Thảm trạng thể dục: "Đổi món" tự chọn

Thảm trạng thể dục: "Đổi món" tự chọn
Trước "thảm trạng học thể dục", một số trường đã linh hoạt điều chỉnh khung chương trình để tạo thuận lợi cho SV. Hình thức lựa chọn môn thể thao yêu thích và theo học suốt trong nhiều học kỳ hiện đang được các bạn SV mong muốn.

Hồng Phượng (SV lớp Marketing 47A, ĐH Kinh tế Quốc dân) băn khoăn:

“Vào năm thứ nhất, một thầy giáo nói với lớp em rằng môn GDTC giúp chúng em có thể chơi được các môn thể thao để sau này khi ra trường, đi làm, có thể tham gia phong trào hoạt động thể dục thể thao ở cơ quan.

Như vậy thì trường nên dạy cầu lông, bóng bàn chứ tại sao lại dạy Thể dục dụng cụ? Chẳng nhẽ có cơ quan thi đu xà với nhau sao?”

Để tăng cường thể lực cho SV cũng như tạo niềm đam mê, hứng thú để các em luyện tập một bộ môn thể thao nào đó, Bộ GD-ĐT cũng như các trường cần xây dựng một chương trình đào tạo hợp lý hơn. Việc dạy dàn trải 5 môn thể thao trong 5 học kỳ theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như hiện nay có lẽ không mang lại hiệu quả thực sự.

Hình thức lựa chọn môn thể thao yêu thích và theo học suốt trong nhiều học kỳ hiện đang được các bạn SV mong muốn. 

Thầy giáo Trần Mạnh Hà, giảng viên môn GDTC Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: “Đây là nguyện vọng của rất nhiều SV, nhưng xét trong điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của các trường ĐH ở VN thì quả là một bài toán khó.”

Mỗi trường trung bình có khoảng từ năm đến bảy nghìn SV cùng học GDTC mà số lượng giảng viên chỉ đếm trên đầu ngón tay, sân bãi không có, hoặc có rất ít thì khó có thể triển khai mô hình này.

Nhưng có lẽ cũng cần phải có sự tính toán và đầu tư thích hợp ngay từ bây giờ bởi vì chúng ta đang hướng tới giáo dục con người toàn diện, cả về thể chất và tri thức. Không được chuẩn bị tốt về sức khoẻ, SV ra trường làm việc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ở ĐH Ngoại thương, hai kỳ cuối của bộ môn GDTC, SV được lựa chọn giữa môn Bơi lội và Cầu lông, tùy theo điều kiện và sở thích của SV.

Minh Thư (khoa Kinh tế ngoại thương) tâm sự: “Tôi thấy môn cầu lông nhẹ nhàng, phù hợp với SV nữ và cũng dễ luyện tập. Về nhà tôi cũng thường chơi cầu lông với bạn bè. Giá như nhà trường cho lựa chọn ngay từ đầu khóa thì tôi sẽ chỉ học cầu lông thôi, không phải “khổ” với bóng chuyền nữa.”

Cũng vì thiếu cơ sở vật chất mà nhà trường phải đưa SV đến các bể bên ngoài luyện tập và SV phải bỏ tiền mua vé mỗi khi vào bể. 

Thầy Ngô Bảo Long (giảng viên môn GDTC, Trường ĐH Ngoại thương) chia sẻ: “Đó không chỉ là mong muốn của SV mà của cả giáo viên nữa. Nhưng điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực không cho phép, chúng tôi chưa thể cho các em học tự chọn từ đầu được.” 

Thầy Ngô Quang Huy (Chủ nhiệm bộ môn GDTC Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) cũng cùng chung ý kiến với thầy Long. Thầy Huy hy vọng, thời gian sắp tới, khi ĐH Khoa học Tự nhiên chuyển đến cơ sở mới ở Hòa Lạc sẽ có đủ điều kiện vật chất để triển khai mô hình này.

Thay đổi theo hướng thiết thực hơn

Hiện nay, một số trường đã linh hoạt điều chỉnh khung chương trình để tạo thuận lợi cho SV. 

Như trường ĐH Kinh tế Quốc dân có “lớp chọn thể dục” cho ba bộ môn bóng rổ, bóng đá và bóng chuyền dành cho những SV có năng khiếu và niềm đam mê.

Từ năm thứ nhất, các SV có nguyện vọng sẽ được kiểm tra đầu vào. SV nào đạt yêu cầu được vào “lớp chọn” và được ưu tiên chỉ luyện tập bộ môn mình đã chọn. Cuối mỗi kỳ đều có kiểm tra phân loại, ai đạt tiêu chuẩn tiếp tục ở lại, ai không đạt lại về lớp thường học tiếp.

Trần Lê Hoa (Lớp Tài Chính K46B) chia sẻ: “Em được vào lớp chọn bóng rổ, đúng niềm đam mê từ thời phổ thông nên ngoài giờ học với đội, em còn tham gia các câu lạc bộ ở các trường khác nữa. Mỗi tuần em tập bóng rổ 4 đến 5 buổi nên thể lực cũng như kỹ thuật lên rất nhanh.”

ĐH Ngoại thương thì chủ động đưa môn Vũ quốc tế vào chương trình giảng dạy đã được 15 khoá và được SV rất ủng hộ. Với đặc thù là trường đào tạo các SV khi ra trường có quan hệ đối ngoại nên đây là bộ môn rất thiết thực. 

Tuy nhiên, thời gian học quá ngắn (9 buổi) chưa đủ để SV thông thuộc các bước nhảy. Thầy Ngô Bảo Long (Giảng viên môn GDTC) cho biết: “Sau 9 buổi, chúng tôi chỉ hy vọng các em có thể giao tiếp cơ bản, còn nhảy nhuần nhuyễn thì phải luyện thêm nhiều.” 

Phạm Việt Nga (SV Lớp Anh 3 K43 Quản trị Kinh doanh) cho biết: “Do số SV nữ nhiều hơn nam rất nhiều nên em phải thực hành đi bước nam. Vì thế, học xong em không thể nhảy được bước nữ, muốn nhảy được là phải học lại từ đầu.”

Còn ĐH Kiến trúc cũng đã từng giảng dạy Quốc tế vũ thì lại rơi vào tình trạng ngược lại là... thiếu nữ.

Thầy Ngô Bảo Long khẳng định: “Nếu lớp chỉ khoảng vài chục SV thì việc thiếu nam hay nữ cũng không phải vấn đề quá lớn. Nhưng do lớp đông quá nên không thể cho các em ghép đôi xoay vòng được.”

Các trường thuộc khối ĐHQG Hà Nội thì có thêm phần Lý thuyết GDTC. Xét về nội dung, môn này khá thiết thực vì nó cung cấp cho SV những kiến thức cơ bản về bảo vệ sức khoẻ. Tuy nhiên, do chỉ học lý thuyết đơn thuần nên đa số SV học xong đều “chữ thầy trả thầy”. 

Nguyễn Thị Loan (Lớp Địa chính K50, ĐH Khoa học Tự nhiên) thành thật: “Em rất thích học lý thuyết GDTC vì qua môn này, em biết thêm nhiều về các kỳ Olympic, SEA Games... Quan trọng hơn là chúng em được học sơ cứu vết thương và xử lý các tình huống chấn thương trong luyện tập thể thao. Nhưng do không được thực hành nên em nếu gặp tình huống thực tế chắc em cũng không xử lý được.” 

Giải thích vấn đề này, thầy Ngô Quang Huy (Chủ nhiệm bộ môn GDTC Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) cho biết: “Do thời gian quá ngắn, lớp lại đông nên chúng tôi không thể cho các em thực hành được. Tuy nhiên, chúng tôi đã mua nhiều tranh ảnh minh họa nhằm giúp các em dễ hình dung hơn.”

Còn Trường ĐH Hà Nội với đặc thù đa số là SV nữ lại bố trí học aerobic vừa tăng cường sức khoẻ, vừa tăng vẻ đẹp hình thể cho SV. 

Nhiều nam SV cũng xin được học môn này và thật bất ngờ là các nam sinh lại đạt điểm thi aerobic khá cao, thậm chí có cả điểm 10.

Có thể nhận thấy rằng, đã bắt đầu có những sự thay đổi tích cực trong việc giảng dạy môn GDTC ở một số trường ĐH, nhưng chừng đó chưa đủ để SV hết “kinh hoàng” với bộ môn này.

Cần phải có sự đầu tư mạnh dạn hơn nữa về cơ sở vật chất, thay đổi về chương trình giảng dạy và quan trọng không kém là sự thay đổi về nhận thức của SV đối với việc rèn luyện thể dục thể thao.

Theo Lan Hương
VietnamNet

MỚI - NÓNG