Tăng học phí phải cam kết tăng chất lượng

Tăng học phí phải cam kết tăng chất lượng
"Để tăng học phí, phải tuyên bố chính sách một cách rõ ràng: Nhà nước chi cho những phần nào, phần nào nhà trường phải chịu trách nhiệm? Phải có cam kết về việc tăng học phí thì chất lượng giáo dục sẽ tăng tương ứng ra sao".

Đó là ý kiến của Giáo sư – Viện sĩ Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương về vấn đề tăng học phí.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng Đề án học phí mới, trong đó học phí ở đa số các bậc học sẽ tăng như một biện pháp để tăng nguồn lực cho giáo dục. Theo ông, đã đến lúc tăng học phí hay chưa?

Giáo sư - Viện sĩ Đặng Hữu: Thời điểm này chưa nên tính đến chuyện tăng học phí.

Có lẽ đề án này vì nói chưa rõ nên xã hội phản ứng mạnh, Bộ GD-ĐT phải rút lại. Ở khía cạnh xã hội, người dân vẫn quen cách thụ hưởng bao cấp lâu nay rồi.

Người dân quan niệm rằng, trường công đã được Nhà nước cấp ngân sách (tiền đóng thuế của người dân) để xây dựng cơ sở vật chất, chi phí lương, đầu tư hằng năm..., nay lại tăng học phí nữa thì họ chịu làm sao được!

Nếu xây dựng và áp dụng Đề án học phí mới, phải nói rõ ràng đây là chi phí cho một đầu sinh viên (SV) (thường ở các nước đang phát triển, chi phí cho một SV/năm chiếm tới 150% – 200% GDP bình quân đầu người, ở các nước phát triển, con số này khoảng 50% - 50%).

Để tăng học phí, phải tuyên bố chính sách một cách rõ ràng: Nhà nước chi cho những phần nào, phần nào nhà trường phải chịu trách nhiệm? Phải công khai, minh bạch mọi khoản chi tiêu, phải có cam kết về việc tăng học phí thì chất lượng giáo dục sẽ tăng tương ứng ra sao, học phí thu về chi cho những khoản gì?

Phần chi phí của gia đình (tư nhân) dành cho giáo dục rất lớn, còn cao hơn cả chi phí của Nhà nước. Gia đình nào cũng phải dành một khoản chi khá lớn cho con cái đi học, hiện số tiền các gia đình chi cho con em đi du học nước ngoài lên tới hàng trăm triệu USD/năm.

Nhà nước đang có chủ trương xã hội hóa, vậy Nhà nước chi vào đâu, cho khâu nào, còn lại người dân phải chi vào đâu? Đây là những vấn đề cần phải làm rõ.

Ngoài học phí, theo ông, phải có những biện pháp nào để tăng nguồn lực tài chính cho giáo dục?

VN đang quyết tâm đuổi kịp các nước khác, một trong những ưu tiên hàng đầu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tức là phải tăng cường đầu tư nhiều hơn cho GD-ĐT.

Do nguồn lực hạn chế nên đòi hỏi Nhà nước phải ưu tiên danh mục đầu tư và có thể để chậm lại một số khâu khác. Có những dự án, công trình xây dựng cơ bản tốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ USD mà rất dễ bỏ tiền ra, bản thân những công trình này có thể chậm hoặc bớt đi một chút để tăng cường đầu tư cho nhân lực thì bản thân công trình sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Ví dụ điển hình là đầu tư cho hàng không, ngân sách Nhà nước có thể bỏ tiền mua rất nhiều máy bay lớn nhưng vấn đề quan trọng là phi công, các dịch vụ cung cấp cho khách hàng, cung cách quản lý..., nếu không được đào tạo tốt thì hiệu quả không cao.

Xã hội hóa là một chủ trương đúng đắn để tăng nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Nhưng xã hội hóa hiện không hợp lý, ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục chủ yếu đổ vào các trường công.

Còn các trường dân lập nếu muốn chất lượng tốt, đòi hỏi học phí cao nên chỉ SV có tiền mới vào học, còn SV nghèo không thể học được.

Do đó, nhiều ý kiến đề nghị giống như bảo hiểm y tế, tiền Nhà nước chi thẳng cho người học (người thụ hưởng dịch vụ) qua hình thức học bổng (tùy điều kiện) thay vì chi cho người cung cấp dịch vụ, bất kể trường công hay tư.

Đây là cách thức Mỹ đã áp dụng từ lâu. Còn nhà trường, ngay cả đầu tư cho các trường công, Nhà nước cũng phải tính sau này sẽ thu hồi tiền đầu tư giống như cách làm đối với các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, như vậy mới công bằng.

Theo Thái An
Người lao động

MỚI - NÓNG