Thí sinh phía Bắc “hành phương Nam”

Thí sinh phía Bắc “hành phương Nam”
TP - Trong 3 năm trở lại đây, từ khi Bộ GD-ĐT xóa bỏ chế độ ưu tiên vùng, miền trong tuyển sinh, có rất nhiều thí sinh ở khu vực phía Bắc “hành phương Nam” dự thi đại học.
Thí sinh phía Bắc “hành phương Nam” ảnh 1
Thí sinh tại một hội đồng thi TP.HCM

Trước đây, thí sinh đăng ký dự thi vào trường ĐH Kinh tế TPHCM hầu hết có hộ khẩu thường trú các tỉnh khu vực phía  Nam và một ít ở các tỉnh miền Trung. Thí sinh có hộ khẩu từ Quảng Trị trở ra rất hiếm, chỉ “đếm được trên đầu ngón tay”.

Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, từ khi trường mở rộng vùng tuyển sinh, xóa bỏ chế độ ưu tiên vùng, miền, rất nhiều thí sinh khu vực phía Bắc đã đăng ký dự thi vào trường.

Theo thống kê của Phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế TPHCM, thí sinh dự thi vào trường năm 2005 có hộ khẩu khắp ...63 tỉnh, thành trong cả nước (chỉ thiếu tỉnh Điện Biên).

Đặc biệt, các địa phương khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... mỗi năm có đến hàng trăm thí sinh đăng ký dự thi. Năm sau đông hơn năm trước. Và trong số ấy, có khoảng 10% thí sinh trúng tuyển.

Cũng trong mùa tuyển sinh 2005, thí sinh phía Bắc đăng ký dự thi vào trường ĐH Nông lâm TPHCM  lên đến con số 3.000, tăng gấp 3 lần so với những năm trước. Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Đại học Công nghiệp TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học Xã hội- Nhân văn TPHCM, Khoa Kinh tế ĐH Quốc gia TPHCM... hàng năm cũng đón rất  nhiều thí sinh ở các tỉnh phía Bắc vào dự thi.

Thống kê của Ban quản lý ký túc xá ĐH Sư phạm TPHCM (đường Lạc Long Quân, quận 11) cho thấy: Sinh viên lưu trú tại đây có hộ khẩu khắp 64 tỉnh, thành trong cả nước.

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều thí sinh phía Bắc  khăn gói “hành phương Nam” dự thi ĐH. Đó là, ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH phía Nam phong phú, đa dạng hơn; Học xong ra trường, dễ kiếm việc làm hơn vì thị trường lao động ở khu vực này năng động...

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, nguyên nhân chính yếu của những chuyến hành phương Nam gian khổ, cũng chỉ vì thí sinh muốn tăng cơ may  trúng tuyển vào ĐH.

Từ khi Bộ GD-ĐT áp dụng phương thức tuyển sinh ba chung (chung đợt, chung đề, chung kết quả), điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành thuộc  trường ĐH ở phía Nam bao giờ cũng thấp hơn so với điểm chuẩn các ngành tương ứng thuộc các trường ĐH phía Bắc. Nhiều thí sinh cho rằng, thi vào các trường ĐH khu vực phía Nam dễ trúng tuyển hơn.

Năm 2004, điểm chuẩn vào các ngành thuộc ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cao hơn điểm chuẩn các ngành tương ứng ở ĐH Kinh tế TPHCM đến 5 điểm. Và mới đây, ở mùa tuyển sinh 2005, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành ĐH Kinh tế TPHCM là 19,5 điểm.

Trong khi đó, ở ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, điểm chuẩn những ngành Ngân hàng- tài chính, Kế toán lên đến 27,5 điểm; các ngành còn lại như Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Luật học, Hệ thống thông tin kinh tế, Khoa học máy tính,  điểm chuẩn thấp nhất cũng 24,5 điểm.

Mặc dù cùng khối sư phạm nhưng điểm chuẩn các ngành thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội bao giờ cũng cao hơn các ngành tương ứng thuộc ĐH Sư phạm TPHCM.

Cụ thể, năm 2005, điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn ĐH Sư phạm TPHCM là 17,5 điểm nhưng ở ĐH Sư phạm Hà Nội lên đến 23 điểm, lệch nhau đến 5,5 điểm. Các ngành khác như: Sư phạm Lịch sử, Địa lý, Tâm lý giáo dục, Vật lý, Tin học... giữa 2 trường cũng lệch nhau từ 2-5 điểm.

Cũng trong năm 2005, điểm chuẩn khối A Trường ĐH Luật Hà Nội là 19,5 điểm, khối C là 19 điểm trong khi ở Trường ĐH Luật TPHCM, điểm chuẩn tất cả các ngành  (trừ ngành Luật Thương mại)  khối A chỉ  17 điểm và khối C chỉ 15 điểm (trong khi điểm sàn là 14).

Trong năm 2005, điểm chuẩn các ngành ở các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội thường cao hơn rất nhiều so với các ngành tương ứng ở các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM.

Đơn cử: Điểm chuẩn ngành Vật lý ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội là 21,5 điểm trong khi ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia TPHCM chỉ 16 điểm; Điểm chuẩn ngành Khoa học Môi trường khối B ở ĐH Quốc gia Hà Nội là 25 điểm còn ở ĐH Quốc gia TPHCM  chỉ 18 điểm, lệch nhau đến 7 điểm.

Điểm chuẩn tất cả các ngành còn lại  như:  Toán- Tin, Hoá học, Hải dương học, Sinh học... ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đều cao hơn các ngành tương ứng ở ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) từ 4-7 điểm.

Và, điểm chuẩn các ngành ở  trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đều cao hơn các ngành tương ứng ở ĐH Khoa học Xã hội- Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia TPHCM.

Điểm chuẩn các ngành thuộc Khoa Kinh tế ĐH Quốc gia Hà Nội trong năm 2005 từ 21 đến 24,5 điểm trong khi điểm chuẩn các ngành Khoa Kinh tế ĐH Quốc gia TPHCM chỉ từ 15-21 điểm.

Có nhiều trường ĐH, Học viện đào tạo tại 2 cơ sở: Hà Nội và TPHCM. Và, điểm chuẩn trúng tuyển cơ sở đào tạo ở TPHCM bao giờ cũng thấp hơn ở Hà Nội. Cụ thể: Năm 2005, điểm chuẩn của ĐH Giao thông Vận tải cơ sở tại Hà Nội là 20,5 điểm, trong khi ở TPHCM chỉ là 18,5 điểm.

Điểm chuẩn khối D1 ĐH Ngoại thương tại Hà Nội là 24, ở TPHCM là 22. Tương tự, điểm chuẩn Học viện hành chính quốc gia ở phía Bắc khối A  là 21,5, khối C là 20 thì ở phía Nam, điểm chuẩn khối A chỉ 19 điểm, khối C là 15 điểm.

Nhiều thí sinh phía Bắc không có điều kiện “hành phương Nam” dự thi ĐH thì tìm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH phía Nam bằng “con đường” bưu điện.

Có nghĩa là, sau khi trượt nguyện vọng 1 các trường ở phía Bắc, thí sinh gửi hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 qua đường bưu điện nhằm “săn tìm” cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH phía Nam có tuyển sinh nguyện vọng 2, kể cả những trường dân lập.

Thông tin từ các trường ĐH khu vực phía Nam cho hay: Phần lớn hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc. Và, theo thống kê từ một số trường thì, tỷ lệ thí sinh phía Bắc trúng tuyển nguyện vọng 2 cao hơn hơn thí sinh khu vực phía Nam.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sau mỗi kỳ tuyển sinh vất vả, các trường ĐH ở khu vực phía Nam  còn phải “đối đầu” với hiện tượng sinh viên có hộ khẩu phía Bắc xin chuyển trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.