'Thầy cho lên lớp, em mới đi học lại'

'Thầy cho lên lớp, em mới đi học lại'
"Nhiều em thiếu ý thức, lười nhác dẫn đến kết quả học tập thấp... rồi bỏ học. Tôi đến động viên, có em đưa điều kiện: Thầy cho lên lớp, em mới đi học lại" - Thầy Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định nói.
'Thầy cho lên lớp, em mới đi học lại' ảnh 1
Thầy giáo Lê Văn Thuận (Quảng Ngãi) liên tục điều chỉnh sĩ số của từng lớp - Ảnh: Thanh Niên.

Theo thầy Quí, năm học trước, tỷ lệ học sinh bỏ học của tỉnh Bình Định chiếm 3,5% trên tổng số. Năm nay, số học sinh bỏ học tiếp tục tăng lên, tập trung chủ yếu ở bậc Trung học Cơ sở. Các khu dân cư ven biển, vùng trũng có số học sinh bỏ học cao nhất.

Tại huyện Tuy Phước (Bình Định), những nỗ lực cứu vãn tình thế xem ra vẫn chưa mang lại kết quả khả quan. Chi hàng tỉ đồng xây mới nhiều phòng học, mua sắm trang thiết bị..., nhưng số học sinh bỏ học cứ tăng vùn vụt.

Ba tháng đầu năm học, huyện này có tới gần 1.000 học sinh "gác bút". Đi sâu tìm hiểu mới biết, có rất nhiều nguyên nhân làm cho học sinh bỏ học. Trong đó, nhiều em không thể đến trường vì hoàn cảnh quá ngặt nghèo, như hai chị em Nguyễn Thị Tư và Nguyễn Văn Vui ở xóm 6, thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng (Bình Định).

Hai em sống cùng bà ngoại, vốn có tiếng chăm học ở trường THCS Phước Hưng. Do bà tuổi già sức yếu, không có tiền trang trải cho 2 cháu nên Tư và Vui buộc phải nghỉ học.

Ở một số tỉnh, thành khác của miền Trung, tình trạng học sinh bỏ học cũng diễn ra ngày càng nhiều.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm học này đã có hơn 10% học sinh bậc THCS trong xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi bỏ học. Trong đó, nhiều em bỏ học chỉ để ở nhà... đi chơi.

Có lẽ không ở đâu như vùng biển Nghĩa An, khi mà nhiều gia đình lại "giao quyền" cho con em mình tự quyết định chuyện học hành. Vì mưu sinh, các bậc phụ huynh phải bám biển cả tháng liền nên con cái ở nhà phó thác cho ông bà học sao cũng được. Các em muốn học thì học, muốn bỏ thì bỏ.

Thầy giáo Lê Văn Thuận, Phó hiệu trưởng trường THCS Nghĩa An cho biết: "Tất cả 29/32 lớp đều có học sinh bỏ học. Số em bỏ học nhiều đến mức Ban giám hiệu phải lập một cuốn sổ theo dõi từng ngày. Sĩ số cũng phải điều chỉnh liên tục trên tấm bảng đặt tại văn phòng. Số học sinh bỏ học trong 2 tháng đầu năm học 2007 - 2008 đã cao hơn cả năm học trước với gần 130 em. Gần 10 năm qua, hơn 2.000 học bạ của học sinh bỏ học đã đựng đầy trong 4 chiếc tủ lớn".

UBND xã Nghĩa An đã ra hẳn một nghị quyết, thành lập ban bệ hẳn hoi để tuyên truyền, vận động học sinh bỏ học ra lớp phổ cập nhưng các em chỉ học được vài tuần rồi "ngựa quen đường cũ"!

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG