Thầy trò Xô - Việt: Khóc, cười ngày gặp lại

Thầy trò Xô - Việt: Khóc, cười ngày gặp lại
TP - Có những giọt nước mắt chảy giữa nụ cười hân hoan của những tốp thầy trò gặp lại sau hàng chục năm xa cách, nhưng cũng có những gương mặt u uẩn nỗi buồn được nén vào trong khi ngày gặp lại của riêng mình vẫn là giấc mơ...

Những hình ảnh trái ngược nhau đó cùng xuất hiện trong chương trình giao lưu Thầy trò Ngày gặp lại do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tối 17-1, tại Hà Nội.

Thầy trò Xô - Việt: Khóc, cười ngày gặp lại ảnh 1
Gặp gỡ những người thầy Xô Viết

Hơn 3.000 người có mặt tại hội trường lớn Trung tâm Hội nghị Quốc gia vừa là những khán giả theo dõi chương trình giao lưu được truyền hình trực tiếp trên VTV3, vừa là những nhân vật tạo nên cuộc giao lưu. Hầu hết trong số họ đều đã từng sống và học tập tại các nước thuộc Liên bang Xô Viết trước đây.

Họ đến với chương trình theo nhiều cách. Có những cặp cụ ông cụ bà líu ríu đi bên nhau, có những đại gia đình hai ba thế hệ ông bà, dâu rể, cháu cùng có mặt. Đa số đến với chương trình thông qua ban liên lạc lớp, khóa học.

Có nhiều gia đình bay từ TPHCM ra nhưng đến Hà Nội thì tạm chia tay, bố đi với bạn của bố, mẹ đi với bạn của mẹ, con có bạn của con... rồi gặp mặt đâu đó giữa cả ngàn người này...

Khi các MC Diễm Quỳnh và Thanh Bạch xướng tên: Matxcơva, Leningrad (tên gọi từng có trước đây của Xanh Pê-téc-bua), Ki-ép, Khác cốp, Ôđetxa, Bacu, Minxk... thì rừng người rùng rùng chuyển động. Họ đứng lên cạnh nhau, có những nhóm cánh tay nắm cánh tay cùng tung cao, tiếng hô hưởng ứng lời hiệu triệu của MC khắp khán phòng.

Qua những phút giao lưu náo nhiệt, họ lại ngồi lặng lẽ, khóc cười cùng những nhóm nhân vật đại diện cho 52.000 người Việt Nam đã từng sống, học tập, làm việc tại các nước thuộc Liên bang Xô Viết đang gặp gỡ với các thầy, cô cũ của mình.

Có một nhóm nhân vật khác, tuy chỉ chiếm một số rất nhỏ trong ba ngàn người, nhưng họ là nguồn khơi gợi dòng ký ức dào dạt cho tất thảy những ai đã từng học ở Liên Xô. Họ là các thầy cô giáo Xô Viết được mời sang giao lưu.

Chương trình là một chuỗi các cuộc gặp mặt giữa những nhóm nhỏ thầy - trò xen kẽ các phóng sự được Truyền hình Việt Nam thực hiện tại Nga và Ucraina.

Theo chủ ý của ban tổ chức, một số nhóm trò sẽ không được báo trước có được gặp lại thầy, cô của mình hay không. Điều này khiến cuộc giao lưu có những cao trào đầy xúc động. Một nhóm nữ cựu lưu học sinh đang nghẹn ngào kể về những kỷ niệm với cô giáo của mình thì chợt sững sờ khi cô giáo xuất hiện. Những giọt nước mắt, những nụ cười hân hoan, những vòng tay ôm ghì của họ trong phút chốc như quên bẵng sự hiện diện của người dẫn chương trình.

Song không phải ai cũng toại nguyện. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, bà Chí Linh – những người vốn trong đội 100 thiếu nhi đầu tiên được Bác Hồ gửi sang Liên Xô học chỉ được thấy hình ảnh cô bảo mẫu của mình trên video clip vì cô quá yếu, không thể vượt chặng đường 10.000 km sang dự giao lưu.

Có một nhóm cựu lưu học sinh ngậm ngùi khi biết thầy giáo của mình đã mất trước khi chương trình kịp diễn ra. Điều an ủi còn lại là thầy đã kịp chuyển lời chào tới những sinh viên cũ người Việt Nam của mình vào tháng 9-2009, khi nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam sang tìm thầy.

MỚI - NÓNG