Thi tay nghề thế giới: Học nhiều “sàng khôn”

Thi tay nghề thế giới: Học nhiều “sàng khôn”
TPO - Không chỉ học được cách coi trọng đào tạo nghề của các quốc gia phát triển; thấy được xu hướng đào tạo nghề của các nước mà còn được mục kích rất nhiều điều để nhìn lại ta và phấn đấu...

Chuyên gia nghề công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghiệp Tp Hồ Chí Minh, Bùi Đình Tiền trao đổi.

Không thua kiến thức, thua kỹ năng...

Thi tay nghề thế giới: Học nhiều “sàng khôn” ảnh 1
Thí sinh Phạm Minh Vương đang làm bài

Là người dẫn thí sinh của trường nhiều lần đi thi quốc gia và khu vực và luôn đoạt giải, thầy Tiền khẳng định: Về mức độ hiểu biết kiến thức, cách tiếp cận vấn đề và tiếp thu công nghề mới, thí sinh Việt Nam không thua kém thí sinh các nước, thậm chí còn hơn thí sinh một số nước.

Ngay tại hội thi này, lần đầu ra trận nhưng hầu hết thí sinh Việt Nam ở các nghề đều lọt vào top trung bình và trung bình khá. Nhiều nước đã tham gia thi nhiều lần đều phải thừa nhận thí sinh Việt Nam nhập cuộc nhanh, kiến thức vững.

Tuy nhiên, so sánh trong “sân chơi” lớn với thí sinh các nước thì thí sinh Việt Nam vẫn còn non về kinh nghiệm, yếu về ngoại ngữ. Do non về kinh nghiệm nên khi xảy ra trục trặc chưa có phương pháp xử lý.

Thí dụ thí sinh các nước khi làm bài thấy có trục trặc về máy móc hay dụng cụ họ sẽ ra hiệu cho các giám khảo giúp đỡ ngay, nhưng thí sinh Việt Nam cứ lặng lẽ tự giải quyết, đến khi không xử lý được mới gọi chuyên gia thì thời gian đã bị mất rất nhiều.

Hoặc do yếu ngoại ngữ nên khi vào phòng thi khả năng đọc hiểu nhanh đề thi rất hạn chế trong khi đề thi tay nghề thường dài vài chục trang, có môn dài hàng trăm trang.

Đặc biệt, thí sinh Việt Nam còn yếu về bản lĩnh lẫn kỹ năng trong môi trường làm việc áp lực cao với thời gian dài, một phần do thể lực yếu, một phần do trong quá trình đào tạo ta chưa chú trọng nhiều.

Trước đây chúng ta cũng từng đi thi tay nghề ASEAN nhưng  đề thi ngắn, thời gian làm bài chỉ 3 ngày, luật thi cũng đơn giản hơn. Nhưng thi thế giới thì khối lượng công việc và kiến thức rất lớn, đề thi khó, thời gian làm bài ít, luật thi và chấm bài đều khắt khe trong khi toàn bộ công việc phải tự mình độc lập tác chiến.

Vì vậy trong đào tạo sau này phải chú trọng rèn kỹ năng làm việc khoa học để thí sinh phải có thói quen tự xây dựng kế hoạch làm việc, kiểm soát thời gian, tiến độ công việc cũng như kỹ năng tự kiểm soát các vấn đề rủi ro có thể xẩy ra và xử lý nó.

Ngay trong chấm thi, vì đây là cuộc thi của tay nghề chuyên nghiệp nên người chấm đòi hỏi độ hoàn hảo của bài thi rất cao. Nều bài thi của anh chưa hoàn hảo, người chấm sẽ loại ngay từ đầu.

Một điểm yếu khá đặc trưng nữa của thí sinh Việt Nam là hơi nặng “máu ăn thua”. Phẩm chất này có mặt tốt giúp các em hăng hái, quyết tâm cao khi vào cuộc nhưng lại có mặt hạn chế, nếu làm bài tốt thì không sao, nhưng nếu vấp váp một tý là dễ đổ sụp tinh thần và phải mất khá nhiều thời gian các em mới khởi động lại được! - Chuyên gia Bùi Đình Tiền nhấn mạnh.

Phải chuyên nghiệp hơn!

Lặng lẽ quan sát thí sinh  trong suốt những ngày thi, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - Trưởng ban Tiêu chuẩn nghề (Tổng cục Dạy nghề) hôm nay mới nở nụ cười tươi khi hay tin đoàn Việt Nam có khả năng được thêm một Chứng chỉ nghề thế giới nữa.

Tuy nhiên ông Minh cho rằng, muốn được thế giới biết đến ở sân chơi này chúng ta phải đào tạo nghề một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn cả về kỹ năng và văn hóa nghề cho học sinh.

Bởi đây là cuộc thi tay nghề đẳng cấp, luật thi rất rõ ràng ngay từ đầu tới cuối kỳ. Từ cách chuẩn bị, đối với mỗi kỳ thi ban tổ chức đều phải có mô tả kỹ thuật cho nghề thi rất sớm như: thi nghề đó gồm nội dung gì, máy móc thiết bị ra sao, đánh giá chấm điểm thế nào cho từng nghề...

Từ rất sớm mỗi nước đã phải gửi đề xuất mô tả kỹ thuật của mình, sau đó ban ra đề thế giới lựa chọn ra các mô tả kỹ thuật cho các nghề thi và trên cơ sở đó người ta mới ra đề và luyện thi theo các mô tả kỹ thuật này.

Nhưng ngay việc lựa chọn người ra đề, không phải chuyên gia nào cũng được ra đề, và không phải đề thi của chuyên gia nào cũng được chọn.

Thi tay nghề thế giới: Học nhiều “sàng khôn” ảnh 2
Chuyên gia Bùi Đình Tiền

Rất tự hào vì Việt Nam lần đầu tiên tham gia thi tay nghề thế giới nhưng chuyên gia Bùi Đình Tiền đã lọt ngay vào danh sách những người được ra đề và đề thi của thầy Tiền cũng được chọn đưa vào 2 modul bài thi của thí sinh nghề này.

Còn sớm để đưa ra những đánh giá tổng quát của cuộc thi, tuy nhiên chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng: Để có kết quả như mong muốn, việc đào tạo cũng như luyện thi, chuẩn bị cho các thí sinh Việt Nam dự thi tay nghề thế giới mùa sau phải chuyên nghiệp hơn.

Các nước có truyền thống phát triển về nghề ngoài chuẩn bị luyện thi cho thí sinh trước đó 1 năm còn gửi thí sinh đi đào tạo ở những nước có thế mạnh về nghề đó.

Việc đào tạo cũng không theo kiểu nuôi “gà chọi” mà rất toàn diện, cơ bản vì vậy khi vào cuộc, gặp đề nào thí sinh cũng tự tin tác chiến được ngay không hoang mang như những nước đào tạo chỉ để đi thi, gặp đề lạ thí sinh lúng túng ngay.

Ông Minh cũng cho biết ngay sau hôm kết thúc thi, các nước đã cử chuyên gia dự các hội nghị mô tả kỹ thuật để xây dựng kế hoạch luyện thi cho mùa sau.

Chử Hà
Từ Nhật Bản

MỚI - NÓNG