Thầy giáo vùng biên viễn đi chợ nấu ăn miễn phí cho sĩ tử

Thầy Hoàng Khắc Tuấn chỉ dạy sĩ tử ôn bài tại phòng trọ trước khi đi thi.
Thầy Hoàng Khắc Tuấn chỉ dạy sĩ tử ôn bài tại phòng trọ trước khi đi thi.
TPO - Lâu nay tại miền sơn cước huyện Quế Phong (Nghệ An) ngôi nhà trọ có 2 dãy, 17 phòng của thầy Hoàng Khắc Tuấn (Giáo viên trường THPT Quế Phong) là địa chỉ quen thuộc của học sinh bản địa. Đặc biệt, vào thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, dãy trọ miễn phí này trở nên nhộn nhịp hơn.

Cuộc sống của học sinh vùng cao biên giới Quế Phong còn nhiều khó khăn. Để cho con có tiền ăn, học, phụ huynh phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bám vào từng tức đất trên rẫy. Những rặng ngô xanh mướt, những gùi măng trên rừng là thu nhập chính của bố mẹ, dành dụm cho tương lai của con.

Là một giáo viên nên thầy Hoàng Khắc Tuấn hiểu thấu được những vất vả, gian truân của con người nơi đây. Trăn trở bao đêm, thầy Tuấn quyết định dùng số tiền tiết kiệm của mình để xây dựng nhà trọ cho học sinh trường THPT Quế Phong.

Từ đó, 2 dãy nhà, 17 phòng trọ được cho thuê với giá rẻ, phù hợp với trang trải của phụ huynh, học sinh. Tháng cuối cùng của năm học, thầy Tuấn miễn giảm tiền trọ cho học sinh khó khăn, đồng thời thông báo trên các trang mạng xã hội cho học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia được ở miễn phí. 

Thầy Hoàng Khắc Tuấn chia sẻ: “Đối với người nông dân đồng bào vùng cao, việc nuôi con ăn học suốt 3 năm cấp III đã là một nỗ lực. Tôi đồng cảm cho hoàn cảnh của các em nên muốn tạo điều kiện, giúp đỡ các em yên tâm về chỗ nghỉ trong 3 ngày vượt “ải vũ môn” quan trọng này”. 

Đi vào nhà trọ, chúng tôi bắt gặp những thí sinh đang miệt mài ôn luyện lại bài, vở cho môn thi Toán chiều nay. Để thí sinh thoải mãi, tập trung và đảm bảo sức khỏe nên thầy Tuấn đã đầu tư thêm mỗi phòng/1 cái quạt điện. Cái nắng nóng nơi vùng biên viễn vì thế được xoa dịu phần nào.

Em Hà Thị Nga cho biết: “Vì hoàn cảnh gia đình nên em cùng với 2 người bạn đến xin phép thầy Tuấn được ở miễn phí để tham gia kỳ thi. Nhà em ở bản Xan, xã Tri Lễ, cách điểm thi khoảng 30km. Thấy em và bạn được ở trọ nhà thầy nên bố, mẹ yên tâm lên rẫy”.

Cũng có hoàn cảnh khó khăn như em Nga, nhà lại xa phố huyện, em Vi Văn Sơn, ở bản Mòng 2 (xã Cắm Muộn) đã ở trọ nhà thầy Tuấn suốt 3 năm qua. Được thầy thường xuyên chỉ bảo nên cậu học trò dân tộc Thái có học lực khá.

“Để chuẩn bị cho kỳ thi này nên em ôn luyện rất kỹ càng các môn. Ước mơ của em là xét tuyển đậu vào trường Học viện Sỹ quan Lục quân 1. 3 năm nay, thầy Tuấn còn là người anh, người cha của em. Em sẽ cố gắng đạt thích tích cao để không phụ lòng thầy trông đợi”, em Sơn cho biết thêm. 

Từng trải qua cuộc sống sinh viên ngành sư phạm Ngoại Ngữ (Đại học Vinh) nên thầy Tuấn còn lo tốt chuyện nội trợ. Không chỉ miễn phí nhà trọ, sinh hoạt, thầy Tuấn còn chăm lo cho các em bữa ăn.

“Thuở sinh viên, tôi làm thuê mướn cho người ta để lấy tiền ăn học, có khi làm phụ bếp cho nhà hàng nên nấu ăn khá. Đảm bảo mấy “đứa con mọn” này sẽ hài lòng với trình độ nấu ăn của tôi. Học sinh nghèo, thầy thì không khá giả gì nên bữa ăn của thầy trò quen thuộc với rau xanh, tất nhiên là có ít thịt nữa rồi”, thầy Tuấn chia sẻ thêm. 

Người thầy giáo ấy mấy hôm nay tất bật với việc nội trợ, sáng sớm thức học trò dậy ôn bài lần cuối cho môn thi rồi đi chợ làm bữa sáng. Đến trưa chuẩn bị nước, thức ăn chống đói khát cho các sĩ tử.

Tối đến dặn dò các em đi ngủ đúng giờ giấc, nghiễm nhiên thầy Tuấn trở thành người cha của 20 thí sinh đang tá túc miễn phí tại nhà mình. Niềm vui của thầy Tuấn là nhận tin học trò đỗ tốt nghiệp cấp 3, đi học đại học, và đã có học trò ra trường đi làm, có công ăn việc làm ổn định. Tình thầy trò, tình người nơi miền sơn cước là thế!

MỚI - NÓNG