Thầy tôi và cách dạy văn kỳ lạ…

Thầy tôi và cách dạy văn kỳ lạ…
Tôi còn nhớ cách thầy dạy chúng tôi viết văn, một cách dạy có thể nói là “có một không hai” trên đời. Thầy quy định, trong tất cả các đoạn văn viết, không có câu nào quá 6 chữ.
Thầy tôi và cách dạy văn kỳ lạ… ảnh 1
Ảnh minh hoạ: Tuổi trẻ

Tôi học tiểu học tại trường làng. Ngôi trường luôn in đậm trong tôi, không chỉ khung cảnh đã gắn liền với thời tuổi thơ, mà vì nơi đó có một người thầy mà tôi vô cùng yêu kính.

Vì là trường nhỏ ở huyện nên thường một người thầy sẽ gắn với học sinh rất nhiều năm. Thầy dạy chúng tôi 2 năm, lớp 4 và lớp 5. 

Khi vào lớp 4, chúng tôi bắt đầu tập tành viết từng đoạn văn nhỏ. Thoát được chuyện cứ phải “còng lưng” gò chữ trên trang giấy, trẻ con mà, chúng tôi rất thích. Thế nhưng, thầy đưa ra một quy định kỳ dị: Trong tất cả các đoạn văn viết, không có câu nào quá 6 chữ.

Tất cả chúng tôi phải ngồi “khổ sở” cắt sửa câu từ sao cho thật gọn nhất. Những từ thừa thãi như “thì”, “là” được tối đa hạn chế để giảm độ dài của câu. Tuy nhiên cũng rất khó khăn. Hoàn thành một đoạn văn lúc đó đối với chúng tôi là cả một kỳ công vì phải suy nghĩ và chải chuốt rất “dữ dội” để không phạm quy, vì nếu phạm quy thì bị “khẻ” vào tay. Mà trẻ con thì đứa nào cũng sợ chuyện đó.

Đương nhiên, thầy không thả rong chúng tôi tự làm việc mà ngấm ngầm hướng dẫn cho từng người về cách thức. Một số đứa bạn tôi có sách mẫu một số bài tập làm văn thế nhưng cũng vô ích vì không thể cắt gọt gì được trong đó. Chúng tôi buộc lòng phải đi tìm đọc rất nhiều sách để nâng cao khả năng diễn đạt của mình.

Qua học kỳ một, chúng tôi bắt đầu được dạy cách viết một bài văn, thế nhưng cả một bài dài vẫn chỉ là những câu văn 6 chữ. Văn lúc đó chúng tôi viết không bay bướm, và vì tìm cách diễn đạt “quá kỹ”, thành thử ra sản phẩm thường nằm một trong các khả năng: thứ nhất, tập hợp của những câu đơn, có nghĩa nhưng nghe rất là chán; thứ hai, muốn nghe trơn tru hơn thì phải chấp nhận bị phạt vì có những câu dài hơn 6 chữ.

Kết thúc năm lớp 4 với những bài văn chứa những câu văn dài 6 chữ. Đến ngày đi thi, chúng tôi được cởi “gông”, thế nhưng do đã quá quen, thành thử ra chẳng đứa nào viết câu dài hơn.

Lên lớp 5, chúng tôi được nới rộng “gông” thành 7 chữ và sang học kỳ 2 là 8 chữ. Văn chương lúc này đã có khá hơn, nhưng vẫn là tập hợp của những câu đơn. Ai cũng một tâm lý nên tiết kiệm chữ để còn diễn đạt ý.

Hết năm, khi đi thi hết cấp, chúng tôi được cởi bỏ “gông” hoàn toàn, và thật ngạc nhiên, nếu xét về mức độ văn hay thì lớp chúng tôi không có gì nổi bật, thế nhưng điểm bình quân toàn lớp lại cao vào loại nhất nhì trường.

Cũng may, chúng tôi lúc đó đều là trẻ con nên không thấy việc bị thầy “ép” là một điều gì “ghê gớm” mà ngược lại, đứa nào cũng lo răm rắp làm theo để khỏi bị phạt. Chính nhờ “may mắn” đó mà chúng tôi được trang bị những khả năng lớn từ văn học mà chúng tôi mãi sau này mới hiểu được. 

Thầy đã tặng cho chúng tôi khả năng phân tích và diễn đạt ý tưởng. Chính nhờ những câu đơn 6 chữ, 7 chữ mà chúng tôi phải luôn tự mình tìm cách diễn đạt ý mình một cách gọn nhất, và đương nhiên người khác cũng phải hiểu được.

Khả năng nói trước đám đông cũng mạch lạc, vì với bất cứ chuyện gì, chúng tôi cũng đã quen với việc phải tự mình chỉnh lý câu từ, giảm bớt những từ thừa thải, không cần thiết.

Văn chương chúng tôi không bay bướm (vì không đủ độ dài cần thiết), thế nhưng mức độ rõ ràng và mạch lạc thì không có gì bàn cãi. Chúng tôi hiểu thêm được một giá trị của cái môn “tập làm văn” hình như là nỗi ám ảnh cho rất nhiều học sinh bây giờ.

Khi có dịp họp mặt bạn bè, nhắc đến thầy, chúng tôi chỉ có hai từ để nói: kính trọng, yêu quý. Rất tiếc, thầy đã ra đi khi chúng tôi đã trưởng thành, có đứa là nhà văn cũng có thằng là kỹ sư, bác sĩ. Tôi tin chắc rằng, bao nhiêu thế hệ học sinh trưởng thành dưới bàn tay thầy đều có chung một tình cảm đó. 

Theo Thuỳ Trân
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG