Thà ít mà tốt

Thà ít mà tốt
TP- Giả sử chúng ta đã có được một quan niệm đúng về tầm quan trọng của môn Lịch sử thì sự ưu tiên về thời lượng dành cho môn này cũng không thể vượt qua nhiều môn khác.

Vả lại cũng không nên làm tăng thêm gánh nặng lên vai học sinh nữa. Do đó vấn đề đặt ra là với thời lượng hiện tại thì cần thiết và có thể đưa những nội dung, kiến thức gì là phù hợp, vừa đạt yêu cầu giáo dục, vừa thích hợp với điều kiện thời gian.

Nội dung chương trình môn Lịch sử cần quan tâm đến độ tuổi, khả năng nhận thức của HS ở mỗi cấp học. Với HS lớp 4 – 5 (10, 11 tuổi), HS nhận biết lịch sử qua các câu chuyện kể, cảm nhận qua sự hấp dẫn của các nhân vật và sự kiện tiêu biểu, chưa thể là một bài học hoàn chỉnh.

Những hình ảnh lịch sử sẽ đọng lại khá sâu trong tâm trí trẻ thơ và nếu được khai thác tốt thì đây chính là thành công của việc giáo dục thông qua lịch sử đối với tuổi nhỏ.

Còn giữa HS THCS và THPT cần có sự phân định rạch ròi nội dung của từng cấp học. Đây là 2 lứa tuổi khác nhau về trình độ và tâm lý. Vì thời lượng của lớp 8 với lớp 11, lớp 9 với lớp 12  ngang nhau, các thuyết minh trong nội dung chương trình giống nhau nên không chỉ người viết sách gặp khó khăn mà cả GV cũng khó phân định mức độ giữa 2 cấp học.

Theo tôi, ở chương trình lớp 9, HS chỉ cần nắm chắc mấy mốc chính về lịch sử hiện đại như: Thành lập Đảng, Cách mạng tháng Tám, Điện Biên Phủ, Tổng tiến công mùa xuân 1975... Không cần phải đi sâu vào tất cả các giai đoạn, các chiến dịch, các trận đánh...

Đến chương trình lớp 12 thì nâng lên một cách hệ thống hơn, sâu hơn nhưng cũng không quá chi tiết như nội dung SGK 12 hiện nay. Nên lấy phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, thà ít mà tốt để định hướng nội dung chương trình.

Phần lịch sử thế giới, không nên diễn giải theo trình tự của 5 phương thức sản xuất mà nên tách thành 2 chặng: Lịch sử văn minh, văn hóa tiêu biểu của thế giới (lớp 6, 7); Lịch sử thế giới trong mối quan hệ khăng khít với lịch sử Việt Nam (lớp 8, 9).

Như vậy, với HS tốt nghiệp THCS, các em đã có hiểu biết về lịch sử thế giới trong chừng mực nhất định, đủ với một người lao động sản xuất, kể cả khi họ xuất khẩu lao động... Lên THPT, Sử thế giới có vị trí rõ hơn trong chương trình – SGK. Tuy nhiên, cũng không nên đặt Sử thế giới thoát ly khỏi các môn khác để có yêu cầu quá cao, không thực tế như hiện nay.

Không nên có 2 loại “SGK chuẩn” và “SGK nâng cao”

Tổ chức viết SGK như hiện nay - một cuốn 300 trang mà có tới 10 tác giả - quả là cồng kềnh. Sự thiếu vắng các nhà giáo phổ thông cũng làm cho SGK có phần xa cách đối với trình độ và tâm lý HS.

Do đó, trên cơ sở chương trình đã được bàn thảo kỹ lưỡng, tác giả mỗi cuốn SGK nên là nhà giáo giỏi cả đại học và phổ thông để nội dung cuốn sách vừa đảm bảo tính khoa học, vừa phù hợp với trình độ và tâm lý HS. Mỗi cuốn cũng chỉ nên có 2 tác giả là người trực tiếp viết và chịu trách nhiệm về những trang viết của mình. Lực lượng cần số đông là đội ngũ phản biện.

Để phục vụ việc phân ban ở THPT, Bộ GD&ĐT chủ trương biên soạn 2 hệ thống SGK cho ban Khoa học tự nhiên và ban Khoa học xã hội & nhân văn. Nhưng thực tế HS không chọn phân ban theo mong muốn của Bộ nên nảy sinh cái gọi là “Ban cơ bản”, SGK được chuyển hoá thành 2 loại: sách chuẩn và sách nâng cao.

Thực ra, sự phân hoá trong chương trình giữa 2 ban không thực rõ ràng, sự khác biệt giữa Sách chuẩn và Sách nâng cao chẳng đáng bao nhiêu. Việc chia tách chỉ gây thêm sự lúng túng cho HS và lãng phí thời gian, tiền bạc cho việc biên soạn 2 bộ SGK.

Trong điều kiện hiện nay chỉ nên tập trung xây dựng bộ SGK dùng chung cho HS, thể hiện những cái cơ bản nhất, cốt lõi nhất. Còn giảng dạy cho lớp phân ban, nâng cao đến chừng nào thì nên thể hiện trong sách dành cho GV, giúp người thầy bổ sung kiến thức cho đối tượng HS có năng lực và yêu cầu cao hơn.

Nên cố gắng đơn giản hoá các công việc phức tạp hơn là phức tạp hóa các công việc đáng ra là đơn giản, nhất là trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo như hôm nay... 

GS-NGND Vũ Dương Ninh
ĐH Quốc gia Hà Nội

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.