Tặng quà nhân ngày 20/11 thế nào để tri ân đúng nghĩa

Tặng quà nhân ngày 20/11 thế nào để tri ân đúng nghĩa
TP - Những ngày qua, những vấn đề xung quanh việc tổ chức ngày 20/11 được Tiền phong đăng tải đã thu hút khá nhiều sự chú ý của dư luận.

Để “cận cảnh” vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn ngẫu nhiên một sinh viên và một phụ huynh.

Lê Thế Mỹ (sinh viên lớp Ngôn ngữ 4, khoa Ngữ văn & Báo chí, ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh):

Tôi tốt nghiệp phổ thông đã mấy năm nhưng từ đó đến nay việc đi thăm hỏi thầy cô nhân ngày 20/11 vẫn không khác mấy.

Theo tôi, ngày 20/11, nên tặng hoa hoặc quà (tất nhiên quà phải có ý nghĩa). Có một số nơi việc tặng phong bì trở thành trào lưu, dễ dẫn đến nhiều hệ lụy: Học sinh thì sợ đi thua bạn bè, phụ huynh thì sợ mất mặt, một số giáo viên cứ chờ đến ngày này để “thu”.

Điều tôi thấy buồn nhất là ngày lễ 20/11 ở đại học không ý nghĩa như thời phổ thông. Trong tuần 20/11, sinh viên thường tranh thủ tặng hoa thầy cô ngay trên lớp. Đặc biệt lắm thì sinh viên mới tổ chức được buổi lễ cho giảng viên chủ nhiệm lớp. Ngày 20/11 tại giảng đường chỉ được tổ chức một cách hình thức.

Nguyễn Văn Luận (phụ huynh tại quận 12, TPHCM):

Ngày 20/11 là dịp để học sinh tri ân thầy cô. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều phụ huynh học sinh nhân dịp này đưa quà cáp, rượu ngoại, phong bì đến tặng thầy cô, mong thầy cô để mắt đến con cái mình là điều không nên.

Chính điều này đã vô tình tạo tâm lý không tốt đến nhiều em học sinh. Nhiều học sinh ỷ thế cha mẹ biếu thầy cô nhiều tiền bạc, quà cáp nên lên mặt ngỗ ngược, không tự giác thực hiện các nội quy trường học.

Nhiều học sinh khác khi phụ huynh không đến nhà thầy cô tặng quà thì tỏ ra tự ti. Khi kết quả học tập và những hoạt động khác thua kém bạn bè thì đổ lỗi cho phụ huynh.

Theo tôi, học sinh cần phải có nhiều hoạt động, như văn hóa- văn nghệ, thể thao, phong trào thi đua học tốt… để chào mừng ngày 20/11. Còn việc tặng quà cho thầy cô sẽ giao cho hội cha mẹ học sinh, và nên tổ chức ngay trên trường học với sự hiện diện của các em học sinh.

MỚI - NÓNG