Thi TNPT lần 2: Không hy vọng có thêm nhiều TS đỗ

Thi TNPT lần 2: Không hy vọng có thêm nhiều TS đỗ
TP - Theo nhiều cán bộ quản lý ngành GD&ĐT ở các địa phương, họ không kỳ vọng vào việc thay đổi đáng kể tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp phổ thông 2007 lần 2 qua lần thi ngày 18/8.

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2007 lần 1, Tuyên Quang đứng ở vị trí “đội sổ” về tỷ lệ thi đỗ.

Với hệ phổ thông, Tuyên Quang có 11.623 thí sinh dự thi thì chỉ có khoảng 1.630 thí sinh đỗ tốt nghiệp (đạt tỉ lệ đỗ 14,1%), hệ bổ túc có 913 thí sinh thi thì chỉ 2 thí sinh đỗ (đạt tỉ lệ 0,22%).

Do đó, kỳ thi tốt nghiệp thứ 2 trong năm được xem là một cơ hội cần chớp lấy với gần 11.000 học sinh (HS).

Ngay sau khi biết kết quả thi lần 1, Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã chỉ đạo các trường tổ chức tư vấn cho HS về việc đăng ký ôn tập và môn thi lần 2. Giáo viên (GV) chủ nhiệm sẽ chịu trách nhiệm tư vấn cho từng HS để các em lựa chọn môn thi theo xu hướng “dễ gỡ điểm” nhất.

Bắt đầu bước vào ôn tập thì các trường căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp lần 1 để tổ chức sắp xếp lớp học cho các em. Nhóm nào đạt điểm “suýt đỗ” (thiếu một vài điểm/ 6 môn) vào một lớp. Nhóm nào thiếu nhiều điểm thì học chung cùng một lớp.

Việc chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học ở mỗi trường được thực hiện chặt chẽ như trong năm học: xếp thời khóa biểu, phân công GV đứng lớp, có trực ban giám hiệu, có sổ đầu bài, sổ điểm.v.v...

Ông Đoàn Văn Ninh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang cho biết: “Các em học yếu, lại vừa trải qua thất bại nên dễ nhụt chí, nản lòng. GV phải vừa dạy, vừa dỗ để khích lệ các em phấn đấu, quyết tâm cho kỳ thi trước mắt. Các GV của chúng tôi vẫn thường động viên các em rằng, kỳ thi thứ 2 này là một cơ hội không nên bỏ lỡ bởi các em đi thi trong điều kiện “có vốn” (điểm kỳ thi lần 1 - PV). Nếu trượt, sang năm các em phải thi lại hoàn toàn cả 6 môn”.

Tuy là học kỳ 3 đầy chật vật nhưng nhìn chung các tỉnh đều làm tốt việc vận động HS tham gia các lớp ôn tập tại trường. Tỉnh Hòa Bình có số HS đến ôn tập đạt khoảng 80%. Có những lớp chỉ vài ba em (do môn thi đó ít thí sinh đăng ký thi lại) GV vẫn phải dạy. Nghệ An chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo ông Nguyễn Tài Công - Trưởng phòng giáo dục Trung học Sở GD & ĐT Nghệ An thì ngoại trừ một số huyện miền núi, hầu hết HS trượt tốt nghiệp của các huyện vùng xuôi đều đăng ký học lại.

Không nhiều hy vọng

Trước giới truyền thông, lãnh đạo Sở GD & ĐT các địa phương đều xác định, kỳ thi lần 2 sẽ nghiêm túc, quy củ không kém gì lần 1. Ông Đoàn Văn Ninh nói: “Phụ huynh và học sinh của chúng tôi đều tỏ rõ quyết tâm cao. Nhưng kết quả đạt đến đâu còn chờ vào thực tế kỳ thi. Với chúng tôi, mục đích của kỳ thi thứ 2 là đạt được kết quả thực chất kiến thức của các em sau 2 tháng ôn luyện. Tỉ lệ đỗ được bao nhiêu không thành vấn đề”.

Theo ông Ninh, số thí sinh đỗ thêm ở kỳ thi lần 2 tới bằng số thí sinh đỗ ở kỳ thi lần 1 cũng là một kết quả đáng mừng. Ông Hà Đức Hạnh - Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD & ĐT Hòa Bình cũng cùng quan điểm đó: “Chúng tôi cũng chỉ mong tổng cộng cả 2 đợt thi Hòa Bình đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 50%”.

Đợt 1, Hòa Bình đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 33,3%. Có thể nói, Hòa Bình là một trong những địa phương mong mỏi thật lòng có được những kỳ thi tốt nghiệp thực chất. Ở kỳ thi đợt 1, sau phúc khảo, cả tỉnh Hòa Bình chỉ có thêm 2 thí sinh đỗ.

Theo những nhà giáo có kinh nghiệm, trong thời gian vài tháng ôn luyện, để trình độ của học sinh được nâng lên 1 - 2 điểm là điều hết sức chật vật, nhất là với diện HS “hổng từ dưới hổng lên”.

Do đó, niềm hy vọng của các Sở GD & ĐT về việc cải thiện tỉ lệ đỗ tốt nghiệp qua kỳ thi lần 2 chủ yếu được đặt vào diện thí sinh chỉ thiếu 1 - 2 điểm. Thực tế đó cũng ảnh hưởng nhiều tới tâm lý những thí sinh phải thi lại lần 2.

Cán bộ một Sở GD & ĐT cho biết: “Khi đi kiểm tra các trường về việc ôn tập cho HS, chúng tôi nhận thấy 2 xu hướng biểu hiện tâm trạng khác nhau của HS. Những em đợt 1 được 27 - 28 điểm thì có vẻ phấn chấn, lạc quan. Những em trên dưới 20 điểm thì có vẻ chán nản rõ rệt, mà số thí sinh này lại chiếm phần nhiều”.

Hướng đi nào cho những học sinh trượt tốt nghiệp cả 2 lần?

Tỉnh Hòa Bình có chủ trương cho HS trượt tốt nghiệp cả 2 lần học lại. Trường nào thiếu lớp học thì cho học sinh lớp 12 học 2 ca. GV sẽ được vận động để dạy thêm giờ.

Theo một cán bộ Sở GD&ĐT Hòa Bình, với khoảng 4.000 HS trượt tốt nghiệp với một tỉnh như Hòa Bình sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp nếu số lượng này không được quản lý tốt. Để các em tự ôn tập ở nhà thì ngành GD & ĐT cũng như gia đình của các em sẽ không yên tâm. Vả lại, những HS này vốn dĩ học kém, nếu không có động lực (thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá) các em sẽ không muốn học và hệ quả là sẽ tiếp tục trượt tốt nghiệp phổ thông ở những năm tiếp theo.

Vị cán bộ này nói: “Với xu hướng thi cử nghiêm túc như hiện nay, nhà nước cần xác định mỗi năm một địa phương như chúng tôi sẽ có nhiều nghìn HS trượt tốt nghiệp. Vì thế, cần phải có giải pháp đồng bộ để giải quyết các vấn đề xã hội từ con số hàng nghìn HS trượt tốt nghiệp đó”.

Nhiều địa phương khác cũng đều lên phương án tổ chức “học lại” cho HS trượt tốt nghiệp. Nhưng hình thức “học lại” như thế nào là cả một bài toán phải giải quyết.

Ông Nguyễn Tài Công (Sở GD & ĐT Nghệ An) phân tích: “Những HS này đã đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp nên không thể xếp các em vào diện lưu ban. Do đó các em phải tự ôn tập, hoặc ôn tập dưới sự hướng dẫn của trường THPT, hoặc đăng ký học tập tại một trung tâm GD thường xuyên nào đó”. Nếu lựa chọn hình thức ôn tập thứ 2, việc học lại của HS đương nhiên là hoạt động “học thêm”, do đó trách nhiệm phải đóng góp kinh phí của các em là không thể tránh khỏi.

Ông Công nói: “Với những HS vùng xuôi thì không có vấn đề gì. Nhưng với HS miền núi, việc đóng góp của các em rất khó khăn. Do đó, Sở GD & ĐT Nghệ An đã tham mưu với UBND tỉnh chuyển một phần trong kinh phí sự nghiệp cho các huyện miền núi để họ trả tiền bồi dưỡng cho GV tham gia ôn tập cho những HS trượt tốt nghiệp năm nay”.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...