Thi tổ hợp phải học theo kiểu tổ hợp

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Đó là ý kiến của thầy Nguyễn Huy Bính, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) khi nhận định về dự thảo thi THPT quốc gia 2017. Theo thầy, không thể học một đường rồi thi một nẻo.

Thầy nói: “Phải thừa nhận rằng việc thi các môn tổ hợp đem lại nhiều lợi thế cho học sinh: học nhẹ hơn, thi trắc nghiệm nhiều đồng nghĩa ít câu hỏi mang tính chất “khó nhằn” hơn. Tuy nhiên, áp dụng vào năm tới thì quá vội vàng”. 

Với 20 câu hỏi mỗi môn cho hình thức trắc nghiệm, chắc chắn sẽ không đòi hỏi kiến thức quá cao, dàn trải để làm bài. Thầy dẫn chứng: “Chẳng hạn như môn Toán, nếu làm bài thi tự luận thì có những câu hóc búa các em phải giải nửa giờ đồng hồ mới ra. Còn thi trắc nghiệm trong định lượng thời gian 1,8 - 2 phút, không thể nào ra để “khó nuốt” cho các em. Như vậy, khối lượng bài vở của các em nhẹ nhàng hơn, chỉ cần nắm chắc kiến thức là có thể đạt điểm cao”. Với những thay đổi trong dự thảo thi THPT, thầy nhận định rằng đó là một “cú hích” của ngành GD&ĐT nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học, giúp học sinh “dễ thở” hơn trong việc thu nạp kiến thức cũng như ôn luyện để vượt vũ môn. Tuy nhiên, nếu áp dụng trong năm 2017 tới thì quá sức vội vàng. Lý do, học sinh chưa tập dượt cách thi cử này ở cơ sở mà đã phải “ra trận” ngay. 

Thầy phân tích: “Nếu chọn thi tổ hợp thì phải dạy và học theo cách tổ hợp. Không ai đời sách chưa ra, giáo viên chưa biết dạy tổ hợp thế nào lại đem học trò đi thi. Nên soạn sách tổ hợp cho các em học ngay từ lớp 10 đến hết lớp 12 để có thời gian tiếp cận, làm quen. Nhất định giảng dạy phải đi trước. Trong quá trình học phải cho các em thi thử đề tổ hợp xem có thích ứng không, từ đó cân nhắc sửa đổi. Cứ đùng đùng áp dụng thì học sinh vẫn mãi là “chuột bạch” thôi”.  Sự nóng vội của dự thảo này khiến mọi người vô cùng băn khoăn về cách tính điểm vào ĐH: tính tổng ba môn tổ hợp hay từng môn cấu thành. Nếu mỗi trường ĐH lấy điểm mỗi kiểu thì sẽ tạo nên sự hỗn loạn vô cùng lớn.

MỚI - NÓNG