Thầy, cô giáo đánh học sinh: Cần cái nhìn từ hai phía

Thầy, cô giáo đánh học sinh: Cần cái nhìn từ hai phía
TP - Thời gian gần đây trên các báo luôn đăng tải những tin, bài phản ánh tình trạng thầy, cô giáo đánh học sinh một cách dã man, cũng như những ý kiến chỉ đạo của Bộ, ngành chức năng về xử lý nghiêm các trường hợp báo chí đã nêu.

Đúng là mỗi thời mỗi khác. Ngày xưa thầy giáo đứng trên bục giảng với một tấm lòng nhiệt tình dạy chữ, dạy đức cho người học trò. Khi đó, nếu thầy cô có phạt, đánh học sinh thì thường đúng mực, làm cho các bậc phụ huynh tâm phục, khẩu phục.

Ngày nay, khi công cuộc đổi mới đất nước đang đem lại kết quả bước đầu đáng trân trọng và cần được phát huy, thì mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động vào đời sống xã hội nói chung, đời sống của một số thầy, cô giáo nói riêng. Khi đó, nếu thầy cô mà thiếu bản lĩnh và tính kiềm chế thì dễ xảy ra việc đánh đập, hành hạ những học sinh của mình.

Về phía phụ huynh thời nay cũng khác: Người thì vì công việc và cuộc sống đòi hỏi, người thì lo xây dựng kinh tế gia đình, nên thời gian họ gần gũi, quan tâm đến con cái không nhiều.

Việc giáo dục con cái họ phó mặc cho nhà trường, chỉ cần cứ kỳ nộp học phí, tiền trường, tiền lớp thì họ chu cấp đầy đủ cho con là được rồi. Vì thế trách nhiệm làm cha, làm mẹ của họ chưa được phát huy triệt để.

Thêm vào đó thời công nghệ thông tin phát triển, nên điều kiện tiếp xúc với những hình ảnh, hành động thiếu văn hóa chưa được các cơ quan chức năng kiểm duyệt ngày càng cao.

Với khả năng bắt chước nhanh nhạy của mình, học sinh rất dễ bị cuốn theo những hành động, lời nói thiếu văn hóa ấy. Mỗi khi đến trường, đến lớp một bộ phận học sinh luôn tỏ ra thô tục với bạn bè, vô lễ với thầy cô. Và khi đó trong một số trường hợp đã xảy ra việc thầy, cô giáo đánh học sinh một cách quá mức cần thiết.

Từ khi báo chí đưa tin, lên tiếng phản đối hành động thầy, cô giáo đánh học sinh thì tôi lại thấy xuất hiện một xu hướng “Dân chủ quá trớn” trong một số phụ huynh học sinh.

Khi con em họ không được giáo dục đến nơi đến chốn, đến lớp nghịch phá, vô lễ, bị thầy, cô giáo răn đe, giáo dục bằng hình thức phạt, thậm chí dùng roi đánh, thì thể nào hôm sau thầy cô đó cũng bị phụ huynh nọ phản ánh với Ban Giám hiệu nhà trường.

Thậm chí có trường hợp cá biệt, một phụ huynh ở xã Đại Phong, Đại Lộc, Quảng Nam do bênh con đã đánh cô giáo chấn thương sọ não (báo Thanh niên ra ngày 29/3/2006 đã đưa tin).

Cũng cần nói thêm, sau các sự việc trên, Bộ GD-ĐT, các sở, phòng địa phương cũng đã kịp thời chỉ đạo xử lý, làm rõ những hành vi phi giáo dục của các thầy, cô giáo.

Nhưng nếu chỉ chú trọng xử lý thầy cô, mà không xem xét đối với học sinh, thì có lẽ xu hướng “Dân chủ quá trớn” nêu trên sẽ được “đẩy mạnh” hơn.

Đây cũng là một trong những vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thận trọng hơn trong việc xử lý, đừng nhìn sự việc thầy, cô giáo đánh học sinh một cách phiến diện.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.