Thí sinh 'dễ thở' với đề thi Ngữ văn

Thí sinh 'dễ thở' với đề thi Ngữ văn
TPO - 10 giờ sáng nay, 2 - 6, môn thi Ngữ văn (kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011) kết thúc. Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi vui vẻ vì đề khá "dễ thở". Một số em cho biết, "hơi bất ngờ" vì đề thi không hỏi phần văn học nước ngoài.

> Nhiều thí sinh 'thủ' phao trước giờ thi môn Văn 

> Bài giải môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT

Đào Thị Quỳnh Trang, học sinh trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho biết: “Đề thi vừa sức. Em học ban D, làm khá tốt đề thi này. Tuy nhiên, đề không có câu hỏi về văn học nước ngoài".

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tại điểm thi trường THCS Thanh Quan, kết thúc giờ thi, nhiều thí sinh vui vẻ vì làm được bài. 

Tại Đà Nẵng, sáng nay, thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho gần 13.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT.

Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho hay, năm nay, Đà Nẵng có 11.216 thí sinh hệ THPT, 1.774 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên, với 544 phòng thi ở 28 hội đồng thi.

Thống kê nhanh đến hết môn thi đầu tiên, có 99,83% thí sinh hệ THPT tham gia thi, 16 thí sinh vắng không lý do và ba thí sinh tại các hội đồng thi THPT Lê Quý Đôn, Phan Thành Tài, Herman phải nghỉ thi do ốm.

Hệ giáo dục thường xuyên có 99,82% thí sinh dự thi, 21 thí sinh vắng không lý do.

Ở các hội đồng thi THPT Phan Chu Trinh (đường Lê Lợi), THPT Trần Phú (đường Lê Thánh Tôn)…, công tác đảm bảo an ninh trật tự, đường ra vào hội đồng thi được đảm bảo. Quy định phụ huynh đưa đón thí sinh trước cổng 100m được người nhà tự giác chấp hành.

9 giờ 45, tại hội đồng thi THPT Trần Phú, nhiều thí sinh kết thúc sớm môn thi, bước ra hành lang để chờ giờ kết thúc chung môn thi đầu tiên (10 giờ).

Bạn Khánh Linh (trường THPT Phan Chu Trinh) hồ hởi: em chuyên toán nhưng với cách ra đề thi môn Ngữ văn năm nay không quá khó, vừa sức với một thì sinh “ngoại đạo”.

Bạn Nguyễn Văn Thân (trường THPT Nguyễn Huệ) cũng nhận định: cả hai đề tự chọn phần riêng đều nằm trong chương trình SGK lớp 12 nên học sinh dễ làm bài.

Tuy nhiên, theo một số thí sinh khác, phần đề mở “Trước nhiều ngã đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng của mình” khá ấn tượng nhưng việc giới hạn về từ (khoảng 400 từ) khiến nhiều thí sinh diễn đạt “chưa hết ý”.

Theo bạn Trần Hoàng Khánh (thí sinh trường THPT Thái Phiên), nhìn chung, đề thi môn Ngữ văn vừa sức, tạo tâm lý thoải mái để thí sinh bước vào các môn thi tiếp theo.

Đề thi vừa sức

Theo đánh giá của cô Lý Thị Tú Anh (giáo viên trường THPT Lương Văn Can, quận 8, TP Hồ Chí Minh): Đề thi môn Ngữ văn Tốt nghiệp THPT năm nay vừa sức học sinh có học lực từ trung bình trở lên.

Trong đề thi Ngữ văn, tôi chỉ băn khoăn ở câu 1. Cách ra đề câu một được xem là nét mới. Câu hỏi nêu ra không lấy kiến thức toàn bộ tác phẩm mà chỉ sử dụng một chi tiết của tác phẩm.

Với cách ra đề này sẽ tránh tình trạng học sinh học thuộc lòng, học tủ. Một học sinh chỉ học thuộc lòng thì không thể đạt điểm tối đa mà chỉ 1 hoặc 0,5 điểm. Vì vậy, đòi hỏi thí sinh phải chú ý và hiểu tác phẩm, từ đó mới vận dụng kiến thức cơ bản kết hợp với những vận dụng, tư duy để có được những liên hệ so sánh.

Cách ra đề này mới nhưng không lạ với học sinh. Vì trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh từng nhắc nhở giáo viên để đổi mới cách giảng dạy so với trước đây và cũng từng áp dụng để ra đề thi học kì cho môn Ngữ văn.

Cách ra đề kiểu này cũng phù hợp với hướng ra đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi tuyển sinh đại học năm trước đã áp dụng.

Với dạng đề như thế này, yêu cầu học sinh sẽ chú ý tới tác phẩm hơn nắm vững.

Câu 2 sát với kiến thức, suy nghĩ của thí sinh. Trước kì thi tốt nghiệp, các thí sinh đã lựa chọn cho mình ngành, trường đại học để theo đuổi.

Câu 3 có cách ra đề quen thuộc. Vận dụng tốt kiến thức cơ bản, thí sinh có thể đạt được điểm cao.

Về đề thi Ngữ văn cho khối Giáo dục thường xuyên, cô Tú Anh đánh giá: Theo tôi, đề thi gần gũi với kiến thức cơ bản của sách giáo khoa, không đánh đố nhiều.

Theo Viết
MỚI - NÓNG