Công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2014:

Thi 4 môn, cách ra đề như mọi năm

Học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông - Hà Nội) trao đổi trước giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Hồng Vĩnh
Học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông - Hà Nội) trao đổi trước giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chiều tối hôm qua, Bộ GD&ĐT đã gặp gỡ báo chí công bố chính thức phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Đây là phương án được điều chỉnh khá nhiều so với dự kiến ban đầu nhằm tiệm cận với hướng sẽ chỉ có một kỳ thi quốc gia với những bài thi có tính tổng hợp trong tương lai. Tuy nhiên cách ra đề năm nay về cơ bản sẽ như mọi năm.

Mỗi buổi thi hai ca

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 có bốn môn thi. Trong đó hai môn bắt buộc là toán, văn; hai môn sẽ do học sinh tự chọn trong số sáu môn còn lại: lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ. Việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp sẽ căn cứ trên hai tiêu chí: kết quả thi bốn môn và kết quả học tập - rèn luyện trong năm lớp 12. 

Bộ sẽ có quy định cụ thể trong quy chế thi và xét tốt nghiệp THPT: điểm thi bốn môn chiếm 50% trọng số, điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 chiếm 50% trọng số. Kết quả học lớp 12 sẽ được đưa vào cơ sở dữ liệu của hội đồng thi trước khi kỳ thi diễn ra và sau đó dữ liệu này không được phép sửa chữa.

Cách ra đề ổn định để tránh gây sốc

Ông Mai Văn Trinh cho biết, việc rút gọn còn bốn môn thi là để tiến tới thực hiện một kỳ thi bốn bài thi mà đề thi kiểm tra được năng lực tổng thể của thí sinh. 

“Bộ GD&ĐT sẽ sớm đưa ra dự thảo đề án đổi mới kỳ thi cho những năm sau mà trong đó việc triển khai làm bốn bài thi thay vì thi từng môn riêng rẽ hiện nay sẽ được áp dụng. Đó là cách tổ chức thi tiệm cận với cách làm của thế giới”, ông Trinh nói. 

Tuy nhiên, dẫu việc ra đề thi những năm về sau có thể sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ nhưng riêng năm nay Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định. Các môn toán, văn, lịch sử, địa lý vẫn thi tự luận; hóa, sinh, lý vẫn thi trắc nghiệm; riêng ngoại ngữ thì năm nay sẽ thêm phần tự luận bên cạnh các câu hỏi trắc nghiệm, phần tự luận chiếm bao nhiêu phần trăm điểm số bài thi sẽ được ban ra đề thi thảo luận và quyết định sau.

“Trong hai - ba năm gần đây Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh việc dạy học theo hướng tổng hợp. Trong đề thi của cả hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ - PV) Bộ đã đưa ra các câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải sử dụng các kiến thức tổng hợp và các kiến thức xã hội để giải quyết vấn đề. 

Hướng này sẽ được tiến hành dần từng bước, từ đơn giản đến phức tạp, từ nông đến sâu, từ diện hẹp đến diện rộng, để đến một lộ trình nào đó việc đổi mới phương pháp dạy học phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp thì chúng ta sẽ tiến tới mục tiêu chuyển từ bốn môn thi thành bốn bài thi”, ông Trinh nói.

Ông Trinh còn khẳng định, trong việc ra đề thi năm nay Bộ chủ trương không gây sốc, không làm khó cho các trường và học sinh. Đề thi sẽ chỉ gồm các dạng câu hỏi mà các em đã được tiếp cận trong quá trình học, ôn tập.

Còn ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, thật ra từ đầu năm học Bộ đã hướng dẫn các địa phương chỉ đạo các trường phải cho học sinh vận dụng các kiến thức có tính chất tổng hợp. Bản thân chương trình hiện hành có nhiều nội dung tích hợp cũng như bản thân các môn học vốn dĩ có nhiều kiến thức liên quan tới nhau. 

“Chủ trương của Bộ là giáo viên kiểm tra thường xuyên các vấn để cụ thể nhưng cuối một chương hay một phần thì kiểm tra tổng hợp, không hỏi lại cái cũ nữa. Vì thế mà trong bài thi văn có thể có cả kiến thức đạo đức, lịch sử; trong bài thi sinh có kiến thức hoá.v.v... Ban đầu có thể ta chưa ra được những đề có tính tích hợp cao nhưng phải làm quen dần dần”, ông Thống nói.

Dự kiến lịch thi của Bộ GD&ĐT:

Ngày 1: Sáng thi văn và hóa; chiều thi vật lý, lịch sử.

Ngày 2: Sáng thi toán, ngoại ngữ; chiều thi sinh học và địa lý.

Khoảng cách của thời điểm kết thúc ca thi thứ nhất với bắt đầu ca thi thứ hai ít nhất là 75 phút để hội đồng thi thực hiện các thao tác kỹ thuật.

Về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, theo Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các điều kiện quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được tự chủ tuyển sinh; đồng thời Bộ GĐ&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chung. 

Các trường tuyển sinh riêng có thể kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh. Một hội đồng tư vấn sẽ giúp Bộ GD&ĐT xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.

Với môn ngoại ngữ, dù ở kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phần tự luận nhưng với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì đề thi vẫn hoàn toàn là đề thi trắc nghiệm.

MỚI - NÓNG