Thi trắc nghiệm: Rắc rối, đến máy cũng chịu!

Thi trắc nghiệm: Rắc rối, đến máy cũng chịu!
TP - Kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2006 đã kết thúc với nhiều ấn tượng: Nghiêm túc hơn, kỷ luật siết chặt hơn và cũng căng thẳng với nhiều pha gay cấn do khoa học công nghệ mang lại: Điện thoại di động và đề thi trắc nghiệm.
Thi trắc nghiệm: Rắc rối, đến máy cũng chịu! ảnh 1
Ảnh: Phạm Yên

Đề thi  trắc nghiệm (TTN) môn ngoại ngữ lần đầu tiên ra mắt đã mang lại nhiều bối rối và những tiên lượng thật bất ngờ.

Sáng 10/7/2006, phóng viên báo Tiền phong đã có mặt tại trường ĐH Ngoại ngữ HN. Ngay từ những phút đầu tiên phát đề, các giám thị, dù còn rất trẻ, luôn nhắc các thí sinh úp đề thi xuống đợi 15 phút sau mới được làm bài.

Tuy nhiên, chợt nhận ra không thể thực hiện úp đề như quy định vì đề thi in 4 mặt thì úp mặt nào xuống thí sinh (TS) cũng nhìn được, các giám thị liền yêu cầu thí sinh đặt tờ phiếu trả lời TN lên trên đề thi.

Tuy nhiên, sau khi điền mã đề thi vào tờ phiếu chừng vài giây, TS không thể cầm lòng được, xem đề. Quy định về việc úp đề bị phá sản như nhiều trường nhận xét.

Ngay cả việc yêu cầu phát đề TTN vào cả những chỗ TS không đến thi để đảm bảo đề thi TN không trùng nhau khiến các TS dễ cop của nhau cũng khó thực hiện, bởi lẽ, theo phân tích của vị Chủ tịch HĐ tuyển sinh ĐHNN HN, nếu đề thi để ra, quạt hoặc gió sẽ làm bay tờ giấy thi càng dễ bề cho các TS, nếu có ý định gian lận, đổi đề của mình (được biết có hội đồng thi đã phải dùng băng dính để dính đề thi khi làm đúng như quy định của Bộ là phải phát đề thi theo đúng thứ tự, kể cả TS vắng mặt).

ĐH Ngoại ngữ không làm thế. Để ngăn ngừa tiêu cực và các rắc rối có thể xảy ra, trường thi này đã loại bỏ những trường hợp TS bỏ thi và phát thẳng đề thi cho các TS có mặt, vẫn đảm bảo không trùng lặp như quy định.

Tại cụm Vinh có 2 TS bắt phải mã đề 725 có tới 2 sự nhầm lẫn: Trong đề thi có 2 câu 23 và  lại có thêm câu 1 giống y hệt câu 27.  Có 1 TS rất giỏi sau ít phút đã phát hiện ra điều này. HĐ thi phải thay đề thi  cho TS.

Số thí sinh bị xử lý kỷ luật trong hai đợt thi năm nay chỉ bằng 76,76% so với 2 đợt thi năm 2005. Cụ thể số thí sinh bị kỷ luật là 1166, trong đó có 129 khiển trách, 73 cảnh cáo, 964 đình chỉ thi (năm 2005 có 1.549 trường hợp bị xử lý kỷ luật trong đó có 1.190 bị đình chỉ thi).

Đặc biệt năm nay nhiều thí sinh lợi dụng các phương tiện thông tin hiện đại để thực hiện hành vi gian lận trong tuyển sinh. Số lượng thí sinh sử dụng điện thoại di động nhiều hơn năm ngoái. Điều này đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo và cơ quan Công an đã kịp thời cảnh báo trong đợt 1 và ngăn chặn trong đợt 2.

Cả hai đợt có 34 cán bộ coi thi bị xử lý kỷ luật, trong đó có 10 bị đình chỉ công tác coi thi (năm 2005 có 18 cán bộ bị đình chỉ công tác coi thi).

Bà Đặng Kim Nhung, Phó Hiệu trưởng, UV HĐ  thi ĐHDL Thăng Long cho biết:

ĐHDL Thăng Long đã phải tập huấn đi tập huấn lại, kiểm tra từng bước xem có làm được không, nếu không làm được sẽ phải học lại...

Bà cho biết thêm, ĐHDL Thăng Long  vốn là trường có tổ chức thi TN cho sinh viên từ những năm trước nhưng đến khi thi, sinh viên đang theo học vẫn làm sai đến 1%.

Các lỗi chủ yếu là do tô nhầm. Một kỳ thi lớn như thế này, giả sử chỉ nhầm 0,5% thì số lượng cũng đáng để lo ngại. 

Bà Kim Nhung cảnh báo, nếu không cẩn thận, kỳ thi tuyển sinh năm nay sẽ có thể có rất nhiều nhầm lẫn với môn thi TN này và sẽ có nhiều khiếu nại.

Câu chuyện thi TN trở nên căng thẳng và phức tạp hơn khi vừa kết thúc giờ thi môn ngoại ngữ, hàng trăm TS gọi điện đến các báo phản ánh họ đã làm cả 80 câu hỏi môn thi TN của đề thi môn ngoại ngữ, vậy máy sẽ chấm thế nào và họ có bị thiệt thòi không?

Câu hỏi này của thí sinh được đem ra chất vấn Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT trong buổi họp báo  thông báo nhanh kết quả kỳ thi tuyển sinh. Tuy nhiên, vấn đề đã không được trả lời một cách thật rõ ràng, 3 người trong Ban chỉ  đạo thi được phân công trả lời câu hỏi này trả lời “ba phách” khác nhau.

Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT nói: Đề thi chỉ yêu cầu TS làm 60 câu và 10 câu tự chọn; TS nào làm được cả 80 câu là TS rất giỏi và cũng rất dở bởi lẽ đã không làm đúng theo yêu cầu của đề thi và máy chấm sẽ giải quyết được vấn đề.

Ông Trần Văn Nghĩa,  Phó Cục trưởng Cục Khảo thí trả lời ngay tại cuộc họp báo là máy chỉ chấm được 70 câu. Một nguồn tin riêng của báo Tiền phong nằm trong ban chỉ đạo thi cũng khẳng định điều này và còn cho biết thêm:

Điều này có nghĩa là máy chỉ chấm 70 câu đầu tiên vì vậy dù TS có làm 80 câu, máy cũng chỉ chấm 70 câu mà thôi. Nên dù những câu TS  làm  chính thức từ câu số 71 đến câu 80 và câu làm thêm để thử sức hay sơ ý (ví dụ, ở câu thứ  61-70) thì máy cũng sẽ chấm cho TS đó từ câu 1 đến câu 70.

Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp, ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã hứa sẽ giải quyết vấn đề theo hướng có lợi cho TS.

Vấn đề được đặt ra là máy móc không thể biết hướng nào là có lợi cho TS; vậy Bộ GD-ĐT sẽ làm cách gì để làm được việc này?

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.