Thầy Thọ sáng tạo

Thầy Thọ sáng tạo
Thầy Phạm Phú Thọ - Giáo viên Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương TPHCM - trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, vậy mà dẫn dắt học sinh đi thi tay nghề cấp thành phố, cấp quốc gia đều đoạt giải nhất, nhì.
Thầy Thọ sáng tạo ảnh 1
Thầy giáo Phạm Phú Thọ (giữa) hướng dẫn học sinh tại phòng thực hành mô phỏng quá trình sản xuất- Ảnh: Tuổi Trẻ.

Dự Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 7 (diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 11 - 19/11/2008) với mục tiêu “học hỏi là chính”, vậy mà học trò của thầy lại giành được huy chương đồng.

Điều đáng nói là học sinh của thầy dự thi từ trường trung cấp duy nhất tại hội thi, trong khi thí sinh khác đều học cao đẳng, đại học. Khi dự thi ở Việt Nam, học trò của thầy chỉ đang học hệ công nhân kỹ thuật của trường. Đến trước khi dự Hội thi tay nghề ASEAN, học trò của thầy mới học xong chương trình đào tạo bổ sung lên hệ trung cấp nghề.

Phát huy sáng tạo của học sinh

Trong giờ dạy của mình, thầy Phạm Phú Thọ đều muốn người học là trung tâm và học là một quá trình phát hiện kiến thức chứ không chỉ đơn thuần truyền đạt thông tin từ người thầy đến học trò.

Sáng tạo ở đây là cho học sinh chủ động hơn trong việc tiếp cận công nghệ mới. Dựa vào yêu cầu thực tế, thầy gợi mở, cung cấp những kiến thức cơ bản, những công cụ cần thiết để học sinh chủ động nghiên cứu.

Học sinh sẽ lập nhóm để tiến hành thảo luận và đưa ra giải pháp tiếp cận công nghệ tốt nhất, nhanh nhất. Chính việc thảo luận đó làm học sinh nhớ rất lâu, thầy chỉ là người kết luận cuối cùng.

“Tôi để học sinh suy nghĩ nhiều hơn, không phải tôi truyền bao nhiêu kiến thức thì các em chỉ nhận được bấy nhiêu mà đòi hỏi các em phải chủ động sáng tạo, có như thế mới trở thành thợ giỏi, thợ lành nghề sau này” - Thầy Thọ nói.

Thầy cho biết vừa qua khi đưa học sinh đi thi tay nghề ASEAN, nếu không có tính gợi mở, sáng tạo thì học sinh sẽ không làm được do đề thi hoàn toàn khác lạ với những gì học sinh đã được biết. Tuy học sinh làm khá tốt bài thi và đoạt huy chương đồng nhưng thầy vẫn tiếc vì còn một vài lỗi kỹ thuật học sinh chưa hoàn thiện nên bị trừ điểm.

Đòi hỏi học sinh chủ động một thì thầy phải chủ động mười vì phải chuẩn bị công phu tư liệu cho bài giảng, soạn giáo án điện tử và tạo ra mô hình để học sinh thực tập.

Một buổi học có năm tiết thì hai tiết đầu là thảo luận, các tiết sau thực hành ngay trên mô hình đúng với những gì học sinh đã thảo luận trước đó. Ngoài ra, để có nhiều mô hình cho học sinh thực tập, thầy mày mò nghiên cứu mô hình máy tự động trong các xí nghiệp và chế lại.

Thầy Thọ tâm sự: “Để học sinh thực tập nhiều như vậy nhằm giúp sau này các em ra trường không bị bỡ ngỡ”.

Không những thế, từ một hệ thống chuyên thực hành tự động hóa và cơ điện tử nhập từ Đức với giá thành khoảng 2 tỷ đồng, thầy Thọ đã chế ra nhiều mô hình tương tự mới đủ cho học sinh thực tập.

“Do hệ thống này chỉ đủ cho 10 - 15 học sinh thực tập, như vậy khi học sinh này làm thì học sinh khác sẽ ở không, rất mất thời gian và không theo kịp chương trình. Hơn nữa, với giá thành đắt như vậy thì trường không thể mua nổi nên tôi chế ra mô hình và chỉ mất khoảng 30 triệu đồng một mô hình. Vị chi một lớp có 60 em thì chỉ tốn 120 triệu đồng” - Thầy Thọ nói.

Thêm nữa, khi nhập hệ thống về, ngoài thiết bị phải mua, tài liệu có bản quyền thì mới nghiên cứu giảng dạy được.

Làm thêm, học thêm để tích lũy kiến thức

Thầy Thọ sáng tạo ảnh 2Dạy nghề là dạy thuần thục một nghề, nên tôi muốn giúp học sinh định hướng cuộc sống. Học nghề vẫn thành công trong cuộc đời và cả trên đấu trường quốc tế, nếu như ai yêu thích nó và muốn có một việc làm ổn địnhThầy Thọ sáng tạo ảnh 3

Thầy Phạm Phú Thọ

Phạm Phú Thọ sinh ra trong gia đình lao động nghèo ở Bến Tre, cha làm bảo vệ, mẹ ở nhà nội trợ, hai chị và anh đều chỉ học đến lớp 9 thì bỏ ngang để đi làm thêm. Không muốn người con trai út cũng phải lỡ dở nên ba mẹ Thọ mong muốn con mình học cao hơn để cuộc sống về sau được khá giả.

Đáp lại nguyện vọng này, Thọ thi đậu vào ngành vật lý của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM. Tốt nghiệp chuyên ngành tự động hóa năm 2002, Thọ về công tác tại Trung tâm Dạy nghề quận 5, nay là Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương.

Song song với việc giảng dạy, thầy Thọ còn chế tạo nhiều máy móc cho các Cty, xí nghiệp, vừa có cơ hội nghiên cứu và để thuần thục tay nghề, vừa để có thiết bị cho học sinh thực tập, lại có thêm thu nhập...

Thầy Thọ đã tham gia chế tạo máy cán tôn (cắt tự động), máy ép nhựa, máy bảo quản sản phẩm nông nghiệp, máy phun sơn tự động, máy cắt bánh tự động... cho các Cty bánh kẹo Phạm Nguyên, nhựa Tân Hiệp Lực, tôn Hoa Sen...

Ông Trần Văn Hải - Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - cho biết, Phạm Phú Thọ là giáo viên trẻ biết sáng tạo trong đổi mới chương trình, nội dung và biết áp dụng phương pháp tiếp cận hóa người học.

Thầy Thọ đã giúp trường tiết kiệm chi phí và chế tạo nhiều trang thiết bị cho học sinh, cũng như tự hoàn thiện mình bằng kinh nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất để cập nhật nội dung đào tạo phù hợp.

Thầy Thọ là một trong những chuyên gia trẻ nhất của Việt Nam và là chuyên gia trẻ nhất ngành cơ điện tử của các nước ASEAN tại Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 7 ở Malaysia.

Hiện, thầy giáo tròn 28 tuổi đam mê dạy nghề này đang thuê nhà sống ở quận 8 và đã có con trai 1 tuổi. Thầy chuẩn bị hoàn thành chương trình thạc sĩ tự động hóa của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Và thầy đang chuẩn bị cho hội thi tay nghề thế giới diễn ra tháng 9/2009 tại Canada.

Theo Quốc Dũng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".