Tuyển sinh ĐH-CĐ 2007:

Thí sinh phía Bắc sẽ ồ ạt 'Nam tiến'

Thí sinh phía Bắc sẽ ồ ạt 'Nam tiến'
TP - Trong khi các trường ĐH phía Bắc tuyển khá ít chỉ tiêu NV2 thì hầu hết trường ĐH phía Nam đều xét tuyển NV2, điều này dự báo một dòng chảy “Nam tiến” ồ ạt của thí sinh phía Bắc vào Nam.

Theo thống kê về điểm chuẩn trong kỳ thi tuyển sinh năm 2007 ở tất cả các khối, có thể thấy các trường ĐH phía Bắc đều dẫn đầu.

Cụ thể tại 3 trường có mức điểm chuẩn cao nhất ở 4 khối: Khối A dẫn đầu là các trường ĐH Ngoại thương (phía Bắc), ĐH Dược Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân; khối B là ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), ĐH Y Hà Nội; Khối C là Khoa Luật (ĐHQGHN), ĐH Luật Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội; Khối D là ĐH Ngoại thương (phía Bắc), Khoa Kinh tế (ĐHQG Hà Nội.

Cũng có thể nhận ra sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường có chức năng đào tạo như  nhau ở hai miền.

Cụ thể: ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội (khối A 25 điểm, khối D1 26,5 điểm) - ĐH Kinh tế TPHCM (21,5 điểm), ĐH KHTN Hà Nội (từ 18-25,5 điểm) – ĐH KHTN TPHCM (15-24 điểm), ĐH Sư phạm HN (15-26,5 điểm) – ĐH Sư phạm TPHCM (15-25 điểm)…

Hiện nay, hầu hết các trường ĐH phía Nam đều có rất nhiều chỉ tiêu NV2 dành cho thí sinh rớt NV1.

Cụ thể: ĐH GTVT TPHCM dành 488 chỉ tiêu NV2 cho hệ ĐH và 359 chỉ tiêu cho hệ CĐ, ĐH Sư phạm TPHCM có 586 chỉ tiêu, ĐH SPKT TPHCM có 450 chỉ tiêu, ĐH Nông lâm TPHCM xét tuyển đến 815 chỉ tiêu ĐH và 400 chỉ tiêu CĐ, ĐH KHXH&NV TPHCM dành 450 chỉ tiêu, ĐH Bách khoa TPHCM có đến 780 chỉ tiêu, ĐH Luật TPHCM dành ra 200 chỉ tiêu…

Đấy là chưa kể tất cả các trường ĐH ngoài công lập có tổ chức thi tại TPHCM chỉ xét tuyển NV1 được khoảng 50% thí sinh và hầu như thí sinh có điểm thi tuyển ngang với điểm sàn là có thể nộp đơn vào học.

Bên cạnh đó, gần 20 trường ĐH ngoài công lập ở khu vực phía Nam không tổ chức thi tuyển dành hết toàn bộ chỉ tiêu với khoảng 20.000 chỉ tiêu cho thí sinh đăng ký NV2.

Như vậy, vì chỉ tiêu NV2 rất nhiều và mức điểm chuẩn của các trường phía Nam không cao lắm nên cũng như mọi năm, sẽ có rất nhiều thí sinh phía Bắc sẽ nộp đơn vào các trường này và trúng tuyển.

Và có thể trở về?

Thống kê từ Phòng Đào tạo các trường ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM… cho thấy:

Những năm gần đây, có  rất nhiều thí sinh ở phía Bắc trúng tuyển vào trường và  chủ yếu trúng tuyển  theo NV2. Và hàng năm, nhà trường cũng nhận khá  nhiều đơn xin chuyển trường với nhiều lý do khác nhau.

Tuy nhiên, số sinh viên được  phép chuyển trường chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi bị vướng nhiều rào cản.   

Theo quy chế đào tạo ĐH-CĐ hiện hành của Bộ GD&ĐT, sinh viên sẽ không được phép chuyển trường nếu đã dự thi tuyển sinh nhưng không trúng vào trường (chuyển đến).

Ví dụ: Sinh viên đã từng dự thi vào ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội nhưng không trúng tuyển, sau đó trúng tuyển NV2 vào trường ĐH Kinh tế TPHCM thì không được phép chuyển về học trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội với bất kỳ lý do gì.

Cũng theo quy chế đào tạo ĐH- CĐ hiện hành, khi sinh viên từ trường A muốn chuyển đến trường B thì yếu tố  quan trọng để xem xét  là điểm số đạt được trong kỳ thi ĐH trước đây của thí sinh có bằng điểm chuẩn của trường B trong năm tuyển sinh đó hay không.

Nếu điểm số này không đạt so với điểm chuẩn của trường B thì trường B không nhận.

Ngoài ra, quy chế đào tạo ĐH-CĐ còn quy định thêm nhiều điều “ngặt nghèo” khác nhằm hạn chế tối đa việc thí sinh Nam tiến để học tạm rồi quay trở về phía Bắc học tiếp ngành nghề tương đương.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia nói: Việc thí sinh từ phía Bắc đăng ký NV2 vào các trường ĐH phía Nam để tìm cơ hội trúng tuyển ĐH là nguyện vọng chính đáng và là yếu tố tích cực trong việc điều phối nguồn nhân lực sau này.

Tốt nghiệp ĐH phía Nam, làm việc tại đây hoặc quay trở ra phía Bắc làm việc là một chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi đăng ký NV2 vào các trường phía Nam, thí sinh cần xem xét kỹ lưỡng động cơ  học tập.

Nếu chỉ với suy nghĩ là vào học tạm một trường phía Nam rồi sau đó tìm cách chuyển trường ra Bắc thì thí sinh hãy cẩn thận vì chuyện này không dễ chút nào.

MỚI - NÓNG