Thi trắc nghiệm không kích thích sự sáng tạo

Thi trắc nghiệm không kích thích sự sáng tạo
TP - Nếu muốn nhanh chóng kiểm tra, xem xét, học sinh có nắm kiến thức đến đâu thì có thể nên dùng trắc nghiệm, nhưng muốn đi sâu vào cách học, cách tư duy, rèn óc thông minh, sáng tạo... thì phải dùng tự luận.
Thi trắc nghiệm không kích thích sự sáng tạo ảnh 1
Sự sáng tạo là yếu tố quyết định trong thời “thế giới phẳng”! Ảnh: Hồng Vĩnh

Tôi có đọc bài báo “Thi trắc nghiệm có điều gì hay, có gì dở” của Giáo sư (GS), Viện sỹ Nguyễn Cảnh Toàn, một nhà giáo có uy tín và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước nhà đăng trên báo Văn Nghệ số 27 (ngày 7/7/2007).

Tác giả đã phân tích rất sâu sắc về thi trắc nghiệm trong đó có nhấn mạnh: Việc đặt ra những câu hỏi trắc nghiệm như vậy không phải là chuyện dễ, cho nên việc chuẩn bị được ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho một kỳ thi nào đó là một việc đòi hỏi công phu.

Vả chăng một ngân hàng như vậy không thể dùng mãi, vì dùng nhiều lần cách trả lời cho từng câu hỏi sẽ lộ hết, nên phải sửa đổi thường xuyên. Đặc biệt, GS Nguyễn Cảnh Toàn cũng cảnh báo thi trắc nghiệm cũng không kiểm tra tư duy biện chứng và tư duy hình tượng của học sinh.

Tôi là một giáo viên giảng dạy triết học trong đó có môn lôgíc học. Tôi thấy ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy, con người chỉ có thể tư duy thông qua ngôn ngữ.

Ngôn ngữ nó rất quan trọng trong giao lưu thầy - trò, nó biểu hiện của tư tưởng, tình cảm mà trắc nghiệm thì không thể kiểm tra được một cách đầy đủ. Vì  “cái gì mà nhận thức tốt thì nói ra được rõ ràng”.

Chúng ta đang phải chịu một nền giáo dục lạc hậu, không tạo ra cho người học sự “sáng tạo”, lối truyền thụ kiến thức một chiều thầy đọc trò ghi, sinh viên ra trường rất thụ động không hòa nhập ngay với thực tiễn nghề nghiệp.

Hiện nay, quan niệm học không chỉ học văn hóa mà còn phải học các kiến thức khác, để làm việc để sáng tạo, để làm người, để sống tốt hơn, thích ứng với sự thay đổi của xã hội.

Muốn vậy chúng ta phải trang bị cho người học tư duy biện chứng mà tư duy biện chứng chấp nhận “luật phi bài trung”, còn trắc nghiệm chấp nhận luật bài trung (chỉ dùng có hai tín hiệu đúng sai không có tín hiệu trung gian).

Mặt khác giáo dục trong thời đại khoa học công nghệ, thời kỳ hội nhập WTO, toàn cầu hóa hôm nay thì sự sáng tạo là hết sức cần thiết của mọi người học. Bản chất của sự sáng tạo là nhìn nhận xem xét sự vật trong trạng thái động, sự vận động không ngừng của thế giới vật chất. Chỉ có vận dụng tư duy biện chứng và tư duy hình tượng mới tạo ra sự sáng tạo, vì qui luật bài trung cho rằng hai phán đoán phủ định nhau cùng phản ánh một dấu hiệu của một đối tượng trong những điều kiện xác định thì không thể cùng sai mà luôn có một đúng.

Vì thế nếu ta muốn nhanh chóng kiểm tra, xem xét, học sinh có nắm kiến thức đến đâu thì có thể nên dùng trắc nghiệm, nhưng muốn đi sâu vào cách học, cách tư duy, vào phẩm chất con người có liên quan đến hiệu quả học tập theo hướng, rèn óc thông minh, sáng tạo thì phải dùng tự luận.

Nếu tất cả các môn học tới như toán, sử, địa đều thi trắc nghiệm 100% thì thật đáng phải suy nghĩ? Theo tôi mỗi bài thi chỉ dùng 20% trắc nghiệm còn lại là tự luận. Nhất là đối với toán học không chỉ là khoa học thuần túy về mặt lý luận mà còn có vai trò tích cực trong hoạt động nhận thức của con người, toán học được mệnh danh là “thể dục trí não” và sự sáng tạo của nó luôn gắn với tư duy biện chứng.

Hoặc nếu môn sử mà trắc nghiệm hết thì còn chỉ có số liệu, ngày, tháng , năm, thôi thì càng đáng buồn? Làm sao kiểm tra cho người  học có phẩm chất của tư duy “sáng tạo” nhất là đối với các môn học vốn bị định kiến là khô khan, đòi hỏi người học càng cần đến cái xúc cảm trước cái đẹp, cái tài, cái bay bướm, cái có ích và càng cần đến óc tưởng tượng dồi dào.

Ví dụ: Khi miêu tả Nguyễn Huệ cưỡi voi đại phá quân Thanh mà chỉ có ngày tháng thôi ư? Hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp dàn quân ở Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp… nếu chỉ hỏi theo trắc nghiệm thì làm sao mà hay được?

Khi thi trắc nghiệm 100% thì kéo theo tư duy của người dạy là “thi thế nào thì dạy thế đó”. Phương pháp trắc nghiệm vận dụng nhiều hơn vào dạy và học thường ngày, đẩy lùi tự luận.

Phạm Xuân Trường
Giảng viên trường Sỹ quan lục quân 2

MỚI - NÓNG