Thí sinh 62 huyện nghèo học ở đâu và về đâu

Thí sinh 62 huyện nghèo học ở đâu và về đâu
TP - Năm nay, học sinh tốt nghiệp THPT thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước không phải dự thi tuyển sinh như những năm trước. Tuy nhiên, các trường ĐH thực hiện chủ trương này rất khác nhau với nhiều băn khoăn.

> Hỗ trợ 100 thí sinh nghèo học giỏi

Học viện Báo chí - Tuyên truyền dành 2% chỉ tiêu để tiếp nhận số thí sinh đặc biệt này. Ông Lương Khắc Hiếu, Giám đốc Học viện, cho biết, Học viện nhận được 50 hồ sơ, nhưng chỉ có thể nhận 31 người.

Theo ông Hiếu, ít thí sinh đảm bảo điều kiện để vào học: học lực giỏi, tốt nghiệp THPT loại khá, 3 năm hạnh kiểm tốt... Ông Hiếu cho biết, có một số ngành không mở cửa cho các thí sinh này: Ngôn ngữ Anh, Quan hệ quốc tế và Đối ngoại.

ĐH Thái Nguyên nhận được 6.000 hồ sơ xin học của thí sinh huyện nghèo và dành khoảng 15% chỉ tiêu để nhận thí sinh vào học, nghĩa là sẽ có 1.500 thí sinh được nhận vào học với các điều kiện khác nhau: Với ngành nông-lâm nghiệp, thí sinh chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT; với ngành kinh tế, phải có học lực khá, với ngành kỹ thuật công nghiệp, điểm thi tốt nghiệp Toán phải đạt khá trở lên…

Theo giám đốc ĐH Thái Nguyên Đặng Kim Vui, thí sinh sẽ nộp hồ sơ mấy nơi, sau này trúng trường nào sẽ học trường đó, vì vậy, trường chưa chắc tuyển đủ.

Ông Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), cho biết, trường ông không nhận được hồ sơ nào của thí sinh huyện nghèo mà chỉ có 1 trường hợp điện thoại đến để hỏi về điều kiện tuyển dụng.

Theo ông Dư, được tuyển thẳng như hiện nay, thí sinh không dại gì mà không đăng ký học những ngành hot như kinh tế, ngân hàng, ngoại thương…

ĐH Bách khoa Hà Nội không nhận thí sinh 62 huyện nghèo vào học. Trưởng phòng Đào tạo Hoàng Minh Sơn, cho biết: Bộ GD&ĐT cho phép hiệu trưởng các trường xem xét để xét tuyển, vì vậy ĐH Bách khoa quyết định không tuyển.

Lý do là trường này là trường đào tạo theo định hướng nghiên cứu, chứ không đào tạo nhân lực tại chỗ. Chương trình đào tạo nghiên cứu yêu cầu đầu vào cao, thí sinh diện này khó theo học những chương trình nghiên cứu cao cấp. Nếu các thí sinh này vào học mà không theo được, sẽ lãng phí của cải vật chất của xã hội, ông Sơn nói.

Ông Hiếu cho rằng, cần có một sự tổ chức nào đó để các trường ĐH không nhìn nhau và nâng cao điều kiện tuyển khiến cho thí sinh huyện nghèo không thể vào học.

Ông Vui cho rằng việc mở cửa phải gắn với đào tạo nguồn lực của địa phương, ví dụ địa phương nào thì ngành nào. Và song song với quyền lợi phải có nghĩa vụ.

Chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ học sinh các huyện nghèo tiếp cận giáo dục để trở về góp phần xây dựng kinh tế, xã hội ở địa phương, nên cần có điều kiện ràng buộc người học trở về địa phương sau khi tốt nghiệp một cách bài bản và chính thức. Tránh tình trạng để các em học xong ở lại những vùng trung tâm, ông Vui nói.

Điểm sàn sẽ cao hơn, điểm chuẩn không tăng

Theo ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, dù dư luận cho rằng, đề thi năm nay dễ hơn năm trước, nhưng điểm chuẩn không cao hơn năm trước. Lý do là đề thi có một số câu dễ khiến nhiều thí sinh làm được và chỉ dẫn đến điểm sàn năm nay cao hơn năm 2011. Ông Vui nói, đề thi có những câu khó chỉ học sinh thật sự giỏi mới làm được, vì vậy, điểm chuẩn sẽ không cao hơn năm trước, đặc biệt với ngành y, kinh tế, tài chính…

Ông Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), cho rằng, điểm chuẩn chỉ bằng năm trước (từ 17 đến 23 điểm, tùy từng ngành).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG