Thả nổi hay không?

Thả nổi hay không?
TP - Hầu hết thời gian buổi đầu tiên của hội thảo bàn về biện pháp quản lý, chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục (Hà Nội, 12 – 13/ 3) diễn ra trong không khí tẻ nhạt.
Thả nổi hay không? ảnh 1

Quản lý các trường mầm non đang rất khó khăn. Trong ảnh: HS trường mầm non tư thục Khánh Ly trong giờ ăn trưa -Ảnh: Quý Hiên

Phần lớn các ý kiến phát biểu đều đọc lại tham luận đã in trong kỷ yếu. Nội dung na ná bản báo cáo thành tích. Kết cấu giống hệt nhau, đặc điểm tình hình, thuận lợi khó khăn, một số biện pháp quản lý, phương hướng thời gian tới, một số kiến nghị.

Đến những phút cuối, không khí hội thảo nóng lên khi người được mời phát biểu là lãnh đạo của Sở Lao động Thương binh & Xã hội một thành phố lớn.

Vị đại biểu nhận xét: “Trong công tác quản lý hệ thống trường, nhóm lớp mầm non tư thục, tôi có cảm giác chúng ta mới chỉ dừng lại ở góc độ hành chính. Còn về chất lượng, nếu nói là đang được thả nổi thì có thể hơi nặng nề. Nhưng đúng là chúng ta chưa làm được”.

Phát biểu ngay sau đó của vị chủ trì hội thảo – lãnh đạo Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT – là phản đối nhận xét trên: “Không thả nổi”.

Để chứng minh cho luận điểm đó, vị chủ trì này lấy các dẫn chứng trong các tham luận mà người viết nêu ở phần đầu bài viết. Vị chủ trì nói: “Qua tất cả ý kiến nêu ra, chúng ta thấy, thời gian qua, khối mầm non tư thục đã phát triển, nâng chất lượng tốt. Các báo cáo cho thấy các địa phương có rất nhiều biện pháp hay, giúp cho Bộ được nhiều kinh nghiệm tốt. Quan điểm chỉ đạo của Bộ là tất cả trẻ em bình đẳng với nhau về mặt chăm sóc giáo dục”.

“Bây giờ thử hỏi các ông trưởng phòng GD&ĐT quận/huyện xem các ông ấy đi kiểm tra các trường mầm non tư thục bao nhiêu lần/năm? Liệu có được một lần/năm không? Thậm chí, có nơi cả phòng GD&ĐT chỉ có một người theo dõi mầm non. Vậy thì làm sao đủ lực lượng để theo dõi các cơ sở mầm non tư thục chương trình ra sao, hoạt động như thế nào...”.

Trao đổi với Tiền Phong sau hội thảo, vị lãnh đạo Sở Lao động Thương binh & Xã hội đó vẫn bảo vệ ý kiến của mình:

“Những năm qua, trước sức ép của dư luận nên giữa chính quyền và ngành GD&ĐT làm được một việc là đảm bảo các thủ tục hành chính. Nhưng, dù thế, họ đã cấp phép cho tất cả các trường, nhóm lớp mầm non tư thục đâu?

Chính báo cáo của Bộ GD&ĐT viết, chỉ mới 51,8 phần trăm trong tổng số trường tư thục hiện có được cấp phép (tỷ lệ nhóm lớp được cấp phép còn ít hơn nữa – 43 phần trăm). Về quản lý hành chính, mới chỉ đạt được kết quả khiêm tốn như thế (dù là tiến bộ so với trước) thì, về chất lượng, tôi tin rằng còn lâu mới động vào được”.

Vị đại biểu này còn giải thích thêm, ông không có ý đổ lỗi cho ngành GD&ĐT. Yếu kém này là trách nhiệm chung, trong đó có ngành lao động thương binh & xã hội, cơ quan có nghĩa vụ phối hợp với ngành GD&ĐT trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Lỗi là lỗi chung, do chưa chuẩn bị kỹ, chưa có sự phối hợp đồng bộ để kiểm tra, quản lý các hoạt động chăm sóc trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

Câu chuyện đã rõ, thả nổi hay không thả nổi! Cho dù ngành GD&ĐT đang có những nỗ lực để đạt được kết quả tốt trong công tác quản lý chất lượng trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục nhưng đúng là có tình trạng “lực bất tòng tâm”.

Nguồn lực yếu, sự phối hợp chưa đồng bộ, các chính sách chưa hợp lý thì không phải muốn là làm được. Nhưng e rằng, nếu chỉ thích nghe báo cáo thành tích, dễ mất bình tĩnh với những chỉ trích thì con đường hiện thực hóa ước muốn ngày càng xa.

MỚI - NÓNG