Thách thức đào tạo nguồn nhân lực 4.0

Thách thức đào tạo nguồn nhân lực 4.0
TPO - Từ ngày 6 -8/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế châu Á lần thứ 18 của Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực quốc tế (AHRD) với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực: Đổi mới và phát triển trong kỷ nguyên số” do ĐH Ngoại thương phối hợp cùng Học viện Viettel tổ chức.

Các chuyên gia đến từ trong nước và quốc tế đã mổ xẻ nhiều nội dung liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel, hiện nay, đang có một sự chuyển dịch khá thú vị. Các doanh nghiệp đang cố gắng để trở thành các tổ chức học tập để bù đắp các kiến thức thiếu hụt, đồng thời phát triển, ứng dụng các tri thức trong doanh nghiệp, lấy đó làm cơ sở để tạo dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.

Trong khi đó, các trường ĐH lại đang nỗ lực đưa “hơi thở” của doanh nghiệp đến gần hơn với các bài giảng, những bài phân tích nghiên cứu khoa học để nâng cao tính thực tiễn cho các chương trình đào tạo, mang những lý thuyết khoa học trong nhà trường được song hành, hòa quyện cùng với “màu sắc” doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay, giáo dục ĐH đã dần mở rộng và ổn định quy mô đào tạo, bước đầu hội nhập với khu vực và quốc tế nên đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của mọi người, chất lượng của nhiều cơ sở giáo dục ĐH được nâng cao.

Mặc dù vậy, so với khu vực và trên thế giới, chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam vẫn còn những khoảng cách không nhỏ. Do chất lượng giáo dục ĐH chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động dẫn đến tình trạng doanh nghiệp cần nguồn nhân lực trình độ cao nhưng vẫn còn một bộ phận lao động trình độ ĐH không có việc làm hoặc làm việc không đúng với trình độ được đào tạo.

Trong bối cảnh tiến bộ khoa học diễn ra nhanh chóng và cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội thì đào tạo nguồn nhân lực cần phải đổi mới cả mô hình và cơ cấu, từ trạng thái tư duy chỉ cần học một lần để làm việc suốt đời sang trạng thái phải học suốt đời mới đủ khả năng làm việc suốt đời.

“Vì vậy, vấn đề đào tạo lại cho người lao động vẫn còn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng để đảm bảo nguồn nhân lực luôn đáp ứng được yêu cầu thay đổi nhanh chóng của thế giới việc làm. Từ đó cho thấy, quá trình đổi mới giáo dục ĐH cần phải được tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt hơn với những giải pháp mang tính đột phá, đồng bộ trong thời gian tới” – bà Phụng nói.

MỚI - NÓNG