"Thầy và trò thời tại chức”: Nhạy cảm và tế nhị...

"Thầy và trò thời tại chức”: Nhạy cảm và tế nhị...
TPCN - Việc học tại chức và những câu chuyện bên lề của nó đã trở thành vấn đề được bàn tán rất nhiều. Tuy nhiên, bài “Thầy và trò thời tại chức” và  “Một pha vào bóng ác ý” đã làm tôi rất quan tâm.
"Thầy và trò thời tại chức”: Nhạy cảm và tế nhị... ảnh 1
Sinh viên tại chức thời nay. Ảnh: Vietnamnet

Chia sẻ ý tưởng và khá tâm đắc với bài viết “Thầy và trò thời tại chức” của tác giả Nguyễn Hòa, tôi thấy có mấy điều muốn trao đổi cùng Tiến sĩ Nguyễn Thế Hinh xung quanh bài viết “Một pha vào bóng ác ý”.

A. Trước hết, về vấn đề quan niệm mà T.S Hinh đã đề cập đến trong bài viết.

Tôi cho rằng T.S Hinh đã hơi nặng nề và thiếu khách quan khi nhận xét. Không thể lấy suy nghĩ của Nguyễn Hòa về anh bạn mình để khẳng định Nguyễn Hòa “… quan niệm giảng viên đại học chỉ loanh quanh ở giảng đường đại học”.

Nguyễn Hòa nói như thế hoàn toàn là suy nghĩ về cá nhân một con người cụ thể “cứ tưởng anh chỉ loanh quanh với giảng đường đại học” chứ đâu có viết “Giảng viên ngày nay chỉ biết loanh quanh với giảng đường đại học” ?

Hơn nữa, trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học kỹ thuật ngày càng tiên tiến, việc nâng cao tri thức, cập nhật thông tin không nhất thiết phải đi xa, đi nhiều.

Khi cả thế giới có thể thu nhỏ vào chiếc máy tính nối mạng Internet, cũng như mọi người, giảng viên có thể không phải đi nhiều mà vẫn có thể phát triển mình kia mà. Cách nói như N.H âu cũng là điều hết sức bình thường, dễ hiểu. Liệu có nặng nề quá không khi cho rằng đó là sự “coi thường nghề giáo viên”?

Ở nước ta không thiếu gì những người ưa chuộng tại chức hơn cả chính quy, tuy rằng nó chỉ tồn tại ở một bộ phận trong xã hội. Phải chăng tác giả đã phiến diện khi cho rằng không ai muốn học tại chức hơn chính quy ? (!).

Đã đành có rất nhiều người vì không có khả năng học chính quy nên mới phải thi tại chức. Nhưng thiếu gì những kẻ do lười biếng, ham chơi, ỷ lại, những cậu ấm cô chiêu dựa vào quyền thế của bố mẹ, chỉ chăm chăm đợi hết lớp 12 rồi vào một lớp tại chức nào đó dù họ hoàn toàn có thể thi chính quy bằng khả năng của mình.

Đó là lệch lạc trong suy nghĩ, cũng chính là những biểu hiện suy thoái về mặt lý tưởng của không ít người - đặc biệt trong giới trẻ hiện nay.

Ngay trong bài viết của mình, tác giả cũng đã tự mâu thuẫn về quan niệm. Tác giả cho rằng “không có ai đi học mà không phải lọ mọ cắp sách đến trường” rồi ngay sau đó lại thừa nhận “đành rằng cũng có người đi thuê đến lớp”. Khi một người đã thuê người khác học hộ thì chẳng rõ ràng là họ không phải đến lớp hay sao?

Quan niệm là ý kiến riêng của mỗi người trước một vấn đề nào đó. Nguyễn Hòa cũng có cùng quan niệm với một số người khác - điều đó bắt nguồn và nảy sinh từ thực tiễn xã hội. Khi quan niệm phản ánh đúng những gì đang diễn ra trong xã hội thì ông Hinh không thể đánh giá đó là “những cái sai cơ bản” được.

B. Về những tình tiết trong bài báo.

Tôi thấy T.S Hinh còn khá nhiều điểm bất cập kể từ cách hiểu cho tới cách nhìn nhận các chi tiết mà Nguyễn Hòa đã nêu :

Đoạn Nguyễn Hòa viết “Có một thầy đến nơi nghỉ mát còn hỏi : Thủ trưởng cậu đưa tớ đến đây để… ngủ à?”. Bạn đọc có thể rất dễ dàng nhận ra “Thủ trưởng” ở đây chính là học viên, còn “cậu” là nhân viên dưới quyền được học viên này sai đi lo chuyện nghỉ mát cho thầy.

Vậy mà T.S Hinh lại có thể hiểu là “trước hết, không thể có vị thủ trưởng nào của học viên lại sốt sắng đến mức đi mời thầy giáo của nhân viên mình đi nghỉ mát cả” thì thật là… khó hiểu!

Còn những tình tiết khác mà tác giả phản đối, cho rằng không có, thì e rằng chỉ phù hợp với thời kỳ trước mà không còn hợp với sự thay đổi của xã hội hiện nay. Chuyện mua sách giáo khoa, chuyện mừng đám cưới…, tác giả cho rằng học viên biết quyền của mình.

Nhưng hỡi ôi! Đây lại là lĩnh vực quá ư nhạy cảm và đầy tế nhị. Chúng ta thừa nhận học viên biết rất rõ  “quyền” không làm những việc ấy, nhưng cũng chính họ lại biết rõ hơn ai hết họ sẽ được cái “lợi” như thế nào nếu họ làm!

Chuyện mỗi người đóng quỹ lớp 200 nghìn mỗi tháng, học viên lo vé máy bay cho thầy, nhậu nhẹt… mới nghe qua thì cũng thấy khó tin, nhưng thiếu gì những chuyện được gọi là “hy hữu” mà vẫn diễn ra hàng ngày – Ai tin được có vụ tai nạn giao thông vì thòng lọng là… dây cáp điện thoại?

Ai tin được có bà già 80 tuổi bắt được công an nhận mãi lộ? Ai tin được một ông hiệu trưởng trường đại học sư phạm lớn nọ lại có những sai phạm “tày đình” đã bị báo chí phanh phui trong thời gian gần đây?…

Vậy mà vẫn có đấy. Nó diễn ra như là những “Chuyện lạ Việt Nam”. Có những chuyện như thế thì việc nhậu nhẹt, hỏi đề thi, hướng dẫn cách đánh dấu… đâu còn là chuyện khó hiểu, khó tin.

Có lẽ là một người trong nghề, đã từng nhiều năm tham gia công tác giảng dạy, nhiều năm đi dạy tại chức, với lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo chân chính, T.S Hinh thấy đó là những chuyện khó xẩy ra. ý kiến của ông có thể đúng trong những năm trước đây khi đất nước ta còn nghèo, nền kinh tế trì trệ, quan liêu bao cấp.

Nhưng hiện nay chúng ta đang ở trong thời kinh tế thị trường với những tác động rất tích cực về kinh tế song mặt trái cũng hết sức khủng khiếp. Nhân cách con người rất dễ bị tha hóa, các mối quan hệ thuần đạo đức trước đây thì nay đã nhuốm sắc của đồng tiền.

Con người chỉ tha hóa khi họ có những điều kiện để tha hóa. Điều đó cắt nghĩa vì sao những năm trước đây thì chưa thể, mà phải đến bây giờ mới có câu chuyện “Thầy và trò thời tại chức”.

Nhân đây, cũng xin bàn thêm về ý kiến của T.S Hinh khi ông cho rằng “… khi đã chỉ ra cái xấu, cái sai, phải có họ tên, địa chỉ rõ ràng chứ không thể bâng quơ như thế thì chỗ nào cũng nói được…”.

Báo chí ngoài mảng viết về mặt tích cực của đời sống xã hội : nêu gương tốt, điển hình tiên tiến, tuyên truyền,… còn có mảng hết sức quan trọng là đấu tranh chống lại, lên án, phê phán các hiện tượng tiêu cực của xã hội.

Nêu tên, địa chỉ của những gương người tốt, việc tốt thì quá dễ dàng. Song để có tên, địa chỉ về tiêu cực thì đối tượng của bài viết phải là cá nhân, tổ chức cụ thể có hành vi vi phạm cụ thể.

Đây là khó khăn của các nhà báo mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu. Với “Thầy và trò thời tại chức” – là một chủ đề tương đối bao quát với phạm vi rộng, mà tác giả đòi hỏi tên, địa chỉ thì… khó lắm thay!

Theo tôi, “Thầy và trò thời tại chức” là bài viết mang tính thời sự, hoàn toàn không phải là “Một pha vào bóng ác ý”. Nêu ra, phê phán tiêu cực ngày hôm nay – từ khi nó chưa phải là phổ biến để phòng ngừa một vấn nạn cho xã hội ngày mai là một mục tiêu cao đẹp mà các nhà báo luôn hướng tới. Tôi tin như thế. Và tôi chờ sự trở lại của Nguyễn Hòa về chủ đề này trong những bài viết lần sau.

Lê Tiến Quân

(15b/4 Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê - Tây Hồ)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.