Chống tiêu cực trong ngành giáo dục:

Thêm một thầy giáo gửi tâm thư cho Bộ trưởng

Thêm một thầy giáo gửi tâm thư cho Bộ trưởng
TP - Trên diễn đàn Edu.net (Bộ GD&ĐT), nick name NguyenThiNo có một bài viết với tiêu đề “Kính gửi Bộ trưởng”, bày tỏ những trăn trở trong nghịch lý thiết bị thừa nhưng thiếu ở môi trường giáo dục đại học.

Chiều 30/10, nick name đó công khai danh tính. Tiền phong có cuộc phỏng vấn với anh:

Thưa anh Nguyễn Tiến Dũng, lý do gì khiến anh có bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT?

Thực tế, bức thư này tôi không gửi trực tiếp cho Bộ trưởng mà gửi qua diễn đàn Edu.net. Đây là nơi chúng tôi- những người làm trong ngành GD&ĐT, những người quan tâm tới sự nghiệp trồng người - thường “xả” những bức xúc mà mình mắt thấy tai nghe với mong muốn thay đổi được chút gì đó.

Trở về với bức thư này, nó được tôi viết ra bởi những chất chứa trong lòng, bởi những nỗi đau xót khi nhìn thấy tiền của Nhà nước đang bị lãng phí trong việc mua sắm thiết bị phục vụ giảng dạy.

Trong khi đó, thực tế thì thiết bị thiếu rất nhiều. Tôi có ý định giấu tên, nhưng phóng viên một tờ báo mạng lại biết tôi, thuyết phục để tôi công khai danh tính.

Vậy anh đã sẵn sàng đối đầu với những hệ lụy từ bức thư này?

Tôi chẳng có gì để sợ, bởi những gì tôi nói là sự thực.

Anh có thể nói cụ thể hơn?

Trước hết, sự đầu tư thiếu hiểu biết khiến cho thiết bị trở nên lãng phí. Tôi cho rằng, đấu thầu là một cách làm tốt để có thể mua được thiết bị tốt. Tuy nhiên, ở trường tôi, người được chấm thầu lại không phải là cán bộ giảng dạy – những người trực tiếp sử dụng thiết bị.

Vì thế, đã nảy sinh những tình huống trớ trêu. Chẳng hạn, chúng tôi đề xuất mua 10 thiết bị, được duyệt 9. Như thế tưởng cũng đã mĩ mãn rồi. Nhưng oái oăm ở chỗ, với dân Hóa chúng tôi, cái cần nhất là thiết bị phản ứng lại không được duyệt.

Không có thiết bị phản ứng thì không có cái để làm ra sản phẩm. Thành thử, 9 thiết bị đã được mua chẳng biết để làm gì!

Ngoài việc đầu tư không đúng yêu cầu của thực tế, còn có tình trạng lãng phí do đầu tư không đồng bộ. Được cái này thì không có cái kia. Trước đây chúng tôi được tặng một máy phổ hồng ngoại nhưng lại thiếu một phần mềm để chạy.

Hàng 5 – 6 năm sau mới kiếm được phần mềm để chạy thì cũng là lúc cái lăng kính bằng muối đã hỏng. Cái quà tặng giá trị lớn (đến cả mấy trăm triệu đồng) đành phải vứt đi dù chưa hề chạy được ngày nào.

Một lãng phí khác, đó là trang bị không xuất phát từ thực tế năng lực của cán bộ.  Xây dựng một phòng thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị trong khi không có người biết sử dụng thì để làm gì? 

Nhiều thiết bị có được nhờ dự án, vì thế, cứ thiết bị tốt, đắt tiền mà mua. Nhưng cán bộ của chúng ta hầu như chưa được đào tạo về sử dụng thiết bị.

Vì thế, mua về rồi thì thiết bị lại nằm “đắp chiếu”. Tôi rất bức xúc về vấn đề này và đã phát biểu ở nhiều hội nghị. Nhưng ngay người trong trường tôi thôi cũng đã nhìn tôi như quái vật.

Họ cho rằng tôi lắm chuyện, cứ nói những việc nhẽ ra cần giữ kín. Vả lại, họ cho rằng, đã là được “cho” thì... (cười).

Phải chăng vì thế mà sinh viên phải học “chay”?

Không, ở khoa tôi không đến nỗi phải để cho SV học “chay”. Chỉ có điều là phải chịu cảnh học nhiều thiết bị rẻ tiền, thiết bị không chuẩn. Mỗi năm trường cho 10 triệu đồng mua thiết bị. 10 triệu đồng thì mua được cái gì? Đành phải mua hàng rẻ tiền, cái thì méo, cái thì vỡ...

Theo anh, để giải quyết tình trạng trên phải làm thế nào?

Cần phải có người chịu trách nhiệm về việc mua sắm trang thiết bị. Đầu tư phải đồng bộ. Cơ chế đấu thầu là tốt, nhưng người chọn thầu phải là người biết dùng thiết bị, người biết đơn vị mình cần thiết bị gì.

Sau khi gửi thư ngỏ cho Bộ trưởng về tình trạng này, anh có nhận thấy có sự điều chỉnh nào không?

Làm gì có chuyện đó! Trên diễn đàn, đầy những ý kiến bức xúc về thực trạng giáo dục nước nhà, nhưng chẳng thay đổi được điều gì cả.

Trước khi thầy Khoa ở Hà Tây, thầy Hoàng ở Nghệ An ghi lại bằng chứng cảnh nhốn nháo trong thi tốt nghiệp THPT, trên diễn đàn Edu.net người ta nói nhiều về tình trạng đó rồi.

Nhưng chẳng một người có trách nhiệm nào có ý kiến gì. Vì vậy, tôi gửi bài lên mạng cũng chỉ với mục đích giải tỏa cho chính bản thân và chia sẻ với những bạn bè tâm huyết trên mạng.

Cảm ơn anh!

Đang trò chuyện với Tiền phong thì chuông điện thoại của anh Nguyễn Tiến Dũng reo. Kết thúc cuộc điện thoại, anh Dũng lại tiếp tục cuộc trò chuyện với Tiền phong.

Trả lời câu hỏi “Xin phép được tò mò đôi chút, có phải “ai đó” đã gọi cho anh?”. Đáp: Tiền phong biết đấy, tôi đã vừa phải trả lời “Không phải em viết về trường mình đâu ạ”.

MỚI - NÓNG