Thi vào lớp 10: Có thí sinh khóc tu tu, hôm nay bước tiếp vào 'chảo lửa'

TP - Hôm qua (2/6), hơn 85.000 thí sinh Hà Nội đã trải qua hai môn thi Toán và Văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Kết thúc môn thi Văn thí sinh phấn chấn vì đề dễ, trong khi với môn Toán nhiều thí sinh bật khóc vì đề có yếu tố bất ngờ, cấu trúc đề thay đổi.

Sáng 2/6, như kế hoạch thí sinh Hà Nội bước vào môn thi đầu tiên, môn Ngữ văn. Đa số phụ huynh đưa con đến điểm thi từ rất sớm để vào phòng thi. Theo ghi nhận của PV, tại điểm Trường THCS Khương Đình, nhiều phụ huynh ở lại trước cổng trường đợi con suốt 120 phút làm bài thi.

Trong lúc chờ con thi, chị Hồ Hạnh Ngân chia sẻ, cả đêm qua chị lo lắng đến mức không ngủ được. Nằm mãi, đến 4 giờ chị dậy đồ xôi đỗ cho con gái ăn rồi hai mẹ con đến điểm thi. “Kết quả 4 năm THCS của con đạt loại giỏi nhưng thi cử còn có cả may rủi, chưa kể tâm lý con không tốt nên không thể yên tâm được”, chị Ngân nói. Cũng theo chị Ngân, năm nay con thi 4 môn, trong khi lâu nay gia đình không có điều kiện kinh tế để đầu tư cho con học thêm Ngoại ngữ nên trước kỳ thi con cứ kêu ca, lo lắng nhất về môn này.

Suốt 2 giờ đồng hồ có lẽ quý giá đến từng giây trong phòng thi thì ở ngoài cánh cổng trường, câu chuyện của những người phụ huynh vẫn loanh quanh chia sẻ với nhau học ôn ở đâu, thức đêm với con như thế nào, chọn trường gì…Những người phụ huynh xa lạ bỗng chốc vì một môn thi đã trở nên thân thiết hơn bao giờ hết. Nhiều người sau khi trò chuyện còn xin số điện thoại để “tiện liên hệ” hỏi han chuyện chọn trường ngoài công lập nếu “chẳng may con trượt”.

Điều đáng nói, dù được cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi, nhắc nhở các quy định nhưng trong buổi thi môn Văn, vẫn có 3 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động, tài liệu vào phòng thi. 3 thí sinh bị khiển trách vì trao đổi bài thi. Môn Toán có 2 thí sinh bị đình chỉ thi. Tại các điểm thi, dù được thông báo có mặt trước giờ làm bài thi khoảng 1 giờ đồng hồ để vào phòng thi tuy nhiên vẫn có không ít thí sinh đến sát giờ làm bài thi mới cuống cuồng chạy đến điểm thi.

 Khác với năm ngoái, kết thúc ngày thi đầu tiên, không có thông tin lộ, lọt đề thi. Không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.

Ðề Văn dễ, đề Toán khó

Kết thúc thời gian làm bài thi môn Ngữ văn, đa số thí sinh rời phòng thi với gương mặt rạng rỡ, tìm người thân. Nhiều em cho rằng, đề Văn vừa sức, nội dung câu hỏi đa số nằm trong chương trình, không có yếu tố bất ngờ và tự tin đạt điểm 7, điểm 8. Lê Anh Thư, học sinh Trường THCS  Thành Công là một trong số đó. Em chia sẻ, đề khá hay và phù hợp với đa số học sinh. Nếu chăm chỉ, các bạn sẽ không khó để lấy điểm 7 và em cũng dự đoán mình đạt điểm 7 môn này.

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An nhận định, đề thi vừa sức với thí sinh tuy nhiên nhiều năm nay, đề thi lặp đi lặp lại kiểu dạng, cấu trúc và nội dung kiến thức. Điều này ít nhiều tạo tâm lý học Văn theo công thức, giảm hứng thú cho học sinh.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, đề thi có thể lưu ý một số chi tiết về diễn đạt câu chữ hoặc diễn đạt ý sáng và chuẩn mực hơn. Ví dụ như ở ý 2, câu 2, phần I đề viết: “Cũng trong khổ thơ này, các từ “bỗng” và “hình như” giúp em hiểu gì về cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ”. Theo TS, ở phần đó nên thay hai từ “cảm xúc, tâm trạng” bằng “tâm trạng và cách cảm nhận” sẽ phù hợp hơn. Bởi vì từ “hình như” không hướng tới thể hiện tâm trạng, cảm xúc mà là cách cảm nhận thế giới xung quanh phút giao mùa.

Hay như, ở câu 3 viết đoạn văn nghị luận xã hội, diễn đạt vấn đề chưa sáng. Hơn thế nữa, câu lệnh “trình bày suy nghĩ về ý kiến…” hướng tới yêu cầu luận về toàn bộ vấn đề, đó là yêu cầu phù hợp với bài văn hơn là đoạn văn vốn chỉ nghị luận về một bình diện của vấn đề.

Trái lại với môn Văn, kết thúc môn Toán, tại điểm Trường THPT Quang Trung, nhiều thí sinh cho biết, chỉ làm được khoảng 2/3 đề khó, có câu hỏi bất ngờ. Thậm chí, có thí sinh “bật khóc” ngay khi gặp bố mẹ vì không làm được bài như mong muốn.

Tổ trưởng môn Toán một trường THCS ở quận Cầu Giấy chia sẻ, năm nay chị dạy 2 lớp Toán, dù đã dạy hết mọi ngóc ngách của chương trình để ra dưới dạng nào học sinh cũng có thể làm được nhưng một số thí sinh vẫn kêu bất ngờ, thậm chí hoang mang khóc tu tu.

Theo giáo viên này, nhìn chung đề không khó so với năm ngoái, làm tốt việc phân loại học sinh nhưng cấu trúc đề thay đổi so với cấu trúc chung của nhiều năm qua. Ở phần I, ý 3, đề yêu cầu “tìm tất cả giá trị nguyên của x…” là một câu hỏi mang tính chất lắt léo, yêu cầu thí sinh phải đọc thật kỹ đề, bình tĩnh mới xử lý được.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THCS -THPT Lương Thế Vinh lại có nhận định, đề Toán năm nay không hay, vẫn cách hỏi cũ kỹ buộc học sinh hùng hục tính toán để ra đáp án. Đặc biệt, không có bất kỳ câu hỏi nào có tính chất vận dụng đời sống, không kiểm tra được tính sáng tạo của học sinh.

Thầy Tùng dự đoán, với đề thi như năm nay, phổ điểm sẽ tương tự năm 2018, chủ yếu rơi vào 6-8 điểm, ít học sinh đạt điểm 9 và sẽ hiếm học sinh đạt điểm 10.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kết thúc ngày thi đầu tiên, có 8 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó 5 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi; 3 thí sinh bị cảnh cáo. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có 85,557 thí sinh đăng ký dự thi, môn Văn vắng gần 500 em, môn Toán vắng 519 em. 

Đề Văn lớp 10 TPHCM nhân văn, phá vỡ học tủ…

Hôm qua (2/6), hơn 80.000 học sinh ở TPHCM bước vào cuộc đua lớp 10 công lập đầy cam go. Với đề thi Văn, nhiều học sinh và giáo viên đánh giá đề mới lạ, hay và không còn "đất" cho học sinh học tủ như những năm trước đây.

Theo ghi nhận tại nhiều điểm thi, học sinh bước ra khỏi phòng thi sau giờ thi môn Văn khá hào hứng, vui tươi. Em Nguyễn Ngọc Quyên cho biết, đề thi Văn khá nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống hàng ngày.

Nhận xét về đề thi Văn lớp 10 năm nay, cô Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên Văn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 cho rằng đề thi lớp 10 năm nay hay và sát với thực tế rất nhiều. "So với năm trước, đề có phần đòi hỏi tư duy học sinh hơn nhưng không hề đánh đố, với đề này khả năng các em đạt điểm 7- 8 sẽ nhiều", cô Kim Anh nói.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Hồng Thịnh, THCS Hoa Lư, quận 9 cũng đánh giá đề thi hay và sinh động. Theo cô Thịnh, ở câu chuyện của những cái cây, không chỉ dành cho những cái cây, hay cho những bạn trẻ, mà là dành cho tất cả chúng ta.

“Nếu ở câu 1, thí sinh thấy được những thách thức của bản thân để khẳng định mình qua những hoạt động thiện nguyện, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng chiến thắng cái tôi nhỏ bé của riêng mình. Thì câu 2 dựa vào hình vẽ sinh động, thí sinh tuỳ vào quan điểm sống của mình để lựa chọn, lý giải một thái độ sống tích cực: không đố kỵ, so bì với người khác nhưng phải biết tự mình vươn lên để thành công và khẳng định sự khác biệt của bản thân. Đây là đề mở và đánh động tư duy của học sinh cao", cô Thịnh nhận xét.

Theo cô Đoàn Thị Hương, Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, đề Văn năm nay ngoài thực tế, hấp dẫn thì hình ảnh cũng rất sinh động. Các câu hỏi của đề thi có tính nhân văn rất cao, qua đó dạy cho học sinh biết chia sẻ, biết yêu thương nhiều hơn.

"Với đề thi này, học sinh có kiến thức xã hội nhiều, năng động và tư duy tốt sẽ dễ làm bài và đạt được điểm cao. Đề này đã cơ bản chấm dứt tình trạng học tủ, học lệch của học sinh", cô Hương nói.

Trong khi đó, ở môn thi Ngoại ngữ chiều cùng ngày, lại có lỗi sai sót khiến nhiều thí sinh có phần bối rối. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết đề thi tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 bị sai 1 lỗi chính tả ở câu 33. Cụ thể ở đề ghi "young people" nhưng từ gợi ý ở phần viết lại ghi là "your people".

“Sở đã ghi nhận có sai sót về chính tả ngay khi phát đề thi môn tiếng Anh. Trước mắt, Sở chỉ đạo các điểm thi, thông báo thí sinh làm bài bình thường. Sau đó, ban chỉ đạo Hội đồng chấm thi sẽ có bàn bạc và xử lý sau", ông Nam nói và cho biết đây là lỗi chính tả xảy ra hàng loạt, Sở sẽ chỉ đạo theo hướng có lợi nhất cho thí sinh nên các em cứ yên tâm.   

Đà Nẵng: Đề Văn nhắc đến phép lịch sự của giới trẻ

Sáng 2/6, 13.001 thí sinh tại Đà Nẵng đã bước vào kì thi tuyển sinh THPT. Trong buổi sáng cùng ngày, các em làm bài thi môn Văn dưới hình thức tự luận. Đề Văn năm nay được đánh giá “dễ thở”, gần gũi với tâm lý học trò.

Trong đó câu số 2 yêu cầu “viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lời chào trong giao tiếp hàng ngày”, phần lớn các thí sinh đều thích thú với cách ra đề mở này. Đặc biệt “lời chào” không xa lạ, nên không đòi hỏi phải tư duy và hiểu biết sâu rộng mới làm bài tốt.

Thầy Nguyễn Đình Hòa (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú) đánh giá đề bài này mang tính thời sự, bởi thời đại hiện nay, trẻ tự do phát triển cái tôi cá nhân có thể quên mất lời chào trong cuộc sống, giao tiếp hàng ngày. “Trong khi đó là phép lịch sự tối thiểu, ông bà ta vẫn dạy “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Đây cũng là sự báo động cách hành xử của lớp trẻ”, thầy nói.

*Sáng 3/6, học sinh Hà Nội tiếp tục tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập với phần làm bài thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử trong thời gian là 60 phút. Tại TPHCM, Đà Nẵng học sinh bước vào thi môn Toán.

MỚI - NÓNG