Thi tốt nghiệp PT 2007: Chặt hơn, thật hơn

Thi tốt nghiệp PT 2007: Chặt hơn, thật hơn
TP - Trong ba ngày 30, 31/5 và 1/6, 1.065.508 thí sinh trên toàn quốc đã hoàn thành 6 môn thi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2007. Đây là kỳ thi đầu tiên cả nước thực hiện chỉ thị của Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. 

>> Đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT

Thi tốt nghiệp PT 2007: Chặt hơn, thật hơn ảnh 1

Sẽ tìm được nhiều niềm vui từ kỳ thi PTTH năm 2007. Ảnh: Phạm Yên

Trong cuộc họp báo diễn ra vào lúc 17 giờ chiều  qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long đánh giá:

“Tuy còn có những hạn chế, thiếu sót nhưng nhìn chung kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2007 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; đánh dấu sự chuyển biến rất tích cực nhằm thực hiện chủ trương lập lại kỷ cương, đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử của ngành GD&ĐT”.

Kết quả tỷ lệ đỗ thế nào chấp nhận như thế

Trong cuộc họp báo, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đã được các phóng viên đặt ra là việc chấm thi sẽ được tiến hành thế nào? Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD& ĐT) Nguyễn An Ninh cho biết, việc chấm thi vẫn diễn ra như mọi năm: Sở GD&ĐT các địa phương thực hiện.

Sở GD&ĐT sẽ thành lập các Hội đồng chấm thi. Các môn thi trắc nghiệm chấm bằng máy. Còn các môn thi tự luận thì đương nhiên phải chấm thủ công (do giáo viên chấm), việc tổ chức chấm thi phải tuân thủ quy trình chấm thi mà quy chế đã quy định.

Ông Nguyễn An Ninh khẳng định: “Bộ GD&ĐT hoàn toàn kiểm soát được kết quả chấm thi các môn trắc nghiệm của các địa phương do dữ liệu được lưu trong bộ nhớ máy quét. Do đó, khả năng sửa điểm, nâng điểm cho thí sinh các môn trắc nghiệm ở các địa phương khó xảy ra, nếu xảy ra cũng sẽ dễ dàng bị phát hiện”.

Với các môn tự luận, việc phát hiện hoạt động điều chỉnh kết quả theo ý muốn của địa phương tương đối khó. Nhưng theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, đây không phải là vấn đề đáng ngại: “Các môn thi đều có đáp án, ba rem điểm rõ ràng, công khai. Thí sinh làm bài như thế nào, kết quả chấm thi sẽ thể hiện như thế.

Bộ đã có các quy định nhằm đảm bảo việc chấm thi công bằng, khách quan. Để giúp Bộ giám sát việc thực hiện chấm thi đúng là lực lượng thanh tra chấm thi, phát hiện trường hợp nào vi phạm thì sẽ xử lý theo quy chế. Tất nhiên, công việc này không đơn giản nhưng vẫn phải thực hiện”.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên về dự đoán tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi lần thứ nhất năm 2007 này, Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định: “Bộ GD&ĐT không hề có ý định dự đoán tỉ lệ đỗ trong kỳ thi năm nay. Thực tế kết quả làm bài của thí sinh thế nào, Bộ GD&ĐT chấp nhận như thế”.

Cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ giám sát kỳ thi: Giải pháp đột phá

Từ nhiều năm nay, chưa có năm nào số thí sinh bị phát hiện vi phạm quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nhiều như năm 2007. Năm ngoái, trong ba ngày thi trên cả nước chỉ có mấy trăm thí sinh bị phát hiện vi phạm quy chế mà phần lớn lại là thí sinh thi tốt nghiệp bổ túc THPT.

Năm nay, số thí sinh bị phát hiện vi phạm quy chế tăng lên khoảng 7 – 8 lần. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT (đến 17 giờ ngày 1/6/2007), cả nước có 2.522 thí sinh vi phạm quy chế (ở cả 6 môn thi), trong đó thí sinh THPT là 1.464.

Thứ trưởng Bành Tiến Long nhận xét, con số này là một dấu hiệu cho thấy năm nay trường thi kỷ cương hơn, kỷ luật nghiêm minh hơn, quy chế chặt chẽ hơn.

Có một chi tiết đáng chú  ý: mọi năm, rất hiếm các trường hợp thí sinh bị phát hiện vi phạm quy chế thi do thanh tra ủy quyền của Bộ GD& ĐT (là cán bộ, giáo viên phổ thông của các Sở GD&ĐT) phát hiện ra.

Các vụ việc tiêu cực gây sự chú ý trong dư luận xã hội chủ yếu do chính dư luận xã hội và giới truyền thông phát hiện. Tính chủ động phát hiện tiêu cực của các thành phần tham gia kỳ thi của chính ngành GD&ĐT rất kém. Tuy nhiên, năm nay tình trạng này có những chuyển biến đột phá.

Theo thống kê chưa đầy đủ (được tập hợp từ 39/65 đoàn thanh tra ủy quyền), số biên bản ghi nhớ do thanh tra ủy quyền lập (đề nghị xử lý kỷ luật thí sinh vi phạm quy chế) là 230. Có nhiều hội đồng, thanh tra ủy quyền phát huy hiệu quả tối đa. Nhiều thanh tra đã phát hiện hiện tượng tiêu cực, gian lận thi cử dù mỗi hội đồng thi với hàng chục phòng thi chỉ có hai thanh tra ủy quyền.

Chẳng hạn, tại một hội đồng thi ở Lương Sơn (Hoà Bình) có thanh tra ủy quyền đã giúp giám thị phát hiện 4 thí sinh ở 4 phòng thi khác nhau có hành vi vi phạm quy chế.

Điển hình cho tính chủ động, tích cực của thanh tra ủy quyền trong việc giám sát hội đồng thi là việc phát hiện vụ tổ chức giải bài thi ngay trong hội đồng thi ở TTGDTX Lương Tài, Bắc Ninh (báo Tiền phong số 152 ra ngày 1/6/2007 đã có bài phản ánh chi tiết).

Ông Nguyễn Văn Tại – Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định: “Tại các địa phương mà chúng tôi đã đến, từ Chủ tịch hội đồng thi đến các giám thị đều cho rằng, sự có mặt của thanh tra uỷ quyền là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ đã tăng tính nghiêm túc cho kỳ thi”.

Được biết, với việc huy động lực lượng gần 6.000 thanh tra uỷ quyền, nhà nước phải chi phí thêm cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông khoảng 9 tỷ đồng. Thứ trưởng Bành Tiến Long nhận xét: “Với mục tiêu đảm bảo chất lượng học thật, thi thật, chất lượng thật cho 1 triệu con người thì hiệu quả chúng ta đạt được cao hơn rất nhiều lần so với cái chúng ta cần chi phí”.

Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, sau này Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp cả cán bộ giảng viên ĐH, CĐ với giáo viên phổ thông cùng tham gia coi thi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Thực hiện ngay việc chi trả trợ cấp mới

Mấy ngày qua, Tiền phong nhận được thắc mắc của nhiều giám thị coi thi ở nhiều địa phương khác nhau về việc họ chỉ nhận được mức trợ cấp theo thông tư cũ (25 000 đồng/ người/ ngày).

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch mới từ ngày 18/5/2007 có nội dung chi trợ cấp cho giám thị coi thi mức tối đa 70.000 đồng/ngày.

Trao đổi với Tiền phong sau cuộc họp báo, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết, sở dĩ nhiều địa phương vẫn thực hiện mức trợ cấp cũ (quy định từ năm 2001) là do về nguyên tắc thông tư mới có hiệu lực từ 3/6/2007.

Tuy nhiên, sau khi ban hành thông tư trên, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính đã làm việc với nhau và thống nhất: Cho phép thực hiện nội dung thông tư mới ngay trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2007. Liên bộ đã có văn bản thông báo về nội dung này tới tất cả tỉnh, thành trên cả nước từ ngày 29/5/2007.

MỚI - NÓNG