốc hội giao cho trọng trách nặng nề này nhưng mặt khác, cũng rất lo lắng.

Qua thực tế công tác ở TPHCM, tôi có một bài học là trước mỗi vấn đề khó khăn, nếu đi vào thực tế thì bao giờ cũng tìm được những mô hình, những gợi ý giúp giải quyết vấn đề rất tốt.

Tôi tin rằng, nếu biết phát huy sáng kiến và lắng nghe ý kiến các thầy cô giáo, cán bộ trong ngành, phụ huynh và học sinh, cùng với khảo sát thực tiễn, sẽ tìm được những biện pháp phát huy những thành tựu của ngành giáo dục và khắc phục được những hạn chế còn tồn tại.

Bộ trưởng sẽ bắt tay vào việc gì đầu tiên?

Tôi đã qua 9 năm không làm công tác quản lý trong ngành giáo dục nên ưu tiên hàng đầu của tôi trong thời gian tới là phải tìm hiểu ngay thực tiễn công việc, từ cấp mầm non đến giáo dục đại học; tìm hiểu yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân đặt ra cho ngành; tìm hiểu xu hướng phát triển giáo dục hiện đại hiện nay trên thế giới.

Tôi sẽ tổ chức gặp 5 đối tượng: thứ nhất, cán bộ trong ngành; thứ hai, các trường từ mầm non đến đại học, chính quyền các địa phương; thứ ba, các nhà giáo dục lâu năm trong ngành, những người có nhiều tâm huyết và sáng kiến; thứ tư, đại diện giới doanh nghiệp và Việt kiều để tìm hiểu “đặt hàng” của họ và khả năng hỗ trợ cho ngành GD-ĐT; thứ năm, sinh viên và phụ huynh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.

Từ những hoạt động này, cùng với các đồng chí lãnh đạo bộ và các địa phương, chúng tôi sẽ hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2006-2010 và phương hướng tới 2015. Hiện nay, bộ đang chuẩn bị, mục tiêu là cuối năm 2006 có thể trình Trung ương.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đã bộc lộ những vấn đề khá nhức nhối, đó là bệnh thành tích, gian lận thi cử… Ở cương vị đứng đầu ngành giáo dục, ông dự định sẽ giải quyết những vấn đề này thế nào?

Tôi chưa có điều kiện điều tra thực tế xem những tiêu cực đó sâu và rộng như thế nào, rồi lắng nghe ý kiến của các đối tượng liên quan. Tôi sẽ dành thời gian làm việc đó. Tôi cho rằng, nếu được nghe ý kiến của chính các thầy cô giáo trong ngành thì sẽ tìm được cách khắc phục.

Một bài học kinh nghiệm của tôi từ TPHCM là, trước tiêu cực thì không thể một lúc khắc phục được ngay tất cả, nhưng nếu đã chọn vấn đề gì để giải quyết thì cần xem xét đầy đủ bối cảnh và xác định biện pháp đồng bộ, khả thi và giải quyết triệt để. Phương châm của tôi là tập trung giải quyết dứt điểm từng vấn đề

Những ngày qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến những vụ việc tiêu cực trong thi cử xảy ra tại tỉnh Hà Tây. Ông dự định sẽ xử lý những tiêu cực này như thế nào?

Tôi mới biết sự việc này qua báo chí, chưa gặp được những người trong cuộc. Tôi dự định sẽ có buổi làm việc trực tiếp với tỉnh Hà Tây và trực tiếp gặp gỡ “giám thị tố cáo” là thầy giáo Đỗ Việt Khoa.

Tôi cho rằng, những vụ việc như thế này phải làm việc trực tiếp. Tôi cũng đề nghị mọi người hãy bình tĩnh để đánh giá đúng mức độ tiêu cực, từ đó thống nhất được cách đánh giá và giải quyết.

Tôi biết, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo xử lý vụ việc này và cử cán bộ xuống giám sát. Tôi tin rằng, rồi đây xã hội sẽ có cái nhìn công bằng hơn với giáo dục, bởi bên cạnh những hạn chế, tiêu cực vẫn là những đóng góp và thành tựu của ngành. Xin đừng đặt giáo dục vào tư thế như người phạm tội, như thế sẽ không giải quyết được vấn đề.

Được nhiều người đặt niềm tin vào ông ở cương vị mới – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông có cảm thấy áp lực nhiều không?

Cũng có một phần. Người dân gửi gắm niềm tin thì mình phải ráng thôi. Tôi biết rằng, mình không đơn độc. Trong vòng 2 ngày qua, tôi đã nhận được 150 tin nhắn chúc mừng; trong số đó có rất nhiều người không quen. Tinh thần chung đều gửi gắm niềm tin và ủng hộ. Tôi nghĩ rằng, nếu mình biết lắng nghe và đoàn kết thì chắc chắn sẽ làm được nhiệm vụ mới (cười)!

Xin cám ơn Bộ trưởng. Xin chúc Bộ trưởng thành công.

Theo SGGP

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.