Thảm đỏ vắng người tài: Không phải xếp hàng

Thảm đỏ vắng người tài: Không phải xếp hàng
TP - Những người được gọi là tài khi được hỏi, đều cho rằng: Môi trường làm việc mới là yếu tố số một để thành công. Trái với nhiều nơi, Đà Nẵng thu hút được một số người tài, chưa hẳn là mô hình lý tưởng, song chắc chắn nhiều địa phương sẽ phải học theo…

>> Mời gọi còn ầu ơ

Thảm đỏ vắng người tài: Không phải xếp hàng ảnh 1

Thầy Trần Văn Vụ: "Môi trường làm việc khiến tôi thích thú với Đà Nẵng".
Ảnh: Nam Cường

Ở Đà Nẵng, trong 8 năm (2000 - 2008), có 6 tiến sĩ, 90 thạc sĩ cùng 260 cử nhân tốt nghiệp bằng đỏ về nhận công tác tại các ban ngành, đơn vị. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong chiếc thảm đỏ ở thành phố bên sông Hàn, ngoài những ưu đãi như có nhà ở, có thu nhập ổn định, được trợ cấp tiền tươi…, thì môi trường làm việc và sự tôn trọng của lãnh đạo đối với nhân tài được xem là yếu tố quan trọng nhất.

Ba năm trước, thầy Trần Văn Vụ cùng vợ là cô Nguyễn Thị Hạnh, đều là thạc sỹ, lặn lội từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng, nộp đơn xin việc theo diện thu hút nhân tài. Thủ tục vào dạy ở trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - một ngôi trường chất lượng bậc nhất cả nước rất nhanh chóng và gọn nhẹ. "Thời gian nhận vào đây còn nhanh hơn cả thời gian mình rút hồ sơ ở Thanh Hóa. Nhanh chóng, gọn nhẹ, không phiền hà với những thủ tục hành chính cứng nhắc." - thầy Vụ tâm sự.

Năm 2006, trong một lần vào chơi ở Đà Nẵng, được biết chính sách thu hút nhân tài của thành phố, thầy Trần Văn Vụ bàn bạc với vợ, quyết định xin thôi việc ở trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) để tạo dựng cuộc sống mới ở Đà Nẵng. Lúc đầu ai cũng can ngăn, bởi thầy Vụ đang dạy ở trường Lam Sơn, còn cô Hạnh dạy ở ĐH Hồng Đức, cả hai có nhà cửa, đất đai ở TP Thanh Hóa, là niềm mơ ước của nhiều người.

"Khi nộp đơn vào Sở GD&ĐT, được nói chuyện với thầy Hoa (ông Huỳnh Văn Hoa - GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng), tôi nhanh chóng quyết định sẽ làm việc ở Đà Nẵng. Tôi thấy môi trường làm việc ở đây rất tốt, thân thiện. Lãnh đạo tôn trọng nhân viên, tất cả cùng vì mục đích chung là phát triển môi trường giáo dục" - thầy Vụ cho biết.

Cùng trong năm 2006, thầy Vụ vào dạy khoa Văn ở trường Lê Quý Đôn, còn vợ thầy được dạy ở trường THPT Hoàng Hoa Thám. Giờ đây, cả hai đã có cuộc sống ổn định. 

Ai cũng có cơ hội làm lãnh đạo

Đó là khẳng định của GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ khi nói về công tác thi tuyển lãnh đạo - một trong những đề án quan trọng của chiến lược tuyển chọn và thu hút nhân tài.

Theo chính sách thu hút nhân tài mới của Đà Nẵng được ban hành cuối năm 2009, người tốt nghiệp ĐH và sau ĐH loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài sẽ được nhận chế độ hỗ trợ ban đầu, được xếp lương theo ngạch, bậc đang hưởng hoặc xếp 100% lương khởi điểm.

Người có trình độ tiến sĩ sẽ được bố trí nhà chung cư để ở và miễn tiền thuê nhà trong 7 năm, được giảm 10% - 30% so với giá quy định nếu có nhu cầu mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc mua đất làm nhà ở...

Trong những năm qua, thực hiện việc thi tuyển lãnh đạo ở một số ban ngành và đơn vị, Đà Nẵng đã tuyển chọn được một số lãnh đạo trẻ dám nghĩ, dám làm. Như thầy giáo Lê Trung Chinh - sau khi thi tuyển lãnh đạo chức Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên, chứng tỏ được năng lực, giờ đã là Hiệu trưởng trường chuyên Lê Quý Đôn.

Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho hay, sau gần 2 năm thực hiện chủ trương thi tuyển lãnh đạo, Đà Nẵng đã có khoảng 30 vị trí chức danh được chọn thông qua thi tuyển công khai, gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường từ tiểu học đến THPT; trưởng, phó phòng các sở, quận, huyện. Bình quân mỗi chức danh có hơn 4 người cạnh tranh.

Có trường hợp 15 người cạnh tranh một chức danh phó hiệu trưởng ở quận Thanh Khê. "Tuyển được nhân tài, rồi thi lãnh đạo, nói chung là người trẻ có tài thì cứ tạt ngang, không còn phải xếp hàng nữa" - Ông Ngữ nói.

Thầy Trần Văn Vụ nói: "Phải thừa nhận là TPHCM và Hà Nội có điều kiện phát triển cũng như thu nhập tốt hơn ở Đà Nẵng, nhưng tôi cảm nhận được môi trường làm việc cũng như tương lai ở đây ổn định hơn. Được dạy ở một trong những ngôi trường tốt nhất Việt Nam khiến tôi làm việc, cống hiến hăng say. Nhiều người có thể bỏ qua những chế độ ưu đãi về vật chất để cống hiến, song họ sẽ bỏ đi nếu không có môi trường để cống hiến, phát triển hoặc phân không đúng người, đúng việc cho họ".

Thầy Trần Văn Vụ cùng vợ đã từ chối nhận nhà chung cư được cấp ở Đà Nẵng vì lý do "nhường suất cho người khác bởi mình đã có điều kiện". Ngoài ra, vợ chồng thầy cũng nhận được lời mời về giảng dạy của một số trường ĐH ở Hà Nội nhưng thầy từ chối.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.