Thi ĐH: Đề thi Văn quanh quẩn, cũ mòn

Thi ĐH: Đề thi Văn quanh quẩn, cũ mòn
TP - “Buồn cười, thi cử nước ta/Đầu vào “Thị Nở”, đầu ra “Chí Phèo”/Khối D thì “Phố huyện nghèo”/Khối C “Tiếng hát con tèo” lại ra/Năm ngoái là chuyện “Sông Đà”/Năm nay lại gặp cụ già Nguyễn Tuân/...

Chẳng biết tự khi nào, các thày cô giáo khoa Văn học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN) đã truyền khẩu bài thơ này, có vẻ như muốn phác họa thực trạng học hành thi cử môn Văn ở nước ta. 

Cho nên, mấy năm trở lại đây, điểm Văn ngày càng cao nhưng các thầy không vui vì cho rằng, điểm cao chưa chắc học sinh đã giỏi hơn là nhận xét của một vị làm giám khảo môn Văn đã 28 năm.

Đề thi dễ, điểm ngày càng tăng

Theo TS Hà Văn Đức - Chủ nhiệm khoa Văn học (ĐHKH XH & NV) - trường này chấm cho riêng ĐHQG HN khoảng 15.000 bài. Các thầy sẽ chấm cho các trường khác nữa. Có 32 thầy cô tham gia chấm và qua 3 ngày, 40 túi bài thi đã được chấm hoàn chỉnh cả 3 vòng độc lập (mỗi túi bài thi  khoảng 30-35 bài).

Thử thống kê 2 túi bài mang tính xác suất thì số điểm thi như sau:

Túi thứ nhất có  5 bài đạt 1-4 điểm; 14 bài đạt  5-6 điểm; 13 bài đạt  7-8 điểm; 1 bài đạt 9 điểm.

Túi thứ hai gồm 40 bài : 7 bài đạt 1-4 điểm; 24 bài đạt 5-6 điểm; 9 bài đạt 7-8 điểm; không có bài 9 điểm.

 Văn chương năm nay có đỡ ngô nghê?

“Đỡ ngô nghê hơn” là nhận xét chung của các thầy. Với đề  thi tương đối “cơ bản”, không đánh đố, hầu như không có bài thi bỏ giấy trắng; bài viết theo văn mẫu ít đi (ngày xưa nhiều bài viết giống nhau, giống  theo văn mẫu)” - Thầy Hà Văn Đức kể.

Tuy nhiên cũng có những thí sinh không làm được bài viết lặp một đoạn nhiều lần tới mười mấy trang giấy hoặc như có thí sinh  chép lại đề bài tới 6 trang giấy liền...

Có thí sinh, đề yêu cầu  viết về Xuân Diệu,  thì cả bài viết phân tích thơ Xuân Diệu nhưng cứ khi nhắc đến tác giả lại  đổi tên nhà thơ này thành Nguyễn Tuân.

Có thể bước đầu mô tả điểm thi môn Văn của thí sinh thi vào ĐHKH XH-NV năm nay như sau:  Phổ điểm chung lớn nhất là 5-6 điểm, số bài đạt điểm khá cao hơn; số bài xuất sắc ít (3 ngày mới có 1 bài 9 điểm, ít hơn mọi năm). 

TS Hà Văn Đức nhận xét:  Do đề thi tương đối cơ bản, không đánh đố, nên hầu như không có bài thi bỏ giấy trắng.

Đặc biệt ở trường văn này, độ chênh điểm chấm giữa các thầy, tuy là lẽ tự nhiên, nhưng khá nhiều. Trong 1 túi bài  có 9/34 bài chênh điểm nhau từ 0,5 - 1 điểm, cá biệt có trường hợp chênh 1,5 điểm. Hầu như tất cả các bài đều phải có người thứ 3 xem lại nên tiến độ chấm cũng không thể nhanh được.

Mọi năm khi chấm làm tròn đến 0,5 điểm; năm nay trường này giữ điểm lẻ đến 0,25 điểm; sau khi cộng điểm cả 3 môn thi  thí sinh mới được làm tròn điểm đến 0,5.

Ông Đức giải thích: Làm như thế chính xác hơn và tránh được những trường hợp thí sinh được lợi tới 3 lần do được làm tròn điểm tới 3 lần cho cả 3 môn thi. Năm nay cũng ít làm bài ngô nghê.

Thầy Trần Hinh - Giảng viên chính ĐHKH XH&NV  nhận xét: Đề Văn năm nay dễ, không khó nên chất lượng bài nhỉnh hơn năm trước. Điểm thi môn Văn năm nay có thể vì thế mà cao hơn năm trước.

Đề thi cứ nhàn nhạt không chọn được người học văn, thầy Nguyễn Hùng Vĩ (ĐHKH XH&NV) đồng ý ngay với ý kiến này. Thầy cho biết, điều này sẽ xảy ra khi mà một đề thi chung cho tất cả các trường, không thể yêu cầu mọi người đều phải “phát sáng” về  văn học. 

Qua 28 năm tham gia chấm thi, nhìn vào chất lượng thì  thấy ngay một điều, thầy Hùng Vĩ kể: Khoảng 15 năm trước điểm trung bình (TB) một bài văn là 3,3; khi Bộ GD-ĐT  bắt đầu quy định ra đề đúng như chương trình học lại thêm tình hình luyện thi phát triển  nên điểm thi cao dần, trong những năm gần đây điểm thi môn Văn vượt ngưỡng 5,0 (theo dự báo điểm TB môn Văn năm nay có thể lên tới 5,7) .

Thầy Vĩ khẳng định đó là hệ quả của việc ra đề chứ chưa chắc đã phản ánh đúng trình độ người học. Điểm cao nhưng thí sinh chưa chắc đã giỏi. Đề ra quen thuộc, quay đi quay lại, bộ đề thi tồn tại rất lâu đã sinh ra bài thơ ở trường thầy như phần đầu bài viết này đã nêu.

Đáp án không kích thích sáng tạo Văn học

Đáp án, biểu điểm cho môn Văn chia nhỏ các  phần quá; việc chia biểu điểm đối với môn Văn chỉ nên là tương đối; không ai lại đi chặt văn chương thành những phần nhỏ như thế.

Việc đáp án Văn và biểu điểm quá chi tiết như hiện nay  gây khó khăn cho người chấm, khiến công việc đánh giá trở nên không dễ dàng là ý kiến của khá nhiều người được hỏi.

Theo thầy Trần Hinh, đáp án  chỉ cần định hướng, văn học là sáng tạo, là cảm hứng của từng người nếu ra chi tiết  quá những thí sinh không làm chi tiết thì thiệt thòi. Trên thực tế chấm thi, có những thí sinh làm Văn rất hay, đầy cảm hứng nhưng không theo chi tiết của đáp án trong khi  người chấm bắt buộc phải chấm theo đáp án.

Vì vậy,  bài văn đó không thể được điểm cao dù người chấm vẫn khuyến khích, không quá lệ thuộc và có thưởng điểm. Thành ra, văn hay ở đây lại phải là đáp án mà trên thực tế có khi là ngược lại.

Một giảng viên nêu ví dụ:  Bài thơ của Xuân Diệu có câu “đây mùa thu tới mùa thu tới”, trong sách giáo khoa xưa nay  vẫn phân tích đây là tiếng  reo vui tiếng reo thầm trước mùa thu của một tâm hồn trai trẻ, nhưng có thí sinh mạnh  dạn viết:  Đó không phải là tiếng  reo vui tiếng reo thầm trước mùa thu của một tâm hồn trai trẻ mà là ẩn ức về thời gian khi nó trôi đi.

Điều này không có trong đáp án, nhưng  người chấm thấy thí sinh có cảm hứng riêng và  cho điểm,  e rằng có những thầy chấm máy móc sẽ không cho điểm vì điều này không giống SGK, không giống đáp án.

Thi Văn như hiện nay kích thích lối học vẹt

Thày Trần Hinh nêu ý kiến: Bộ GD-ĐT không nên ra đề Văn như hiện nay. Theo thầy,  văn chương phải là tự do vì văn tổng hợp nhiều kiến thức chứ không chỉ là những bài học vẹt trong chương trình. Những người làm tốt trong chương trình chưa chắc đã là người học giỏi Văn.

Muốn kiểm tra văn chương phải nhìn lại cách ra đề tự do như những thế hệ trước đây đi thi. Ngày xưa thầy đã từng làm những đề văn kiểu như: Hãy bình luận câu nói của Các Mác với con gái: Hạnh phúc là đấu tranh. Đề này  có liên quan đến bài học ở trong chương trình đâu, nhưng kiểm tra được trình độ của học sinh.

Thầy nói:  Dạy văn ở phổ thông, tốt nhất phải là phải kiểm tra được sự cảm thụ, tư duy, diễn đạt của học sinh về các vấn đề, chứ không phải nói lại như kiểu câu hỏi thi:  Xuân Diệu sinh năm bao nhiêu,  tác phẩm Vợ chồng A Phủ có mấy ý... Chỉ có những người đề cao sự học vẹt mới kiểm tra thế, thầy Hinh khẳng định.

Một điều nữa là, lạ thay, những TS đạt điểm 4 Văn có thể vẫn vào  học khoa Văn  trường ĐH nhờ điểm thi 2 môn học thuộc lòng là Sử và Địa cao,  làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên. Nên chăng thí sinh học Văn được nhân hệ số 2 cho môn Văn?

MỚI - NÓNG