Thi THPT quốc gia 2020: Thi cả phần học trên truyền hình?

Đề thi THPT quốc gia năm nay nên đưa nội dung, kiến thức học online, truyền hình vào hay không đang có nhiều ý kiến khác nhau
Đề thi THPT quốc gia năm nay nên đưa nội dung, kiến thức học online, truyền hình vào hay không đang có nhiều ý kiến khác nhau
TP - Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục nói rằng, tinh giản chương trình hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhưng đưa nội dung dạy học trên truyền hình vào đề thi THPT quốc gia như thế nào phù hợp còn nhiều ý kiến tranh cãi.

Không đồng đều

Thầy Lương Ngọc Huy, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), cho rằng, hiện nay, các nội dung dạy học trên truyền hình chủ yếu là các bài học mới tiếp nối học ở trường. Điều mà thầy lo ngại chính là số lượng học sinh tiếp thu cũng như tham gia không đồng đều.

Vì học không tập trung, phụ thuộc ý thức tự giác của học sinh, khó có thể kiểm soát số lượng thực tế các em học được bao nhiêu. Trong khi đó, nhiều học sinh không có ý thức tự giác học tập. Học sinh ở trường, giáo viên yêu cầu phải điểm danh, ngoài ra còn giao thêm bài tập để làm nhưng kiểm soát chất lượng thực tế đến đâu hiện cũng khó.

Thầy Huy cho rằng, nếu ở môn Văn học, tinh giản có thể rành rọt không thi ở tác phẩm này, tác phẩm khác, còn các môn KHTN, đặc biệt là Toán, nội dung, kiến thức có tính liên quan đến nhau rất nhiều. Vì thế, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để ra đề thi THPT quốc gia ở mức độ, ma trận thế nào cho hợp lý, ví dụ Bộ ra nhiều câu hỏi khó tập trung vào học kỳ I, còn học kỳ II, các câu hỏi chỉ dừng lại ở mức độ cơ bản.

Thực tế, khi dạy một bài học, các em phải được tiếp thu, hiểu và có thời gian rèn luyện bài tập mới thành thạo. “Trong điều kiện học sinh nghỉ kéo dài như hiện nay, rõ ràng mức độ ảnh hưởng lớn. Học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận các bài học trực tuyến lại càng ảnh hưởng nhiều hơn”, thầy Huy nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), nói rằng, không riêng học sinh mà nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn, đề thi THPT quốc gia chỉ nên tập trung những phần các em được thực học trên lớp để đỡ thiệt thòi.

Dù hiện nay, học trực tuyến hay truyền hình đều được công nhận nhưng rõ ràng mức độ tiếp thu, thời gian học giữa học sinh này và học sinh khác, địa phương này và địa phương khác triển khai khác nhau.

Địa phương điều kiện tốt, gia đình có điều kiện tốt sẽ đáp ứng việc học trực tuyến, truyền hình tốt hơn. “Vì thế, đề thi THPT quốc gia năm nay, Bộ nên chủ yếu tập trung lớp 11, học kỳ I lớp 12, nếu lấy học kỳ II, chỉ lấy mức độ dễ và cơ bản thì học sinh sẽ đáp ứng được”, bà Hằng nói.

Chuẩn bị nhiều phương án ứng phó

Tính đến thời điểm này, đã có khoảng 15 địa phương tổ chức ghi hình, dạy học trên truyền hình, chủ yếu cho học sinh cuối cấp, gồm lớp 9, lớp 12. Trong khi đó, hiện có 34 địa phương cho học sinh nghỉ học toàn bộ để phòng dịch, 29 địa phương vẫn cho học sinh THPT tới trường.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cho rằng, cấu trúc, ma trận đề thi THPT quốc gia năm nay Bộ nên bám sát chương trình đã tinh giản. Theo đó, những phần mở rộng, đào sâu kiến thức ở học kỳ II đã được lược bỏ sẽ không ra đề, còn những câu hỏi ở mức cơ bản thì học sinh sẽ đáp ứng được.

Để chuẩn bị kiến thức, nền tảng tốt cho học sinh ứng phó kỳ thi trong điều kiện hiện nay, ông Thành cho biết, địa phương đã lên nhiều phương án để không ở thế bị động. Trong đó, nếu học sinh đi học từ đầu tháng 4, các nhà trường được hướng dẫn tinh giản một phần kiến thức đơn giản như các khái niệm, hiện tượng mà các em có thể tự học và học trên truyền hình.

Phương án 2, nếu học sinh nghỉ học hết tháng 4, sẽ tinh giản hết cả những phần kiến thức mở rộng, nâng cao. Nếu học sinh xuất sắc muốn đạt điểm tuyệt đối khi đi học trở lại, nhà trường sẽ có kế hoạch bồi dưỡng thêm và các em tự học ở nhà.

Ngoài ra, những kiến thức có phần giao thoa, liên quan giữa các môn học trước đây có thể học 5-6 tiết thì nay thiết kế thành những chủ đề tích hợp liên môn thành 1- 2 giờ rút ngắn thời gian học, nhưng vẫn đảm bảo nội dung cốt lõi, không bị hổng hệ thống.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, ông Cao Xuân Hùng, nói: “Nếu dạy kiến thức mới trên truyền hình, trực tuyến, phải khảo sát 100% học sinh đủ điều kiện tham gia học mới dạy. Nếu có dạy, khi học sinh đi học trở lại phải rà soát, học bù, học thêm mới đảm bảo chất lượng để thi cử”.

Theo ông việc dạy học qua truyền hình hay trên mạng như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Đa số các địa phương thực hiện trong khi thầy cô giáo chưa có kinh nghiệm, tự thiết kế tổ chức sẽ không có sự thống nhất.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng, dù Bộ GD&ĐT đã kéo dài thời gian năm học nhưng chưa thể xác định bao giờ có thể quay lại trường học, trong khi việc học trên truyền hình do các địa phương tổ chức chỉ để duy trì không khí học tập, khó đánh giá được hiệu quả.

“Có địa phương làm, địa phương chưa triển khai trong khi cả nước dùng chung 1 chương trình, cuối cùng đi đến một kỳ thi THPT quốc gia nhưng nhưng đang để từng địa phương tổ chức học tập khác nhau chỉ là giải pháp thay thế”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu học đến đâu, thi đến đó thì sẽ không đảm bảo kiến thức để tốt nghiệp THPT và các trường ĐH tuyển sinh cũng khó đánh giá chất lượng. Theo đó, nếu học sinh tiếp tục nghỉ học kéo dài, tinh giản, rút ngắn chương trình cũng là một phương án.

Còn một phương án nữa là giảm tải môn học, trong chương trình GDPT mới, lớp 12 chỉ có 6 môn. Nếu áp dụng luôn cho học sinh lớp 12 năm nay, thì chỉ cần một nửa thời gian so với trước học sinh vẫn học hết chương trình các môn cơ bản, đảm bảo tốt nghiệp phổ thông.

 Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có chỉ đạo các Vụ, Cục chuyên môn đẩy nhanh tiến độ xây dựng, công bố đề thi tham khảo thi THPT quốc gia phù hợp việc tinh giản nội dung, chương trình học, làm cơ sở cho giáo viên, học sinh ôn luyện. Ông yêu cầu, các đơn vị rà soát, điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục, lựa chọn các chủ đề có thể tích hợp của từng môn học hoặc liên môn. Việc dạy học trên truyền hình, internet Bộ cũng sẽ ban hành quy định để các địa phương có cơ sở tổ chức dạy học, kiểm tra.
Hôm nay,  Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT để cùng thảo luận, thống nhất việc thực hiện dạy học trên truyền hình, internet đảm bảo tính đồng bộ.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".