Thầy Đỗ Việt Khoa tư vấn chống tiêu cực

Thầy Đỗ Việt Khoa tư vấn chống tiêu cực
TP - Cảm phục thầy giáo Đỗ Việt Khoa dám một mình chống lại tiêu cực trong thi cử những ngày qua, nhiều người dân ở Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tây… đã chẳng quản đường xa, tìm đến tận nhà nhờ thầy tư vấn cách đẩy lùi tiêu cực.

Kể từ ngày dũng cảm đứng lên tố cáo tiêu cực thi cử ở Hội đồng thi Phú Xuyên A (Hà Tây), được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen, rồi sau ngày tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đến tận nhà thăm hỏi, cuộc sống của người thầy vốn giản dị Đỗ Việt Khoa có nhiều xáo trộn.

“Có nghe và tiếp xúc mới biết nhiều người khổ vì oan ức, vì bị trù dập do dám nói lên cái xấu, cái sai” - Nhấp chén trà đặc quánh, thầy Khoa nói về những người đã lặn lội đến tận xã Vân Tảo nhờ thầy tư vấn chống tiêu cực.

“Thầy giáo hãy giúp đỡ tôi ngay. Tôi đang gặp nguy hiểm sau khi viết đơn tố cáo ông hiệu trưởng” - Cô giáo Đào Thị T, giáo viên dạy Văn tại Hải Phòng, đã khẩn thiết đề nghị người đồng nghiệp ở Hà Tây như vậy.

Trong thư, cô T tâm sự về việc cô bị trả thù, bị nhiều người đến tận nhà đánh đập vì tố cáo ông hiệu trưởng tham ô, ném bài giải cho học sinh trong kỳ thi 2004 – 2005, và cả thói sàm sỡ với giáo viên nữ. Sợ thư không đến được tay người nhận, ngày 18/7, ba mẹ con cô T tìm đến tận nhà thầy Khoa xin gặp.

Phủ trên khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng, gò má vẫn còn sưng vì bị đánh là sự khổ đau, bất bình của nữ giáo viên dám phản kháng. Chùi ngang những dòng nước mắt không ngừng rơi trên má, cô T kể lại chi tiết sự việc, mong nhận được sự đồng cảm và giúp đỡ của đồng nghiệp ở trường THPT Vân Tảo.

Không chỉ trong ngành giáo dục, nhiều người tố cáo tiêu cực trong các lĩnh vực khác cũng tìm đến người thầy nổi tiếng bất đắc dĩ này. Bà con ở thôn X. Đ (Hà Tây) đến nhờ giúp đỡ tố cáo tham nhũng trong đền bù giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500 KV đi qua thôn.

Ông Nguyễn Văn B và một số người đại diện cho người dân ở Y.T (Gia Lâm, Hà Nội) cũng bắt xe, tìm đến nhà thầy Khoa nhờ giải quyết việc làm rõ những dấu hiệu tiêu cực trong việc thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp...

Còn nhiều, nhiều lắm những nỗi bất bình, phẫn uất mà người dân nhiều nơi gọi điện về nhờ thầy Khoa tìm giúp cho hướng giải quyết. “Mỗi ngày, tôi nhận được không dưới 500 email và hàng chục lá thư từ các địa phương. Nhiều người đã bày tỏ nỗi lòng, mong tôi sát cánh bên họ trong hành trình tìm công lý gian nan. Và tôi không thể từ chối”, thầy Khoa tâm sự.

Thầy bảo, thờ ơ làm sao được khi có em mới học lớp 9 ở Quế Võ (Bắc Ninh), đã bất bình trước tiêu cực: “Trong kỳ thi lớp 10 có nhiều bạn học rất kém đã bảo bố mẹ chạy điểm, ít nhất hết 300.000 đồng, nhiều thì 2 đến 3 triệu. Điều đó gây thiệt thòi và bức xúc với rất nhiều bạn học khá giỏi. Em xin thầy cho ý kiến”.

Làm sao có thể bỏ qua khi một phụ huynh ở tận TP Hồ Chí Minh chỉ tâm sự vài dòng ngắn ngủi qua nick chat: “Thầy biết không, con tôi ngày mai phải thi tuyển tiếng Anh vào lớp 1, thầy thấy có kỳ không. Tiếng Việt nó còn chưa biết mà thi tiếng Anh. Tuyển sinh đại học, học sinh đóng lệ phí có 20.000 đồng, còn trường tiểu học khảo sát tiếng Anh trong 2 giờ phải đóng phí tới 40.000 đồng”...

Những câu hỏi chưa có lời đáp như thế đã và đang là động lực thúc đẩy thầy Đỗ Việt Khoa tiếp tục dấn thân trên con đường chống tiêu cực.

Tiếp sức những niềm tin

“Để có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống tiêu cực, kinh nghiệm của tôi là phải chuẩn bị bằng chứng thật thuyết phục. Dũng cảm tố cáo nhưng phải khéo léo. Không được thở dài khi việc tố cáo chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải tố cáo đúng tiêu cực, không tư lợi”- Thầy Khoa bộc bạch.

Để tiếp sức niềm tin, để giúp đỡ những người chống tiêu cực tiện liên lạc, theo dõi, thầy Đỗ Việt Khoa cho biết, tới đây sẽ đưa tất cả các vụ việc của những người đến gặp thầy lên phần “Nhật ký” của trang web dovietkhoa.com do một đồng nghiệp tặng.

Nhật ký online sẽ là nơi ghi lại từng vụ việc của những người dân bất hạnh để “tranh thủ” sức mạnh của công luận trên hành trình tìm lại sự công bằng trong cuộc sống.

Đó cũng là quan điểm mà ông “tư vấn” cho những người tin tưởng tìm đến. “Phải nói đúng sự việc, tố cáo đúng tiêu cực” là câu được thầy Khoa lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá trình trao đổi với những người “cùng cảnh”.

Sau đó, tùy vào từng trường hợp mà “ông giáo làng” giới thiệu người tố cáo đến gặp phóng viên các báo quen biết hay tư vấn nên gặp các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bằng hiểu biết và kinh nghiệm của mình, thầy nhiệt tình giúp đỡ những con người cũng như mình – không chịu sống chung với tiêu cực.

Dường như sự tiếp sức đó đã không uổng công. Thầy Khoa rất mừng vì trong số những người ủng hộ mình có nhiều em học sinh, dù các em thừa nhận nơi nọ nơi kia vẫn còn gian dối: “Nói đến sự gian dối bất công trong giáo dục, cũng như trong xã hội còn nhiều, nhưng em tin rằng sự thật, lẽ phải, sự công bằng sẽ chiến thắng. Chỉ có điều là tất cả mọi người có dám đấu tranh hay không mà thôi…”.

Cùng với nhiều bạn trẻ khác, niềm tin mãnh liệt đó là của em Đào Trọng T, học sinh lớp 12 ở Lạng Sơn gửi về chia sẻ cùng thầy Khoa. T đã rất bất bình về việc cô giáo chủ nhiệm lớp em chữa điểm 3 thành điểm... 8 cho bạn lớp trưởng trong bài kiểm tra môn Toán. Dù vậy, sự dũng cảm của thầy Khoa đã làm lòng tin nơi em trỗi dậy để không đánh mất mình trước tiêu cực. 

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.
Nhan sắc nổi bật của tân Hoa khôi Miss Gia Định
Nhan sắc nổi bật của tân Hoa khôi Miss Gia Định
TPO - Vượt qua 11 thí sinh khác và chinh phục khán giả bằng sự duyên dáng, tài năng và ứng xử tự tin, thông minh, thí sinh Nguyễn Thị Hằng – sinh viên năm 4 ngành Marketing đã đăng quang ngôi vị Hoa khôi cuộc thi Miss Gia Định và Học sinh tài năng 2024.