Thành viên Hội đồng chức danh phải là người tài đức

Lễ công bố quyết định đặt tiêu chuẩn Giáo sư, Phó giáo sư tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. (ảnh minh họa)
Lễ công bố quyết định đặt tiêu chuẩn Giáo sư, Phó giáo sư tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. (ảnh minh họa)
TP - Trong lịch sử công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) của Việt Nam cho đến nay có hai vụ việc gây xôn xao dư luận. Một là vụ tước chức danh của một phó giáo sư vào năm 2006, và mới đây là số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 tăng đột biến, đến mức Thủ tướng phải yêu cầu Hội đồng Chức danh GS nhà nước (HĐCDGSNN) rà soát lại.

Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký HĐCDGSNN xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, trong việc công nhận chức danh GS, PGS của Việt Nam, HĐCDGSNN đã tước chức danh một PGS năm 2006. Trong những năm đó, ông là Tổng thư ký hội đồng. Vậy vụ việc cụ thể hồi đó ra sao, thưa ông?

Việc này tôi biết rõ vì tôi được HĐCDGSNN phân công phụ trách Tổ công tác tìm hiểu hồ sơ mà bà Nguyễn Thị Phú gửi tới HĐCDGSNN tố cáo hiệu trưởng của trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội là ông Trịnh Xuân Dũng, người được công nhận chức danh PGS đợt năm 2001.

Bằng chứng quan trọng trong đơn tố cáo của bà Phú là một số cuốn sách mà ông Trịnh Xuân Dũng đứng tên chủ biên đã xuất bản trước và tái bản sau khi được công nhận chức danh PGS. Thực chất các cuốn sách đó là bản dịch từ các cuốn sách của tác giả nước ngoài.

Cùng với các cuốn sách là bản dịch viết tay của cán bộ trường Cao đẳng Du lịch. Bản dịch đó có bút tích, có đề tên của người dịch. Sau khi đối chiếu các tài liệu, gặp gỡ trao đổi với người dịch và làm việc với ông Trịnh Xuân Dũng, chúng tôi khẳng định bản dịch và nội dung sách không phải của ông Trịnh Xuân Dũng.

Nhưng trong hồ sơ đăng ký chức danh PGS, ông Dũng khai đó là các cuốn sách do ông chủ biên, sách không đề tên người dịch, không ghi tên tác giả bản tiếng Anh, trong khi tại các cuốn in nội bộ trước đó thì có ghi tên người dịch. Như vậy, chiếu theo quy định của HĐCDGSNN năm ông Dũng được công nhận (đợt năm 2001) thì ông Dũng vi phạm tiêu chuẩn đạo đức là không trung thực. Hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí tước bỏ chức danh PGS của ông Trịnh Xuân Dũng. Sự việc xảy ra đến nay đúng 12 năm (tháng 3/2006 - tháng 3/2018).

Khi xử lý vụ việc của vị hiệu trưởng này, ông có chịu sức ép nào không?

Ở sự việc này, tôi không nhận được phản ứng trực tiếp nào. Tôi làm ở HĐCDGSNN 11 năm, tôi cũng bị những ý kiến phản đối về việc này việc nọ, nhưng tôi có nguyên tắc làm việc của mình, nên tôi không bận tâm đến sức ép.

Trong suốt thời gian ông làm việc ở Hội đồng, ông có nhận được nhiều đơn tố cáo không?

Nhiều, từ hai trở lên là số nhiều, nhưng so với cả ngàn ứng viên thì có thể là không quá nhiều.

Nhưng chỉ có 1 trường hợp bị tước danh hiệu?

Thực ra đa phần là những đơn tố cáo được gửi đến trong quá trình Hội đồng các cấp đang xét duyệt, và các trường hợp không xứng đáng đã bị các Hội đồng này loại. Còn khi HĐCDGSNN xét xong cũng có khiếu nại, tố cáo nhưng không nhiều. Các trường hợp khiếu nại tố cáo, kể cả có ký tên hoặc nặc danh, đều được xem xét, cũng có vài ba trường hợp chúng tôi đề nghị HĐCDGSNN xem xét, nhưng Hội đồng không xử lý được vì không đủ căn cứ và bằng chứng. Thậm chí có cả những trường hợp thực tế có vẻ rõ nhưng vẫn không thể xử lý được!

Vậy trong khi đang xét duyệt, số ứng viên bị loại vì có đơn tố cáo có nhiều không, thưa ông? Và nội dung tố cáo thường là gì?

Cũng nhiều nhiều, nhưng như tôi đã nói ở trên, hầu hết các trường hợp tố cáo đúng đều đã bị Hội đồng chức danh GS các cấp loại. Ứng viên bị loại thường thiếu tiêu chuẩn.

11 năm ông làm tổng thư ký HĐCDGSNN, có ứng viên nào đến nhờ giúp đỡ không?

Có. Nhưng không nhiều. Những người biết tính tôi không đến kiểu đó, những người đến là những người chỉ biết sau khi đến.

Có lẽ chúng ta cần làm gì đó để các năm sau việc xét duyệt không vướng lùm xùm như năm nay, ông nghĩ sao?

Không phải chỉ ở việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư mà ở tất cả các lĩnh vực đều có chuyện nọ chuyện kia. Mắc mớ của chúng ta nằm ở hai vấn đề. Thứ nhất là cơ chế chính sách (bao gồm cả các văn bản pháp quy). Thứ hai là con người thực hiện cơ chế đó. Hai điều này có quan hệ hữu cơ và cần giải quyết đồng bộ cùng lúc.

Vậy vướng mắc lớn nhất là người thực hiện, thưa ông?

Người thực hiện rất quan trọng là đương nhiên rồi. Thành viên Hội đồng chức danh GS các cấp phải là những người có đức, có tài thực sự và chỉ nên có nhiệm kỳ 3 năm thay vì 5 năm để có thể thay thế kịp thời những người được phát hiện là không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời quy chế, luật lệ chuẩn cũng rất quan trọng. Luật và các quy định của chúng ta vẫn có những điều chưa hoàn chỉnh. Có thể do người làm luật kém trình độ hoặc thiếu cơ sở thực tế hoặc có thể do người làm luật cố tình “cài đặt” để dễ dàng trong việc thực hiện hoặc để có lợi cho ai đó.

   Xin cảm ơn ông

Một số ứng viên GS, PGS đột nhiên xin rút

Theo nguồn tin Tiền Phong có được tính đến ngày 26/3, đã có một số ứng viên GS, PGS trong danh sách 95 ứng viên rà soát tiếp lần 2 nộp đơn xin rút. Trước đó, ngay sau khi có danh sách 95 ứng viên rà soát lại, ứng viên phó giáo sư Đặng Công Tráng, trưởng khoa luật Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, xin rút khỏi đợt xét công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Vị ứng viên này cũng được cho là có liên quan đến đơn kiện vì đạo văn trong một đề tài nghiên cứu khoa học.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.