Thi vào lớp 10 nhiều môn: Tăng mệt mỏi hay giảm học thêm?

Thi vào lớp 10 nhiều môn: Tăng mệt mỏi hay giảm học thêm?
TPO - Không chỉ thi toán và văn, từ năm 2019, học sinh lớp 9 thi lên lớp 10 sẽ làm thêm 1 bài thi tổ hợp. Thông tin do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố khiến phụ huynh, học sinh 'khóc ròng' khi kỳ thi này căng hơn cả thi vào đại học và lại không được cộng điểm ưu tiên, không tính xét học bạ.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, từ năm học 2019-2020, thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học).

Lý giải về sự đổi mới này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng để tránh hiện tượng học lệch chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và Toán. Và bài thi tổ hợp có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông.

Ủng hộ hay không ủng hộ?

Sự thay đổi này nhận được nhiều ý kiến từ phía phụ huynh và phần lớn đều tỏ ra lo lắng.
Có con trai học ở THCS ở Q.Đống Đa, Hà Nội, chị Thu An chia sẻ, một tuần, con chị có 2 buổi luyện đề Văn và 3 buổi luyện đề Toán, rải rác chiều và tối. Nhiều hôm 10 giờ đêm con mới về trong tình trạng mệt mỏi. Chị cảm thấy nặng nề vô cùng khi nghĩ đến việc số lượng môn thi của con tăng thêm, chưa nói là đến cuối tháng 3 mới có quyết định về việc con sẽ phải thi môn nào. Nghĩa là các con chỉ có hơn 2 tháng để lao vào luyện thi điên cuồng, may ra mới có một "vé" vào trường công lập.

“Tôi không rõ khi các môn thi tăng lên thêm ba môn trong một tổ hợp, con tôi sẽ lấy đâu thời gian để đi luyện tổng cộng tất cả 5 môn, khi mà hiện tại cháu đã quá tải rồi. Tăng thêm môn thi chẳng phải là quá áp lực cho học sinh hay sao?”- chị An bày tỏ.

Nhận định về việc tổ chức thi tổ hợp vào lớp 10 tại Hà Nội vào năm sau, TS Trần Phương, Phó Giám đốc TT hỗ trợ phát triển tài năng lại cho rằng, đây là cách thi rất văn minh. Ở các tổ hợp, có hai môn chủ lực là Toán và Văn còn các môn kia vẫn nhẹ nhàng để các em không học tủ, học lệch.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch hội tâm lý khoa học, chúng ta phải quan niệm, việc thi cử của chúng ta hiện nay để buộc học sinh phải học, nếu học không có kiểm tra thì không đánh giá được kết quả. 

“Quy trình tổ chức thi kiểm tra, đánh giá hàng ngày cũng như hết cấp là việc phải làm. Còn đến khi nào chúng ta phát triển, học không phải thi mà chỉ bằng kiểm tra đánh giá của giáo viên thì lúc đó mới nên bỏ thi.”- Thầy Lâm nhấn mạnh. 

Thầy Lâm cho rằng, trước đây, chúng ta giảm áp lực cho học sinh nên chỉ tập trung vào Văn, Toán. Hiện tại Sở GD&ĐT tổ chức thêm các tổ hợp thi là cách thức rất tốt. Đề thi tổ hợp sẽ khó học thêm bởi đề thi có nhiều câu hỏi tư duy. 

Vì thế, thầy Lâm cho rằng, đề thi làm sao buộc học sinh phải học thật nhiều, phải tư duy thật nhiều và gắn với thực tiễn. Điều đó sẽ khiến các em không thể học thêm- thầy Lâm nói.

Cần có kế hoạch sớm

TS Trần Phương, Phó Giám đốc TT hỗ trợ phát triển tài năng cho rằng, với việc đánh giá trắc nghiệm khách quan không tạo áp lực học sinh. 

“Nếu Sở công bố thêm đề minh họa sẽ giải tỏa sức ép tâm lý cho học sinh khi làm bài thi”- Thầy Phương cho hay. 

Thầy Nguyễn Cao Cường thì cho rằng, với sự thay đổi tăng thêm môn thi này cần có kế hoạch sớm thì việc dạy và học trở nên bình đẳng giữa các môn học, không còn quan niệm môn chính môn phụ, làm cho học sinh học tập một cách nghiêm túc, giúp cho người học sau khi học xong THCS có một nền kiến thức thực sự, chứ không phải lệch như trước đây.

Thầy Cường cũng nhấn mạnh, vấn đề là cần có đề minh họa và thể hiện rõ: Tỉ lệ câu hỏi cho các môn, tổng số câu, thời gian làm bài, số câu hỏi vận dụng cao cho từng môn và cách tính điểm của kỳ thi.

MỚI - NÓNG