Thầy giáo nghèo xóm Chợ

Thầy giáo nghèo xóm Chợ
Cất những bước đi đầu đời bằng hai tay, nhưng đôi tay ấy không chỉ nâng đỡ anh sống, mà còn giúp anh đem đến con chữ cho học trò nghèo, và mang vinh quang cho cả miền đất nghèo đầy nắng gió Quảng Trị.

“Thằng Hoàn nghe nói mới ra Hà Nội dự hội gì to lắm, khi về còn mang cả tấm bằng khen của trung ương nữa đó. Tội nghiệp Hoàn, nếu không bị chất độc da cam thì…” - ông già ngồi sửa xe ngay đầu chợ Đông Hà khái quát đầy vẻ tự hào, cùng tiếng thở dài đầy tiếc nuối khi chỉ đường cho chúng tôi.

Mới từ Hà Nội về buổi sáng, anh Trần Quốc Hoàn (phường 1, thị xã Đông Hà, Quảng Trị) đã lăn xe cút kít khắp cả xóm Chợ và xóm Vạn để nhắn mấy đứa học sinh ngày mai qua học tiếp. Mãi đến quá trưa mới thấy anh về, người nhễ nhại mồ hôi.

Con đường học dừng lại ở ngưỡng cửa đại học vì cái nghèo khổ và cũng vì đôi chân vô dụng, nhưng từ khi học lớp 9, Hoàn đã bắt đầu manh nha thực hiện đam mê của mình. Hoàn viết tiếp truyền thống gia đình anh là người con thứ sáu đứng trên bục giảng.

Nhưng khác những giáo viên trong gia đình, lớp và trường của anh đặt ngay tại nhà mình. Anh dạy cho những đứa trẻ nghèo một chữ bẻ đôi chưa biết, cho đến những em học giỏi nhưng không có điều kiện để được học thêm.

Nhận tấm bằng tốt nghiệp cấp ba, Hoàn vội xin bố mẹ cho mượn hiên nhà và nhờ hai cụ mua thêm mấy miếng tôn lợp vào làm một lớp học tạm bợ. Cha mẹ vẫn chưa khỏi kinh ngạc về đứa con thua thiệt của mình. Nghe Hoàn bày tỏ tâm sự về mơ ước được tiếp bước bố mẹ, anh em làm người thầy, ông Khả chỉ còn biết động viên: “Cố gắng lên con! Thiếu gì ba mẹ cũng có thể giúp con. Đừng lo”.

Lớp học chính thức mở ra, ngay lập tức bọn trẻ từ đứa mới hôm nào còn theo cha mẹ giăng lưới trên sông, rồi mấy đứa chỉ biết lấy đường phố làm nơi mưu sinh... đã được cắp sách, đã được làm cô cậu học sinh như bao nhiêu bạn đồng trang lứa.

Thằng cu Anh, cu Em sau thời gian học lớp tình thương của anh giờ đã có thể đọc báo cho cha mẹ các em nghe. Còn thằng Toàn mấy năm liền liên tục là học sinh giỏi của trường...

Căn nhà đơn sơ của gia đình anh trở nên chật chội hơn khi tiếp nhận dạy chữ cho hơn 20 em học sinh. Mấy hôm nay anh đang lo có vài bộ bàn ghế cũ từ năm anh học lớp 9 đến giờ đã quá xụp xệ, sợ không tồn tại đến mùa đông này...

Lớp học nghèo nàn là vậy nhưng anh vui lắm, vì “Mình đã thực hiện được một nửa đam mê của mình rồi. Mình không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội nữa, mình đã sống một cách có ích”.

Thấy con cái mình có được cái chữ, lại thấy mấy đứa chăm ngoan, học giỏi hơn nên ở cái xóm nghèo này, phụ huynh biết ơn thầy lắm. Như mẹ của cu Anh bán cháo ở chợ buổi sáng nào cũng bê vào một tô cháo to tướng để thầy bồi bổ sức khỏe. Rồi có phụ huynh bán rau quả trong chợ hôm nào cũng để dành cho thầy bó rau thật xanh...

Một nửa của niềm đam mê

Thầy giáo nghèo xóm Chợ ảnh 1

Các em học sinh giúp anh Hoàn và con trai leo lên dốc vào nhà - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Anh yêu thể thao, và một nửa đam mê của anh là đây. Sau khi vào đội tuyển thể dục thể thao dành cho người khuyết tật của thị xã, anh Hoàn đã bắt đầu được tham dự các hội thao của người khuyết tật trong toàn quốc.

“Được đi ra Hà Nội, rồi vào Sài Gòn gặp gỡ những người cùng cảnh giống mình, nhiều người còn thiệt thòi hơn mình, vậy nhưng họ cũng đã sống thật vui và có ích cho cộng đồng. Chính đó là một động lực giúp mình sống vui hơn” - anh Hoàn bộc bạch.

Năm 2001, anh tham dự đại hội thể dục thể thao dành cho người khuyết tật với nội dung xe lăn. Lần đầu tiên tham gia một hội thao lớn như vậy nhưng Hoàn đã ẵm về huy chương đồng cho đoàn Quảng Trị. Hoàn đã phá kỷ lục quốc gia trong nội dung ném lao vào năm 2003 tham dự Paragames.

Trong căn nhà Đại đoàn kết được Sở Điện lực tặng, treo đầy những tấm huy chương và bằng khen về thành tích thể thao của anh. Hoàn tiết lộ anh đang sở hữu 12 huy chương vàng, gần 20 huy chương bạc và 8 huy chương đồng.

Với những nỗ lực ấy, ngày 3/10/2006, anh đã được Bí thư Trung ương Đoàn Nông Quốc Tuấn trao tặng bằng khen "Thanh niên sống đẹp". Hoàn là đại biểu duy nhất của tỉnh Quảng Trị nhận bằng khen này.

Xung kích trong các công tác của cộng đồng là vậy, nhưng trong cuộc sống thường nhật anh đang phải đương đầu với những thử thách của cơm áo. “Mình được hỗ trợ tiền nạn nhân chất độc da cam nên cũng đủ chi trả tiền học cho hai đứa nhỏ. Còn thu nhập chính thì nhờ vào gánh chè của vợ thôi”.

Chị Ngân - vợ anh - hàng ngày vẫn gánh gánh chè qua khắp các phố để kiếm đủ tiền nuôi bốn miệng ăn. Thế nhưng đang vào mùa mưa, lại sắp sang đông nên khách hàng ít dần, hàng họ ế ẩm. Mấy hôm nay chị chỉ quanh quẩn ở nhà.

Dù vất vả là vậy, nhưng anh Hoàn chỉ có một mơ ước nhỏ: “Mong sao các em học sinh nghèo ở quê mình có đủ sách vở, bút mực để chúng nên người...”.

Theo Đoàn Cường - Trần Hòe
Báo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG