Thí sinh cần cảnh giác với “cò” nhà trọ

Thí sinh cần cảnh giác với “cò” nhà trọ
TPO - Do lạ nước lạ cái, lại đông đúc nên nhiều sĩ tử đã bị “cò” nhà “chặt chém” trong đợt thi đại học khối A vừa qua. Để tránh "cò", thí sinh nên theo hướng dẫn của sinh viên tình nguyện.
Thí sinh cần cảnh giác với “cò” nhà trọ ảnh 1
Sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi trong đợt thi khối A vừa qua. Ảnh: Hồng Vĩnh

>> Thí sinh nên thuê phòng trọ trong ký túc xá

1001... kiểu “cò” nhà

Lợi dụng tình trạng đông đúc này, cũng giống như mọi năm, “cò” nhà trọ lại xuất hiện ngay từ bến xe để trèo kéo sĩ tử. Xe ôm, người bán hàng nước, người bán hoa quả, thậm chí cả người già, trẻ nhỏ cũng tham gia vào đội ngũ “cò”.

Theo bản hợp đồng miệng, “cò” sẽ dẫn thí sinh đi tìm nhà trọ với giá 10.000/1 lượt. Nếu thuê được nhà, khách phải mất 20.000 đồng.

Trong đợt thi khối A vừa qua, khi đặt chân xuống bến xe, Trương Thị Thuyên (quê Hải Phòng) đã bị “cò”, kiêm xe ôm đưa đi tìm nhà. Lòng vòng mãi, anh ta đưa Thuyên đến một căn phòng trên tầng hai của một ngôi nhà khoảng chừng 60 mét vuông, có 10 chiếu trải sẵn, 3 người/ 1 chiếu. Giá phải trả là 10.000/người/ngày, ở ngày nào trả tiền ngày ấy.

Tuy nhiên, so với Thuyên, bố con ông Huy (quê Thái Bình) còn bị “chặt chém” hơn. Đưa con lên thi tại Đại học Xây Dựng Hà Nội, vừa chân ướt, chân ráo xuống bến xe, ông Huy đã được một người hành nghề xe ôm hứa trở đi tìm nhà với giá 20.000 đồng (tiền cò).

Anh ta bảo có một ngôi nhà gần trường cho thuê với giá 35.000 đồng/người/ngày, chỉ hai bố con ở. Không biết đường đi, lối lại ở Hà Nội nên hai bố con ông Huy đồng ý.

Thế nhưng khi đến xem nhà, ông Huy giật mình khi thấy căn nhà hơn chục m2 có mỗi cái giường và đã có hai thí sinh đến trước thuê (chỉ với giá 15.000 đồng/người/ngày).

Khi tỏ thái độ không đồng ý ở ghép, ông Huy đã bị chủ nhà dọa: Nếu không thuê phải trả cho xe ôm 50.000 đồng theo hợp đồng chủ nhà thỏa thuận với người môi giới. Biết là bị bắt chẹt nhưng vì đất khách quê người nên hai bố con đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Trong dịp này, không chỉ người dân cho thuê trọ, các trường học cũng tận dụng kỳ nghỉ hè của học sinh Đây là hoạt động riêng của các bảo vệ trong trườngđể kiếm ăn.

Trong vai người đi thuê nhà trọ, chúng tôi được bảo vệ trường tiểu học Hoàng Mai ra giá: “10.000/người /ngày. Thí sinh nằm ngay trên bàn của học sinh học, điện nước đầy đủ”.

Theo như lời nói của người này, không biết sẽ đầy đủ thế nào khi cả trường có 31 phòng, mỗi phòng ở 8 - 10 người mà chỉ có mấy nhà vệ sinh. “Không những thế, nước ở đây rất hiếm, chỉ đủ... rửa mặt”. Lan - một sĩ tử thuê ở đây được mấy ngày tâm sự.

Nên theo hướng dẫn của sinh viên tình nguyện

Thí sinh cần cảnh giác với “cò” nhà trọ ảnh 2
Thí sinh nên theo sự hướng dẫn của sinh viên tình nguyện để tránh “cò”. Ảnh: XM

Để tiếp sức cho thí sinh, đội sinh viên tình nguyện của thành Đoàn Hà Nội, cũng như các trường đại học đã ra quân từ đợt thi khối A. Các đội được chia làm nhiều chốt trên các trục đường từ Bến xe Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình chạy dọc các đường chính ở Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt và cả các địa điểm thi…

Riêng bến xe Giáp Bát - nơi tập trung lượng thí sinh đông nhất có tới 5 điểm tình nguyện. Để tránh gặp phải “cò” và các trò lừa đảo, tốt nhất thí sinh nên gặp các “chiến sĩ áo xanh” để được hướng dẫn từ A - Z.

Hương - Sinh viên tình nguyện Khoa Toán Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết: Bắt đầu từ bến xe, sinh viên tình nguyện sẽ tự tìm đến các thí sinh, tiếp đón và chỉ dẫn cho họ từ đường đi, tìm nhà trọ và còn hướng dẫn luôn cả quy chế thi nếu họ cần.

Nhà trọ vừa rẻ lại thuận tiện bởi đó chính là KTX của trường, giá trung bình chỉ khoảng từ 20.000/người/ cả đợt thi (3 ngày).

Đặc biệt, ở KTX của Đại học Sư phạm Hà Nội, những thí sinh là con liệt sĩ, thân nhân người bị thiệt mạng do cơn bão số 1 vừa qua sẽ được miễn phí.

Để giúp thí sinh tránh gặp “cò” và bị bắt chẹt, các sinh viên tình nguyện còn mặc cả giá xe ôm cho giúp. Do đã ít nhiều biết đường đi nước bước nên sinh viên tình nguyện sẽ thỏa thuận với xe ôm giá vừa phải, cũng như tránh tình trạng đi lòng vòng để ăn tiền của sĩ tử.

Vì thế, khi đặt chân đến bến xe, hay các địa điểm thi, thí sinh nên theo sự hướng dẫn của các đội tiếp sức mùa thi để tránh những tình huống xấu.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.