Thầy cô giáo về quê học lại tiếng mẹ đẻ

Thầy cô giáo về quê học lại tiếng mẹ đẻ
TP - Lần đầu tiên, những thầy cô giáo dạy tiếng Việt từ khắp nơi trên thế giới có cơ hội trao đổi và học hỏi tiếng mẹ đẻ ngay tại quê hương Việt Nam trong một khóa học kéo dài từ 24/9 đến 26/10.

> Tập huấn cho giáo viên người Việt ở nước ngoài

14 học viên tham gia khóa học là những giáo viên hiện đang giảng dạy tại các lớp học tiếng Việt do cộng đồng hay hội đoàn người Việt từ khắp nơi trên thế giới. Họ là người Việt sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, hoặc sinh ra ở nước ngoài nhưng có nguồn gốc Việt Nam, đang truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho con em Việt kiều và người nước ngoài.

Đi đâu cũng phải giữ tiếng Việt

Cô Ngô Đình Uy, giảng dạy tiếng Việt tại Đại học sư phạm Đài Loan và một trung tâm ngoại ngữ. Cô Uy sinh tại Đài Loan trong gia đình có bố Đài Loan, mẹ Việt Nam. Mẹ cô là người Hà Nội, luôn dạy con: “Dù đi đến đâu, tiếng Việt phải giữ”. Chính vì thế, tiếng Việt là ngôn ngữ đầu tiên cô được học từ người mẹ và thường nói trong gia đình.

Tính đến nay, cô Uy đã gắn bó hơn 20 năm với việc giảng dạy tiếng Việt. Ban đầu là dạy cho những doanh nhân Đài Loan có dự án đầu tư tại Việt Nam, phần lớn là tại TPHCM, rồi sau này là sinh viên khoa tiếng Việt của Đại học sư phạm Đài Loan. Cô Uy cho biết, ban đầu chưa có giáo trình dạy tiếng Việt, phải tự viết lấy. Nhiều người Đài Loan học tiếng Việt, sau này sang TPHCM công tác thì thắc mắc: Sao tiếng Việt cô dạy khác với tiếng Việt mà mình nghe thế.

Cô Uy phải soạn hai bộ giáo trình, một dành cho giọng Bắc, một cho giọng Nam. Trước khi học viên đăng ký, cô hỏi: thích học giọng bắc hay giọng nam. Cô nói vui: “Tôi có thể dạy học sinh giọng bắc, giọng nam, nhưng giọng miền trung thì chịu”.

Thầy Lê Quốc Vi sinh ở Thái Lan, bố mẹ đều là người Việt. Hiện, thầy dạy tiếng Việt cho người Thái tại Đại học hoàng gia Thái Lan ở tỉnh Ubonrathchathani và kiêm ủy viên cố vấn Ban Quan hệ quốc tế của trường. Thời kỳ 1950 - 1975, khi quan hệ Việt - Thái gặp khó khăn, tiếng Việt bị cấm, cho nên con em người Việt đi học trường Thái, nói tiếng Thái, nhưng về gia đình vẫn lén lút học tiếng Việt. Thời đó, phong trào dạy và học tiếng Việt rất mạnh dù bị cấm đoán. Thầy Vi kể, đi học tiếng Việt, sách vở phải ngụy trang, bên ngoài lớp học luôn có người canh gác.

Sau này, quan hệ Việt - Thái tốt lên, thầy Vi được đích thân thầy hiệu phó Đại học hoàng gia Thái Lan ở tỉnh Ubonrathchathani mời về giảng dạy tiếng Việt. Nhiều người Thái cũng muốn học tiếng Việt để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thầy Vi đã dẫn nhiều doanh nghiệp Thái Lan sang tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.

Ngày càng nhiều người học tiếng Việt

 Chúng tôi đã ấp ủ chương trình này từ lâu, nay quyết tâm thực hiện dù còn nhiều khó khăn. Đây là khóa tập huấn đầu tiên và sẽ là nòng cốt cho các khóa học sau này 

Ông Nguyễn Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

Cô giáo Đinh Thị Phương Loan, 32 tuổi, phó hiệu trưởng trường Nguyễn Du ở Viêng Chăn, Lào, có bố mẹ là chuyên gia y tế sang Lào công tác, rồi sinh Loan tại đây. Sau này, cô theo bố mẹ về Việt Nam sinh sống, học báo chí và sư phạm, rồi cô lấy chồng người Lào, theo chồng về Lào sinh sống.

Trường Nguyễn Du là trường tư thục đa cấp (từ mẫu giáo đến cấp 3), trực thuộc Hội người Việt Nam ở Viêng Chăn. Trường có khoảng 1.800 học sinh, trong đó 70% là con em Việt kiều, 30% là con em cán bộ người Lào. Học sinh trong trường đều được học bằng tiếng Lào và tiếng Việt chỉ là một ngoại ngữ. Hội người VN tại Lào có 11 chi hội ở các tỉnh, thành phố của Lào và đều có trường học.

Các trường Việt kiều ở Lào rất có uy tín trong giáo dục. Năm 2011, 2012 trường Nguyễn Du đều có học sinh đoạt giải nhất môn toán toàn quốc, là con em Việt kiều. Trường đang chuẩn bị mở lớp song ngữ Lào- Việt, mỗi khối sẽ có một lớp. Các buổi ngoại khóa tiếng Việt vào ngày thứ 6 hàng tuần có dạy hát và chơi trò chơi dân gian Việt Nam thu hút nhiều học sinh người Lào.

Sinh ra và học tập tại Việt Nam, nhưng chị Nguyễn Thị Liên Hương lại bén duyên với Đài Loan khi chị sang đây làm nghiên cứu sinh và lấy chồng người Đài Loan. Hiện nay, chị Hương đang dạy tiếng Việt tại Đại học Đài Loan.

Theo chị Hương, hiện nay ở Đài Loan có 20 trường đại học có bộ môn tiếng Việt. Một số trường cấp 3 ở Đài Bắc cũng bắt đầu giảng dạy tiếng Việt như ngoại ngữ hai, bên cạnh tiếng Anh. Đài Loan có hơn 100.000 người Việt đang sinh sống, trong đó chủ yếu là cô dâu Việt, nên các sở di dân cũng tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em gốc Việt. Chị Hương cũng tham gia biên soạn giáo trình tiếng Việt toàn quốc cho con em Đài Loan thế hệ thứ 2. Cuốn này dự định ra mắt vào tháng 10.

Chị Hương nói: “Khi dạy cho học sinh, mới thấy có nhiều điểm về tiếng Việt mà mình chưa hiểu được. Các thầy cô giáo trong khóa tập huấn này đều là các giáo sư giỏi. Tôi muốn thông qua họ để hiểu rõ thêm. Chẳng hạn, đọc bảng chữ cái thế nào cho chuẩn khi có các cách đọc khác nhau như chữ q thì đọc là cu, hay quờ, qui... Sờ nặng, sờ nhẹ thì nên đọc thế nào... Học sinh của tôi cứ thắc mắc, rõ ràng, cô đọc là Trời ơi, khi ra ngoài đường thì người ta lại bảo: Dời ơi...”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.