Tật của sĩ tử mùa thi

Tật của sĩ tử mùa thi
TP- Năm học 2007-2008 sắp kết thúc. Tháng 3 tính từng ngày, chỉ còn thực học tháng 4, tháng 5 thi học kỳ 2, kỳ thi TNPT diễn ra vào ngày 28-29-30 tháng 5. Một tháng sau, các cậu tú, cô tú lều chõng thi đại học...
Tật của sĩ tử mùa thi ảnh 1

Thời gian chẳng ủng hộ ai. Nhiều học sinh biết lo xa chăm chỉ ôn luyện, quyết tâm vượt vũ môn. Nhưng không ít học sinh bộc lộ thói xấu, bàng quan, lấy vui chơi làm đầu. Xin nêu ra những thói xấu đó, hy vọng các bạn học sinh dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, tránh xa tật xấu...

Đàn đúm, lấy chơi làm đầu

Buổi trưa giữa “Tháng Thanh niên”, tan học, một tốp “công dân áo trắng” tỏa đến địa chỉ quen thuộc cạnh trường, lấy xe máy, toàn loại xịn, phân khối lớn. Nhà dân quanh trường học, vì chút lợi nhỏ đã tiếp tay cho họ vi phạm luật giao thông. Một anh chàng to béo, có lẽ là trưởng toán hất hàm:

- Hôm nay đi đâu?

- Đồng Mô!

- Ao Vua!

- Hồ Đại Lải!

Họ ồn ào thảo luận, cuối cùng quyết định “bãi đáp” là khu du lịch sinh thái Sóc Sơn. Có giọng nữ băn khoăn:

- Bỏ lớp học thêm chiều nay à?

Họ đồng thanh “Bỏ”. Và, tất cả 15 người, cưỡi lên 5 chiếc xe máy, tất nhiên “din 3”, phóng ào đi, mấy cô gái ngồi sau không đội mũ bảo hiểm. Họ bất chấp tất cả, luật pháp, cha mẹ sốt ruột chờ ở nhà, mùa thi đang cận kề?

Đến lớp học để không… học

Tháng thanh niên, trường, lớp có phong trào thi đua “tiết học tốt”, “ngày học tốt”. Tập trung vào các tiêu chuẩn: 100% đoàn viên, thanh niên học thuộc bài, soạn bài đầy đủ, 100% đi học, nghỉ phải có phép. 100% đạt điểm từ trung bình trở lên. Cả lớp sôi nổi tham gia, thế mà không thiếu học sinh vô cảm, tự tách ra. Không chuẩn bị bài, cô giáo hỏi, họ tỉnh queo: “Hôm qua nhà em mất điện”, “quên vở ở nhà”, “nhầm thời khóa biểu”, có người còn ngang nhiên bịa “em bị mất cắp”. Khi kiểm tra miệng bị điểm kém, họ trơ ra cười đùa vui vẻ. Trong lớp, thầy say sưa giảng, trò làm việc của trò, người nhắn tin điện thoại, nghe nhạc, chơi cờ carô, thì thào lên “kế hoạch” giải trí sau giờ tan trường. Những học sinh đến lớp học như một người thừa, không hiểu đã bao giờ tự hỏi: Đến lớp học để làm gì?

Bệnh sĩ nặng nề

Lười nhác nhưng khi làm hồ sơ thi đại học, lại không biết mình biết người chỉ thích trường danh tiếng, theo họ, đỗ - trượt không thành vấn đề. Và nếu trượt, trượt đại học Quốc gia, Y, Ngoại thương… “oách” hơn những trường khác, không thành công cũng thành nhân. Họ không nghĩ, với bệnh sĩ đó, họ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, phiền hà cho nhiều người, tốn kém tiền bạc, thiếu trách nhiệm trước gia đình, xã hội, cả chính bản thân. Trong khi còn rất nhiều con đường lập nghiệp nếu họ biết lượng sức.

Tư tưởng sống dựa, ỷ lại

Nhiều bậc cha mẹ học thay con, thi thay con hoặc chạy vạy chỗ này chỗ khác quá lộ liễu. Có vị là giám đốc Cty TNHH vội vàng tuyên bố giao quyền “kế vị” cho ông con. Có vị gieo tư tưởng hướng ngoại quá sớm vào đầu óc trẻ. Du học đã trở thành mốt của con nhà đại gia. Rất nhiều trò sang các nước không phải để học. Cái xấu của cha mẹ có ngay “hiệu ứng”. Các ông con tận dụng triệt để, họ ngang nhiên sống theo triết lý thực dụng: “Tội gì không hưởng lạc”...

Lê Sĩ Tứ
(Hà Nội)

MỚI - NÓNG