Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Lo học sinh thành 'máy thi'

Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Lo học sinh thành 'máy thi'
TPO - Thi vào lớp 10 ở Hà Nội lâu nay luôn là kỳ thi căng thẳng đối với cả phụ huynh và học sinh. Chính vì vậy, phương án thi 4 môn thay vì chỉ 2 môn Văn và Toán như năm ngoái đang khiến các giáo viên và học sinh đều căng thẳng, sợ hơn cả thi vào đại học.

Khổ như thi đại học

Chia sẻ  với báo Tiền Phong,  thầy L.Thảo, giáo viên Toán của một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 trong năm tới là 4 môn thay vì hai môn Văn và Toán như năm ngoái sẽ khiến học sinh thêm khó khăn.

Thầy Thảo cho rằng, khó là vì năm đầu tiên các con chuyển đổi hình thức, các học sinh sẽ không quen với cách thi này.

Mọi năm các học sinh chỉ ôn văn toán, các con chỉ tập trung 2 môn nên kết quả tốt. Năm nay, các còn phải chia thời gian ôn thêm tiếng Anh. Và đến 3 tháng cuối mới biết môn thi thứ 4 và phải dành thời gian ôn thêm môn này.
 
“Nói chung với phương án thi này là sẽ rất khó cho cả học sinh và giáo viên. Giáo viên nào cũng lo môn mình phải thi nên sẽ phải dạy chi tiết. Điều này sẽ gây áp lực cho học sinh vì phải học quá nhiều môn. Như thế học sinh khổ như thi đại học”- thầy Thảo nhận định.

Còn theo Thầy Bùi Hoàng - nguyên Hiệu trưởng THPT Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, thay đổi theo hướng tránh học lệch, học tủ là nỗ lực của Sở GD&ĐT đối với thi đầu vào lớp 10.

Tuy nhiên, theo thầy Hoàng, phương án này chỉ làm tăng áp lực không đáng có cho phụ huynh hơn là buộc chính các học sinh phải học hành nghiêm túc.

Theo thầy Hoàng, muốn giảm tải áp lực và muốn học sinh học đều các môn thì việc ép các em học đều để thi chỉ là giải pháp tình thế.  Việc học các môn xuất phát từ chính ý thức của các em, và bên cạnh đó chương trình học cũng cần phải nhẹ hơn, bớt các kiến thức lý thuyết khô cứng.

Phụ huynh"chạy đua" cùng con 

Thay vì chỉ thi 2 môn toán và văn, kỳ thi vào lớp 10 năm tới được Sở GD&ĐT Hà Nội chốt phương án thi 4 môn bao gồm: Toán, văn, ngoại ngữ và một trong số các môn còn lại (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Môn thi thứ 4 này sẽ được công bố vào tháng 3/2019.

Chị Thu Hương (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con gái đang học lớp 9, khi biết được thông tin này tỏ ra vô cùng lo lắng. Theo chị, việc học của con hiện tại đã khá nặng, riêng việc ôn luyện các môn văn, toán, ngoại ngữ đã chiếm phần lớn thời gian học của con chị. 

Chị Hương cho biết, ngay từ đầu năm học con chị đã rất vất vả vừa học chính ở trường, vừa đi học thêm. Hầu như con không có chút thời gian rảnh rỗi nào để nghỉ ngơi. Nếu các năm các học sinh thi hai môn đã học thêm suốt đến cả ca 3 thì nếu phải thi 4 môn này chắc không có thời gian nghỉ mất.

“Việc học thêm rất mệt mỏi, bởi các con thường có tâm lý học để thi. Nếu tháng 3 mới biết liệu có kịp không trong khi đó thi trắc nghiệm mới toe, nhiều học sinh còn bỡ ngỡ. Học thế chỉ làm khổ học sinh thôi chứ không giải quyết được việc học lệch” - chị Hương băn khoăn.

Anh Đỗ Xuân Dương (H. Hoài Đức, Hà Nội) cũng lo lắng với phương án thi mà Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố. “Đây là năm đầu tiên áp dụng nên chắc chắn các con sẽ lo sợ và học càng căng thẳng. Con căng thẳng thì bố mẹ căng thẳng theo. Giảm học lệch, học tủ chưa thấy đâu mà có khi học sinh chỉ biến thành cái máy thi, không hơn không kém’- vị phụ huynh này nói.

Còn Thầy L.Thảo nhận định: như vậy, học sinh năm sau tính ra môn nào cũng phải học. Đang xu thế giảm nhẹ thi cử mà năm nay lại làm nặng nề quá. Làm thế này lại phải học thêm nhiều.

“Bố mẹ ai cũng muốn con vào trường tốt, nên đầu tư và yêu cầu các con quá cao nên gây áp lực lớn. Chỉ lo học sinh trầm cảm, chán nản vì thi kém. Mà tuổi này các con ko chịu được áp lực nên dẫn đến nhiều chuyện đáng tiếc”- thầy Thảo nói. 

Cũng theo thầy Thảo, các thầy cô thì sợ kết quả ảnh hưởng đến công việc. Nên thầy cô nào cũng ép học sinh học môn mình. Thế là học sinh thành một cái máy học để thi. Thi xong cũng chả có gì trong đầu.

“Ở Việt Nam cách thi định hình cách học nên đưa ra phương án thì học sinh và giáo viên sẽ dạy và học làm sao để kết quả cao nhất”- thầy Thảo nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG