Thầy giáo làng làm nghiên cứu sinh truyền cảm hứng cho học trò

Thầy giáo làng làm nghiên cứu sinh truyền cảm hứng cho học trò
TPO - Năm nay đã 51 tuổi, không quản ngại đường xá xa xôi, thầy Vũ Văn Cát lặn lội từ Hải Dương lên trường Đại học Bách khoa Hà Nội để làm tiến sĩ. Chuẩn giáo viên hay các luật liên quan đến nhà giáo không yêu cầu thầy phải làm điều này. Nhưng vì muốn mang lại những tươi mới cho học trò từ những kiến thức đã quá cũ trong SGK nên thầy đã quyết định đi làm nghiên cứu sinh từ năm 2016.

Gặp thầy Vũ Văn Cát tại sân trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào những ngày giữa tháng 11. Có lẽ thầy là nghiên cứu sinh thuộc diện “già” của trường. Thầy hiện đang là giáo viên viên dạy môn Vật Lý của Trường THPT Kinh Môn 2 (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).

Luận án tiến sĩ của thầy đã bảo vệ xong vòng cơ sở, đang hoàn thiện để bảo vệ ở các vòng tiếp theo. Thầy cho biết trong khoa học, nghiên cứu thường đi theo hai hướng ứng dụng và cơ bản. Đề tài nghiên cứu luận án của thầy nếu tiếp tục triển khai sẽ có nhiều ứng dụng trong thực tế. Vì mục tiêu của đề tài nhằm ứng dụng cảm biến môi trong trường để phát hiện những chất khí độc hại và những thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Nếu thành công có thể sử dụng nhiều lĩnh vực, đáp ứng xử lý ô nhiễm môi trường, phát hiện đưa ra cảnh bảo kịp thời những sản phẩm nông nghiệp sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Trước câu hỏi vì sao thầy lại lựa chọn làm nghiên cứu sinh trong khi thực tế nghề nghiệp không yêu cầu, thầy Cát cười hiền cho biết đây thực sự là một sự nhân duyên. Trong cuộc sống, trong quá trình làm việc, có những điều thật khó lý giải. Làm nghiên cứu sinh đối với thầy Vũ Văn Cát là một sự trải nghiệm rất tự nhiên.

Thầy giáo làng làm nghiên cứu sinh truyền cảm hứng cho học trò ảnh 1

Thầy Vũ Văn Cát đang kiểm tra mẫu thí nghiệm


Gần 30 năm đứng lớp, mỗi lần lên lớp thầy đều trăng trở một điều làm thế nào để mang đến những cái mới kiến thức đều rất cũ. Đây cũng là cảm hứng, là động lực để thầy đưa ra quyết định táo bạo là làm nghiên cứu sinh. “Tôi cũng mong muốn tìm tòi tìm hiểu thêm để đo xem chiều rộng của kiến thức đó thế nào, chiều sâu ra sao. Bơi trong kiến thức của nhân loại để thỏa mãn đam mê”, thầy Cát nói.

Theo thầy Cát, kiến thức dạy trên lớp rất cơ bản, cũ, có những tri thức được phát hiện từ cách đây mấy thế kỷ. Nếu không cho kiến thức sống động, bản thân giáo viên không có cảm hứng thì cũng đừng nói chuyện truyền cảm hứng cho học trò.

“Làm sao ngay từ ngữ điệu giọng nói, phương pháp cũng phải sinh động, phù hợp với đối tượng học sinh, không gian đứng lớp, thực tế ở địa phương, nội dung bài dạy. Từ đó tạo cảm hứng cho học sinh, có kiến thức cơ bản thì học sinh có động cơ học tập đúng đắn. Như thế mới thành nhiệm vụ của người giáo viên và hoàn thành nhiệm vụ của người học trò”, thầy Cát nói.

Dạy học chỉ đứng để nói lên bài học thì rất đơn giản nhưng để làm được nhiệm vụ của người giáo viên, ngoài kiến thức chuyên môn vững, thì người giáo viên còn phải có trình độ tâm lý học thì mới giáo dục được học sinh.

“Bộ môn vật lý liên quan rất nhiều tới các hiện tượng tự nhiên, với rất nhiều định luật liên quan đến khoa học cơ bản. Khi giảng dạy cho học sinh những kiến thức đó, nó thôi thúc bản thân tôi suy nghĩ, trăn trở cần nghiên cứu tìm tòi đến tận nguồn gốc để giúp các em học sinh có thể hiểu rõ hơn, và luôn đặt câu hỏi những kiến thức đó còn có thể mở rộng ứng dụng ở những lĩnh vực nào trong cuộc sống hiện đại. Việc mong mỏi làm mới kiến thức, mang lại những luồng gió mới cho bài giảng của mình để thu hút được học sinh cũng cho tôi cảm hứng cần phải tiếp tục nghiên cứu", thầy Cát chia sẻ.

Trong cuộc đời giảng dạy, thầy Cát đã có khoảng 20 sáng kiến kinh nghiệm các cấp, trong đó có 4 sáng kiến cấp tỉnh. Theo thầy, tuy nghĩa vụ là giảng dạy kiến thức phổ thông cơ bản cho các học sinh, song với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật như hiện nay thì việc giáo viên phổ thông tham gia nghiên cứu khoa học là việc nên làm.

Ngoài ra, ngày nay các học sinh bị nhiều yếu tố khác lôi cuốn, đòi hỏi bản thân người giáo viên không thể “dừng lại và dạy như cách cũ”. Thay vào đó, giáo viên cần phải nâng tầm chính mình thì mới có thể hòa nhịp được với học sinh. Trường THPT Kinh Môn 2 vốn hình thành từ trường bán công nên đầu vào của học sinh không cao.

Mục tiêu sao cho học sinh nắm được kiến thức cơ bản, có thái độ học tập rèn luyện nghiêm túc, từng bước đáp ứng yêu cầu vào được trường trung cấp, cao đẳng và các trường đại học top trung bình trung bình khá. Thầy Cát tin rằng, sau khi hoàn thành công việc của một nghiên cứu sinh, bài giảng của thầy sẽ có hiệu quả hơn, mang lại nhiều điều mới mẻ cho học sinh.

“Hai năm nay đã thấy học trò có tiến bộ nhiều, thêm yêu việc mình làm. Thái độ của học sinh khi vào lớp, trước nằm ngả ngốn, nhưng giờ ngồi ngay ngắn, tập trung đón nhận bài học mới. Dám giơ tay phát biểu, đặt câu hỏi với thầy, điểm số cũng đã được cải thiện cao hơn”, thầy Cát thông tin.

Với thầy Cát, tấm bằng tiến sĩ cũng quan trọng nhưng có lẽ quan trọng hơn là mang lại lợi ích gì cho học trò của mình. Có lẽ đây cũng là động lực để suốt 4 năm qua, thầy đã vượt qua thử thách về tài chính, thử thách về kiến thức. Thầy kể, ngoài các giờ dạy trên lớp, cứ rảnh là lại bắt xe khách lên Hà Nội để thực nghiệm bổ sung cho các nghiên cứu của mình. Thậm chí, thầy cũng quen với cảnh nhiều tuần liền, mỗi một mình trong những tòa nhà 5-7 tầng cặm cụi làm thực nghiệm mỗi cuối tuần.

Đề tài “Nghiên cứu tổng hợp và khảo sát các tính chất của vật liệu nano lai giữa hạt nano kim loại và cacbon nhằm ứng dụng trong cảm biến môi trường”, thầy Vũ Văn Cát đã có 3 công bố tại các hội nghị khoa học trong nước và hội nghị khoa học Quốc tế, có 3 bài báo công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Trong đó có 2 bài ISI đăng trên tạp chí Quốc tế Materials Today Communications (tạp chí thuộc Q2) với vai trò là tác giả chính, 1 bài trên tạp chí Q1 là đồng tác giả.

MỚI - NÓNG