Thất bại dạy tiếng Anh: Muốn 'xóa mù' phải học thêm

Học sinh “bắt” khách tây ở Bờ Hồ để cải thiện khả năng ngoại ngữ
Học sinh “bắt” khách tây ở Bờ Hồ để cải thiện khả năng ngoại ngữ
TP - Trung tâm tiếng Anh đua nhau mọc như nấm ngoài xã hội. Trong khi tại các trường phổ thông, việc học tiếng Anh chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa".

Nhiều phụ huynh khẳng định, việc học ngoại ngữ trong trường học hiện nay không hiệu quả, kể cả trường có chương trình liên kết. Vì vậy, muốn “xóa mù” và nâng cao năng lực ngoại ngữ cho con, gia đình phải bỏ một số tiền không nhỏ cho các trung tâm. Hậu quả là, cả một nguồn lực xã hội khổng lồ dành cho việc học tiếng Anh thời hội nhập, lại đổ về các cơ sở đào tạo không chính thống - những trung tâm tiếng Anh đua nhau mọc như nấm ngoài xã hội. Trong khi tại các trường phổ thông, việc học tiếng Anh chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa".

Chị Hà, sinh năm 1985 ở một huyện ngoại thành Hà Nội kể, cách đây hơn 20 năm, khi đó chị lên lớp 6, bậc THCS mới bắt đầu học tiếng Anh với những câu cơ bản nhất như chào hỏi. Vậy mà hơn 20 năm sau, khi tìm hiểu chương trình GDPT cho con, chị bất ngờ khi chương trình không có nhiều thay đổi. Học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 3 với thời lượng 3 tiết/ tuần; lớp 5 học 4 tiết/ tuần nhưng lên lớp 6,7,8, 9 lại quay trở lại học 3 tiết/ tuần. Điều đáng nói, chương trình tiếng Anh tiểu học được cho là giúp học sinh làm quen với kiến thức cơ bản thì lên lớp 6, chương trình hiện hành cũng bắt đầu từ những câu chào hỏi sơ đẳng.

Trao đổi với nhiều phụ huynh khác, chị Hà rút ra phương án, muốn con giỏi ngoại ngữ như mong muốn, chỉ có nước đổ tiền đi học thêm ở các trung tâm và tạo môi trường cho con tự học.

Không riêng chị Hà, gặp 10 phụ huynh có con học tiểu học tại Hà Nội, thì có đến 9 người cho biết, con học tiếng Anh ở trường mỗi tuần 2-4 tiết không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Dù trường đã tổ chức dạy học có cả giáo viên Việt Nam và giáo viên nước ngoài. Vì thế, biết tốn kém, cũng đành nộp tiền cho con học thêm nếu không sau này con tụt hậu, không hội nhập được lại ân hận.

Là một người giỏi ngoại ngữ, chị Nguyễn Thu Quỳnh, có con học lớp 2 một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, sau 2 năm cho con học tiếng Anh ở trường, về nhà hỏi gì con cũng không biết. Một lần, đến trường sớm đón con, lân la đến giờ học tiếng Anh mới thấy, cách giáo viên tây điều hành lớp học không hiệu quả. Lớp hơn 50 học sinh, nháo nhào hơn chợ vỡ trong khi giáo viên nói những gì, chị cũng không rõ.

Ngày nghỉ, ở Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), một tốp học sinh lớp 4 và lớp 5, một trường tiểu học ở Hà Nội tự tin giao tiếp tiếng Anh với khách tây. Văn Anh, một trong số học sinh đi cùng nhóm bạn, thay nhau hỏi chuyện tây, pha trò vui vẻ. Em cho biết, cứ cuối tuần, gia đình lại đưa em lên Bờ Hồ “bắt” tây để rèn khả năng giao tiếp. Em tiết lộ, ngoài chương trình học ở trường, từ 5 tuổi, gia đình đã cho đi học thêm ở một trung tâm Anh ngữ.

Trước đó, việc học rất khó khăn, năng nề vì học nhiều nhưng khả năng nói của em không tốt. Từ khi tăng cường trải nghiệm, giao tiếp với người nước ngoài em nghe nói tốt và tự tin hơn nhiều. “Em mong muốn, trong trường có những mô hình, CLB quy ước, giáo viên, học sinh hay bất cứ ai tham gia vào chỉ được phép nói tiếng Anh. Chỉ cần mỗi tuần được 2 buổi như vậy học sinh có môi trường để được nói rồi”, Văn Anh nói.

Học như “cưỡi ngựa xem hoa”

Cô Nguyễn Ngọc Thuỳ Dương, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, đánh giá chất lượng học Tiếng Anh học sinh phải được kiểm tra cả 4 kỹ năng gồm: nghe, nói, đọc, viết, trong khi chương trình thi cử hiện nay chủ yếu mới chỉ kiểm tra ngữ pháp. Ngoài ra, thời lượng học tiếng Anh từ tiểu học, học sinh chủ yếu chỉ “làm quen” nên khi lên THCS không nhiều học sinh có khả năng ngoại ngữ tốt. “Lên lớp 6, học sinh vẫn chỉ được bố trí 3 tiết/ tuần, trong khi yêu cầu đảm bảo 4 kỹ năng sẽ là cưỡi ngựa xem hoa, khó đạt được kỳ vọng”, cô Dương nói.

Cô Dương cũng thẳng thắn, chương trình học ngoại ngữ trong nhà trường với thời lượng như hiện nay là chưa đủ để học sinh có thể tiến bộ, do đó nhiều gia đình mong muốn con “thoát mù” tiếng Anh nên đành phải cho con đi học ở các trung tâm với chi phí đắt đỏ, có khi lên tới 4-500 ngàn đồng/buổi.

Một giáo viên dạy tiếng Anh lớp 3 tại Hà Nội cũng cho rằng, nếu học sinh chỉ học một tuần 2-3 tiết, mỗi tiết 35 phút như hiện nay là không hiệu quả. Bởi học tiếng Anh cũng chính là học ngôn ngữ, muốn học sinh tự tin giao tiếp điều quan trọng nhất là phải có môi trường. Học sinh phải được nói thường xuyên và quan trọng nhất là người dạy phải phát âm đúng.

Cô Lưu Hải Yến, giáo viên Trường THCS Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, học sinh ở thành phố được gia đình đầu tư cho học tiếng Anh từ sớm nên có nhận thức và động lực học. Ở nông thôn, trẻ bắt đầu học từ lớp 3, nên học sinh, giáo viên gặp nhiều khó khăn. Học sinh không có thói quen tự học, ngại nói…vì thế mỗi lớp chỉ có rất ít học sinh đạt kết quả tốt môn ngoại ngữ.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, để thúc đẩy chất lượng dạy học ngoại ngữ, đầu tiên phải xuất phát từ nhận thức phụ huynh, học sinh sau đó các trường, giáo viên phải nghĩ tới cách làm. Ví như, Hà Nội nhiều năm nay, ngoài chương trình đã tổ chức dạy học liên kết với các trung tâm, đưa giáo viên nước ngoài có chất lượng vào. Trong đó, yêu cầu giáo viên Việt Nam phải trợ giảng, học tập phương pháp, cách thức tổ chức lớp học, thậm chí cách phát âm của giáo viên nước ngoài. Gần đây, một số trường ở Hà Nội còn tổ chức hình thức dạy học ngoại ngữ trực tuyến, để học sinh về nhà cũng có thể truy cập vào học thêm.

Từ 70 - 90% học sinh thi THPT QG điểm dưới trung bình

Kết quả dạy học ngoại ngữ sau 12 năm học chương trình giáo dục phổ thông được thể hiện rõ nhất qua kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, điểm thi môn Tiếng Anh bao giờ cũng xếp cuối, sau môn Lịch sử. Cụ thể như: năm 2016, có tới 88,27% thí sinh dự thi THPT quốc gia có điểm thi môn Tiếng Anh dưới mức trung bình; năm 2017, có 69% thí sinh dự thi trên toàn quốc đạt điểm dưới trung bình; Năm 2018, trong số gần 815 nghìn bài thi của học sinh trên toàn quốc cũng thê thảm khi có gần 80% bài thi dưới điểm trung bình trong đó, nhiều nhất là bài điểm 3.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).