Thi tốt nghiệp, bi hài "dế" với "phao"

Thi tốt nghiệp, bi hài "dế" với "phao"
TP - Theo những giáo viên làm giám thị lâu năm, ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua, trong số hàng ngàn thí sinh bị đình chỉ thi và hủy kết quả, nhiều em trượt oan do thiếu hiểu biết về quy chế thi.

Kỳ thi năm 2007 với thầy giáo Phạm Văn Hoan - Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội và các đồng nghiệp cùng trường thật đáng nhớ.

áng nhớ không chỉ bởi đó là kỳ thi đầu tiên cả nước thực hiện phong trào “hai không”, mà còn vì trong số thí sinh dự thi của trường có một em bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi.

Thầy Hoan kể: “Một học sinh nữ, ngoan, học lực trung bình khá, chưa bao giờ và cũng không biết sử dụng điện thoại di động. Nhưng, những ngày thi tốt nghiệp, bố em sắp mất (vì ung thư), nên gia đình đưa điện thoại di động để kịp thời thông tin nếu có chuyện chẳng lành.

Buổi thi đầu tiên, đúng lúc em chuẩn bị nộp bài thì điện thoại trong túi đổ chuông. Vậy là, em ấy bị lập biên bản, bị đình chỉ thi các môn tiếp theo. Mấy ngày sau, bố em mất. Nhà trường cũng chỉ có thể đến chia buồn và động viên, giúp đỡ em ôn tập để thi lại lần hai”.

Cô giáo Phạm Hà Thanh - trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, Hà Nội, thâm niên lâu năm làm thanh tra thi, cũng từng chứng kiến nhiều câu chuyện liên quan tới điện thoại di động.

Năm ngoái, ở một hội đồng khu vực huyện Phú Xuyên, một thí sinh bị lập biên bản vì giám thị phát hiện mang điện thoại di động vào phòng thi. Thấy vậy, một thí sinh khác cũng vội vàng mang điện thoại lên nộp với hy vọng tự giác sẽ không bị lập biên bản. Kết quả, cả hai thí sinh bị đình chỉ thi.

Cô Thanh nói: “Các em tự giác kiểm soát, bỏ ra khỏi người tài liệu và những vật dụng không được mang vào phòng thi là rất tốt. Nhưng, các em phải thực hiện điều đó khi chưa phát đề. Còn sau phát đề, mọi sự tự giác đều là muộn”.

Theo nhiều thầy cô giáo, một số học sinh chưa thật sự nhận thức được tác hại của việc mang điện thoại di động vào phòng thi nên nhiều em tìm cách mang vào, dù chẳng để làm gì.

Có em mang điện thoại vào, tắt nguồn hẳn hoi, nhưng chiếc điện thoại phản chủ nhằm lúc chủ nhân đang vặn vẹo người (cho đỡ mỏi) lúc ngồi trong phòng thi thì rơi bịch ra ngoài. 

Chìm vì phao

Chưa năm nào, số thí sinh bị lập biên bản đình chỉ thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả nước nhiều như năm 2007, khoảng 2.621 trường hợp. Năm ngoái, tình trạng thí sinh vi phạm quy chế thi, tuy được cải thiện rõ rệt, nhưng vẫn còn 1.076 em bị lập biên bản đình chỉ thi, trong đó, phần lớn do mang tài liệu vào phòng thi.

Nhiều thí sinh cho rằng, mang tài liệu (phao) là dự phòng, nếu giám thị dễ thì có cái để quay khi cần thiết, nếu giám thị khó thì án binh bất động sẽ chẳng sao.

Theo thầy Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), đây là ý nghĩ ngây thơ. Thầy Đại phân tích: “Một phòng thi chỉ có 24 thí sinh, hai giám thị. Do đó, thí sinh làm gì, giám thị đều kiểm soát được.

Trong kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh hay dùng phao đối với các môn xã hội và môn sinh (những môn này thí sinh ít chịu đầu tư học, bởi phần lớn chỉ quan tâm các môn thi đại học, cao đẳng khối A).

Trong đó, môn sinh, các em phải làm 40 câu trong 60 phút; môn địa thi tự luận nhưng cũng chỉ có 90 phút. Việc loay hoay với phao chỉ làm mất thời gian ít ỏi của các em. Cơ may ít (nếu có may cùng lắm cũng chỉ thêm được một vài điểm), rủi ro rất cao (có thể mất trắng cả kỳ thi)”.

Trong các kỳ thi năm trước, có thí sinh nam mang tài liệu vào để ở túi áo. Thí sinh không giở ra xem nhưng giám thị thấy túi áo cộm, đề nghị thí sinh bỏ các giấy tờ vật dụng trong túi ra. Vậy là lộ phao!

Hoặc một trường hợp khác, phóng viên Tiền Phong chứng kiến, trong kỳ thi năm ngoái tại một hội đồng giáo dục thường xuyên huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Thí sinh giấu phao dưới ghế rồi ngồi đè lên. Giám thị không phát hiện ra, nhưng ông Trần Bá Giao, lúc đó là Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, đi ngang qua, thoáng nhìn thấy tư thế ngồi không bình thường của thí sinh, liền yêu cầu giám thị buộc thí sinh này đứng dậy.

Thấy vậy, giám thị chạy đến nói đỡ cho thí sinh. Vì thế, giám thị này cũng được thanh tra Bộ yêu cầu xử lý theo quy chế.

Ông Trần Bá Giao - nguyên Phó Chánh thanh tra, Bộ GD&ĐT: Để tránh những hậu quả không đáng có, khi vào kỳ thi, thí sinh nên tâm niệm một điều: Không được mang bất kỳ tài liệu và vật dụng không được phép vào phòng thi.

Khi mang vào và bị phát hiện, dù sử dụng hay chưa sử dụng, các em đều bị lập biên bản đình chỉ thi và bị hủy kết quả cả kỳ thi.

Dù ở trường, các em đã được học quy chế, giáo viên, cũng như giám thị nhắc nhở nhiều nhưng theo tôi, nếu các em được cha mẹ quan tâm nhắc nhở thì những tình huống đáng tiếc đó sẽ không xảy ra.

Khi vào phòng thi, các em khá giỏi nên cẩn thận trong việc giữ bài thi, giấy nháp. Nếu thương bạn hoặc thái độ thiếu quyết liệt, để bạn lấy bài hoặc giấy nháp thì khi bị phát hiện, bản thân mình sẽ bị xử lý.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.