Thi tốt nghiệp THPT 2014: Những ca thi chỉ có một thí sinh

 Học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Viên - Hà Nội trong giờ làm bài thi tốt nghiệp năm 2013. ảnh: Ngọc Châu
Học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Viên - Hà Nội trong giờ làm bài thi tốt nghiệp năm 2013. ảnh: Ngọc Châu
TP - Theo nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, việc ít hay nhiều học sinh lựa chọn môn nào đó làm môn thi tốt nghiệp không phụ thuộc vào thái độ của các em với môn học. Đó chỉ là những giải pháp thực tế, dựa vào những tính toán thông minh của học sinh.

Năm nay, tỉnh Hòa Bình có 8.860 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT (kể cả học sinh hệ GD Thường xuyên). Trong số này chỉ 529 em chọn thi môn ngoại ngữ mà phần lớn là học sinh của trường chuyên. Tuy nhiên, ở 36 hội đồng thi còn lại trên toàn tỉnh, hầu như hội đồng nào cũng có học sinh đăng ký dự thi môn ngoại ngữ. Vì trải đều ra như thế mà số thí sinh thi ngoại ngữ ở nhiều hội đồng chỉ lác đác dăm bảy em. Thậm chí có nhiều hội đồng chỉ một vài em.

Riêng số hội đồng chỉ có duy nhất một em thi là ba đơn vị: THPT Mường Bi (huyện Tân Lạc), THPT Nguyễn Trãi (huyện Lương Sơn), THPT Thạch Yên (huyện Cao Phong). Một cán bộ quản lý Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: “Dẫu chỉ có một thí sinh một phòng thi nhưng hội đồng vẫn phải bố trí ít nhất 12 người tham gia phục vụ ca thi đó: một chủ tịch hội đồng, hai phó chủ tịch, ba thư ký, ba giám thị, công an bảo vệ, y tế mỗi lực lượng một người. Nhưng quan điểm của chúng tôi là tôn trọng sự lựa chọn của các em, tạo điều kiện tốt nhất để các em dự thi”.

Được biết, hiện tượng cả hội đồng thi chỉ có một vài thí sinh dự thi một môn nào đó xuất hiện khá nhiều ở các tỉnh/thành khác, và phổ biến với hai môn ngoại ngữ và lịch sử (hai môn mà nhìn chung trên toàn quốc có tỷ lệ thí sinh lựa chọn thấp nhất). 

Theo ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, giữa tháng 3 các trường trong tỉnh đã cho học sinh thử đăng ký chọn môn thi. Một số em thấy môn mình chọn thi ít thí sinh quá đã chuyển hướng chọn môn khác. Những em vẫn quả quyết với lựa chọn ban đầu nói chung đều là học sinh giỏi những môn mà các em chọn thi. 

Ông Hợi nhận xét: “Việc ôn tập với những học sinh này khá đơn giản vì các em có nền tảng kiến thức tốt sẵn rồi. Chỉ là khó khăn với hội đồng thi trong việc tổ chức coi thi. Nhưng chúng tôi thống nhất quan điểm với Bộ GD&ĐT là đáp ứng hoàn toàn nguyện vọng của các em”.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, với những hội đồng thi chỉ có một vài học sinh thi một môn, Bộ GD&ĐT cho phép hội đồng “gửi” thí sinh sang dự thi ở hội đồng bên cạnh để thuận lợi hơn cho khâu tổ chức. Tuy nhiên nhiều địa phương cho biết giải pháp này không cần thiết bởi học sinh thường mong muốn được thi tại địa điểm gần nhà và quen thuộc.

Sử: vì sao ít lựa chọn?

Dù môn sử là môn có tỉ lệ thí sinh chọn thi bình quân trên cả nước thấp nhất nhưng trên thực tế có sự khác nhau khá rõ về tỷ lệ thí sinh chọn thi ở từng địa phương. Qua dữ liệu về kỳ thi tốt nghiệp của từng trường có thể nhận thấy thí sinh ở các khu vực trung tâm hoặc vùng kinh tế thuận lợi thường nghiêng sự lựa chọn về hai môn lý, hóa. Còn học sinh ở các vùng khó khăn, và đặc biệt học sinh hệ GD Thường xuyên thường dành ưu tiên số một cho địa, sau đó đến sử.

“Dẫu chỉ có một thí sinh một phòng thi nhưng hội đồng vẫn phải bố trí ít nhất 12 người tham gia phục vụ ca thi đó”.

Một cán bộ quản lý sở GD&ĐT Hòa Bình

Chẳng hạn, ở Hòa Bình, hệ GD Thường xuyên có 1.092 thí sinh nhưng chỉ 3 em chọn thi môn lý (0,27%), trong khi đó 1.011 em chọn thi sử (92,58%). Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cũng kha khá số địa phương có số thí sinh đăng ký dự thi môn sử chiếm từ 1/3 tổng số thí sinh đăng ký dự thi trở lên: Cao Bằng (54,52%), Điện Biên (52,96%); Bắc Kạn (48,13%), Lai Châu (38,41%), Sơn La (33,26%), Lạng Sơn (32,84%), Hoà Bình (31,49%). Theo nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thì nhìn chung học sinh tỏ ra thông minh trong việc lựa chọn môn nào để thi tốt nghiệp.

Ông Ngô Văn Hợi phân tích: “Những em có học lực không tốt thường có xu hướng chọn môn tự luận vì khả năng đỗ sẽ cao hơn. Lựa chọn này là kết quả tính toán dựa trên một số điểm mới mà Bộ GD&ĐT quy định cho kỳ thi năm nay: điểm liệt là điểm 1 thay vì điểm 0 như mọi năm; 50% điểm xét tốt nghiệp là điểm quá trình lớp 12. Điểm thi thì gồm bốn môn, trong đó có hai môn bắt buộc văn và toán thì thường các em được ôn tập rất chắc chắn rồi. Còn hai môn nữa thì nhiều em chỉ cần làm sao tránh điểm liệt”.

Nhiều cán bộ, giáo viên cũng cho rằng việc nhiều hay ít học sinh lựa chọn những môn học nào đó để thi tốt nghiệp không hề thể hiện thái độ của các em với môn học, càng không đánh giá được sự yêu thích hay ghét bỏ của các em với lĩnh vực tương ứng. 

Giáo viên một trường THPT ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nêu ví dụ: “Có thể xem môn tiếng Anh là một môn thời thượng, nhưng cả huyện tôi chỉ có 28 em thi, sử dẫu sao cũng còn được hơn 50 em. Như vậy nếu chỉ nhìn vào con số thì không thể đánh giá được điều gì. Điều kiện dạy học ngoại ngữ ở Nghĩa Đàn còn nhiều khó khăn, vì thế nếu chọn thi ngoại ngữ các em khó có kết quả như mong muốn. Từ góc độ quyền lợi học sinh thì các em lựa chọn cái gì thuận lợi, dễ dàng hơn là chuyện bình thường. Giáo viên chúng tôi vẫn nói với nhau, giả sử giờ không bắt buộc học sinh thi môn toán thì chưa chắc đã nhiều em đăng ký!”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.