Thất vọng với dự thảo tiêu chuẩn GS, PGS

GS Hoàng Xuân Phú bức xúc tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nghiêm Huê.
GS Hoàng Xuân Phú bức xúc tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Dự thảo quy định tiêu chuẩn GS, PGS do Bộ GD&ĐT và Hội đồng chức danh GS nhà nước đưa ra chưa đáp ứng được đòi hỏi của dư luận, cần phải có những tiêu chuẩn riêng, phù hợp với từng ngành khoa học cụ thể, không thể có một bộ chuẩn chung cho tất cả các ngành.  Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm góp ý dự thảo quy định tiêu chuẩn chức danh GS, PGS do tạp chí Tia Sáng tổ chức ngày 5/4.

Nghịch lý tiêu chuẩn GS, PGS

Tại buổi tọa đàm, các khách mời đều tỏ ra khá thất vọng với bản dự thảo tiêu chuẩn bổ nhiệm GS, PGS mà Bộ GD&ĐT, Hội đồng chức danh GS nhà nước vừa công bố. PGS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đưa ra 14 nghịch lý về GS, PGS ở Việt Nam.

Thứ nhất, đó là bổ nhiệm để lấy danh chứ không phải để thực thi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Bổ nhiệm không theo nhu cầu của các cơ sở giáo dục. Ở thế giới, việc bổ nhiệm GS, PGS phụ thuộc vào nhu cầu của các trường. 

Còn Việt Nam thì không cần dựa vào vị trí của cơ sở giáo dục đào tạo. “Tất nhiên, hiện nay có quy định xét và bổ nhiệm là hai chuyện khác nhau. Nhưng cơ bản thì đã xét là  được bổ nhiệm. Rồi những người không làm nghiên cứu vẫn xưng GS, PGS,  card visit vẫn GS, PGS  đầy rẫy” - PGS Nguyễn Ngọc Châu bức xúc.

Thứ hai,  theo PGS Nguyễn Ngọc Châu là số lượng GS, PGS  ở Việt Nam được bổ nhiệm vào loại nhiều ở các  nước châu Á, đặc biệt so với các nước Đông Nam Á  nhưng vẫn không có đại học nào được xếp hạng top 300 của châu Á (theo Higher Education, 2017). Trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, thậm chí Philippines đều có đại học xếp hạng top 300 châu Á.

Thứ ba, nhiều GS, PGS được bổ nhiệm nhưng chỉ 30% có thể đạt chuẩn quốc tế. Cũng theo PGS Châu, chỉ ở Việt Nam mới xét GS, PGS bằng tổng những số vô cảm: Điểm bài báo + Điểm sách + Điểm hướng dẫn NCS + Số giờ giảng dạy + Thâm niên giảng dạy + Tỷ lệ phiếu. Tất cả xếp hàng ngang chỉ cần một trong các tiêu chí trên không đủ theo quy định thì không đạt GS, PGS... Bởi nếu áp đúng tiêu chí GS, PGS Việt Nam thì GS Ngô Bảo Châu (giải thưởng Field) chắc chắn cũng không đạt chuẩn GS Việt Nam (vì ông đâu có đủ ít nhất 20 điểm công trình quy đổi, chưa đủ hướng dẫn chính thành công 2 tiến sĩ, chưa có sách cũng chưa đủ thâm niên và số giờ dạy mỗi thâm niên).

Bên cạnh đó, các GS cho rằng việc đưa tiêu chuẩn phải viết sách là một quy định không giống ai. GS Ngô Việt Trung, Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng một số tiêu chuẩn đưa ra quá thấp so với quốc tế và đòi hỏi của dư luận. “Viết sách , đào tạo là một công việc của GS, PGS. Nhưng chúng ta coi đó như một tiêu chuẩn để bổ nhiệm. “Viết sách là quan trọng nhưng không phải ai cũng viết được. Rồi sách rởm mà viết ra thì có xóa được đâu, thậm chí hậu quả của nó còn ảnh hưởng lâu dài về sau” – GS Trung cảnh báo.

GS TS Đinh Dũng (Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN) thì bày tỏ quan điểm rất rõ ràng: “Tôi thực sự thất vọng với dự thảo bộ tiêu chuẩn. Nhiều tiêu chuẩn giữ nguyên như cũ. Một trong những cái chúng ta kỳ vọng để nâng cao chất lượng  nhưng lại  không có gì. Họ chỉ cộng thêm cơ học  mỗi mức (GS, PGS)  một bài trên tạp chí ISI hay Scopus. Ví dụ GS trước là 2 thì giờ phải có 3 bài, PGS trước là 1 thì giờ phải có 2. Nếu quy đổi thì PGS bằng 2/3 GS. Trong khi ở các nước khoảng cách GS và PGS  là khá lớn”.

Cần nâng cao chất lượng hội đồng chức danh

Tại buổi tọa đàm, các GS đều thống nhất quan điểm mỗi ngành phải có tiêu chuẩn, tiêu chí riêng, không thể có một bộ tiêu chuẩn chung cho tất cả các ngành. Tuy nhiên, PGS. TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng Hội đồng chức danh của ngành phải thay đổi đầu tiên. Nếu đội ngũ này có chất lượng thì họ sẽ kéo chất lượng đội ngũ GS, PGS lên, còn nếu không sẽ níu chất lượng xuống.

Trong những năm qua, đã có hiện tượng vừa có bằng tiến sĩ xong đã lo đào tạo tiến sĩ để chuẩn bị trước cho việc đăng ký chức danh giáo sư sau này. Từ đó đã tạo ra nhiều tiến sĩ “rởm”. Quốc tế không dùng tiêu chuẩn này để phong giáo sư. GS Hoàng Xuân Phú cũng cho rằng phải bỏ tiêu chuẩn này. Vì đây là quy định lạ đời vừa thiếu tôn trọng người học, vừa góp phần hạ thấp chất lượng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ (vốn đã quá thấp) ở Việt Nam.

“Đơn giản, vì một số thầy cô muốn nhanh chóng đạt được tiêu chuẩn về hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học để sớm được phong GS hay PGS nên có thể diễn ra cảnh “vơ bèo vạt tép” để có học trò, nhận hướng dẫn cả loại quá kém rồi viết luận án, luận văn và các bài báo khoa học thay cho học trò...” - GS Hoàng Xuân Phú nhấn mạnh.

Theo con số thống kê mà GS Hoàng Xuân Phú (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN  Việt Nam), có được thì những người được xét công nhận GS, PGS năm 2016 ở các ngành có con số đáng ngạc nhiên. Cụ thể, nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật… bình quân số bài ISI và Scopus của  những người được xét công nhận trong năm 2016 là 5.76 bài/người. Bên khối khoa học xã hội và nhân văn là 0.19 bài/người. Chia cụ thể từng ngành nhỏ thì thấy ngành giáo dục học, có tổng số tạp chí ISI 270 tạp chí, năm 2016 có 1 GS và 33 PGS được bổ nhiệm thì  chỉ có 1 bài ISI. Ngành Tâm lý học có  547 tạp chí  ISI có  2 GS và 9 PGS được bổ nhiệm thì có 1 bài ISI, Scopus. GS Phú cũng chỉ ra rằng có tới  6 chuyên ngành “trắng”  bài khoa học ISI.

MỚI - NÓNG